Tết xa quê của những người nghèo nơi thành thị

Không khí Tết tràn khắp mọi nẻo đường khiến người người nôn nao sắm sửa về quê đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, với những mảnh đời khó khăn, Tết lại là một dịp phải lỡ hẹn sum vầy vì vẫn còn đó nỗi lo cơm áo gạo tiền.
0:00 / 0:00
0:00
Buôn bán khó khăn, bà Thao không có tiền về quê ăn Tết.
Buôn bán khó khăn, bà Thao không có tiền về quê ăn Tết.

Đối với những người lao động nghèo, dường như Tết cũng chẳng khác ngày thường là bao. Đường về quê cách xa nghìn cây số, quần quật làm việc cả năm lại chẳng dư dả được mấy đồng khiến ước mơ về thăm quê trở nên quá đỗi xa xỉ.

Ăn tết nơi đất khách

Quê ở Hà Tây (cũ), bà Nguyễn Thị Thao (ngụ tại 28/88 Phan Tây Hồ, Phường 7, quận Phú Nhuận) vào sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh ngót nghét gần 30 năm. Những năm đầu sau khi xa quê, thỉnh thoảng bà Thao vẫn dành dụm một ít tiền về thăm gia đình, họ hàng. Thế nhưng, vật giá leo thang, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn hơn, đã 7 năm nay, bà Thao đều đón năm mới ở nơi đất khách.

Tiền lời thu được mỗi ngày từ sạp rau nho nhỏ ở góc đường gần nhà chỉ vừa đủ nuôi bốn miệng ăn. Ngày nào hết rau sớm, bà Thao đi nhặt ve chai rồi bán kiếm chút ít tiền lẻ. Để đỡ đần vợ, ông Lâm Tấn Cảnh, chồng bà Thao, dù bị bại liệt hai chân, cũng cố gắng bôn ba đi bán vé số khắp nơi để có tiền trang trải các chi phí học hành của con cái và sắm sửa quần áo mới, bánh kẹo, trái cây để gia đình cũng "có Tết với người ta".

Từ những năm trước, các con của bà Thao không ngừng nhắc bà kế hoạch về quê đón Tết. Vì không muốn các con tủi thân và không cản được nỗi nhớ quê da diết, bà Thao trót hứa rằng năm nay cả gia đình sẽ về Hà Nội ăn Tết.

Vậy mà sau nhiều ngày cùng chồng tham khảo đủ loại vé máy bay, vé tàu và tính toán kỹ càng, bà Thao nhận ra dù đi phương tiện nào thì chi phí phải bỏ ra cũng lên đến con số gần chục triệu. Số tiền quá lớn, bà đành nuốt lại nỗi nhớ quê đang gặm nhấm trong lòng, ngậm ngùi lần nữa thất hứa với hai con.

Bà Thao kể, cách đây vài ngày khi gọi điện về cho mẹ, bà bùi ngùi thông báo năm nay không về được. Người mẹ già đã gần 90 tuổi nhìn con gái qua màn hình điện thoại thật lâu, than thở rằng đã chăm mấy con gà suốt cả năm, chỉ trông con cháu về ăn mà lại không về.

Sạp rau nhỏ cả tiếng chỉ loe hoe vài khách mua, có vài người đến hỏi giá, chê đắt rồi chạy vụt đi. "Gạo còn phải nhờ chồng tôi đi xin mới có ăn, bán buôn ế ẩm, kiếm cái bỏ vào miệng còn khó, mơ gì đến mua vé về quê"- gương mặt của người phụ nữ lam lũ buồn bã.

Nhớ lại cuộc trò chuyện với mẹ, rồi đếm đi đếm lại số tiền hôm nay bán được, bà Thao chẳng nén nổi tiếng thở dài, giọng nói nghèn nghẹn: "Nhớ quê dữ lắm chứ, nhưng đành chịu thôi chứ biết làm sao, tiền đâu mà về".

Mong ước giản đơn là về quê đón tết

Giảm giờ làm, lương thấp mà tiền vé xe về quê lại tăng khiến ước mơ về nhà đón Tết của những công nhân đi làm xa quê khó thành hiện thực.

Lặn lội từ Cà Mau lên Thành phố Hồ Chí Minh làm việc được 22 năm, ông Nguyễn Tấn Lai (ngụ tại 479/35 Khu phố 5, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức) luôn nôn nao mỗi khi xuân về, ngóng chờ vài ngày Tết được sống trong tình thân ấm áp sau một năm làm việc xứ người.

Thế nhưng năm nay lại khác, ông Lai cho biết, Tết này ông phải xin đi bán mai kiếm thêm thu nhập để gửi tiền cho chị ba ở dưới quê và lo tiền sinh hoạt cho một người anh bị bệnh về thần kinh. "Không được về quê ăn Tết thì buồn chứ, nhớ chứ. Điều kiện kinh tế quá khó khăn mới phải ở lại chứ ai mà không muốn về" - ông Lai cười buồn.

Mỗi ngày làm việc 8 tiếng, lương công nhân của ông Lai cao lắm chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ngoài số tiền phải gửi về quê, ông Lai dành khoảng 1,5 triệu đồng để trả tiền thuê trọ, số tiền còn lại chi cho các khoản ăn uống, xăng xe, các dịp cưới hỏi…, chưa kể ốm đau, bệnh tật. Đối với ông Lai, bài toán kinh tế làm sao có đủ tiền về quê ăn Tết đến nay vẫn chưa thể giải.

"Năm ngoái thì mong năm nay có tiền về, năm nay thì mong năm sau có cơ hội đoàn tụ. Tình hình kinh tế khó khăn chung, mong là mong vậy chứ biết có làm được không" - ông Lai cúi đầu, lấy ngón tay thô ráp quệt nhẹ qua khóe mắt.

Đồng cảnh ngộ, ông Trần Thế Hùng (ngụ tại 17/17 Đường số 8, phường Linh Xuân, thành phố Thủ Đức) cũng ở lại thành phố đón năm mới. Quê hương của vợ chồng ông Hùng ở tỉnh Nghệ An, từ khi sinh con trai thứ 2 đến nay, gia đình không về quê ăn Tết nữa.

Cả hai vợ chồng ông Hùng đều là công nhân, lương gộp lại chẳng nổi 15 triệu đồng một tháng. Tiền thuê trọ mỗi tháng hết 2,5 triệu đồng, còn tiền học hành của các con, tiền ăn uống, đi lại của cả gia đình cũng chiếm một khoản khá lớn. Hai vợ chồng còn phải dành tiền lo lắng cho cô con gái lớn sắp thi đại học, và muôn ngàn thứ chi phí khác.

Là lao động chính, để phần nào giảm đi gánh nặng kinh tế, sau khi tan làm ở công ty, ông Hùng nhanh chóng ghé về đón con rồi khoác ngay chiếc áo xe ôm công nghệ, bật ứng dụng, bắt đầu nhận chuyến. Cuối năm, tình hình chạy xe cũng không khá khẩm. Ông Hùng kể, có ngày chạy xe đến 12 giờ đêm cũng chỉ kiếm đủ tiền để cả gia đình ăn một bữa sáng.

Quanh năm làm việc vất vả, chắt chiu từng đồng nhưng gánh nặng kinh tế vẫn khiến những người lao động nghèo không thể về quê sum họp dịp Tết. "Giá vé từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Nghệ An trung bình khoảng 2 triệu đồng một người, gia đình 4 người cả đi lẫn về mất mười mấy triệu đồng, chưa kể sắm sửa, quà cáp, lì xì con cháu ngoài quê" - ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng hy vọng, bên cạnh ban hành thêm các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, Nhà nước sẽ xem xét tăng lương để công nhân tứ xứ còn có một khoản tiền dành dụm, năm sau về quê ăn Tết. Vuốt tóc cậu con trai nhỏ ngoan ngoãn, ông trải lòng: "Tôi luôn mong sớm có dịp về quê, cho thằng cu này biết ăn Tết quê như thế nào, biết Nghệ An ra làm sao".

Có lẽ đối với nhiều người, tấm vé về quê ăn Tết chỉ là một số tiền cỏn con, nhưng đối với những mảnh đời mưu sinh như bà Thao, ông Lai hay ông Hùng, giá của một tấm vé ấy có lẽ còn nhiều hơn tiền sinh hoạt một tháng của họ.

Ngày Tết đoàn viên có giá trị tinh thần vô giá mà không một giá trị vật chất nào có thể sánh bằng. Ở nơi đất khách, dù phố phường có nhộn nhịp đến đâu, trong lòng những người con xa quê vẫn thấy trống trải. Khoảnh khắc giao thừa, khi pháo hoa nổ sáng bừng cả vùng trời, tất cả trong họ chỉ gói gọn thành nỗi nhớ đong đầy và khát khao được trở về.