Làm mới bức tranh nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn Bình Phước hôm nay như một bức tranh đa sắc màu, với những con đường bê-tông, trải nhựa rộng rãi, những ngôi nhà cao tầng... Tuy nhiên, một số xã thuộc tỉnh Bình Phước chưa thể về đích nông thôn mới do gặp vướng quy hoạch bô-xít hay nằm trên đất lâm phần… cần có cơ chế đặc thù để đầu tư đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc huyện nông thôn mới Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Một góc huyện nông thôn mới Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Nông thôn khoác áo mới

Nhiều năm trước, thôn Phú Tâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng không có nhà văn hóa buộc phải mượn tạm nhà dân để tổ chức các cuộc hội họp, sinh hoạt tập thể cũng như hoạt động vui Xuân, đón Tết. Thế nhưng Tết Nguyên đán năm nay, thôn đã có nhà văn hóa diện tích 200m2, xây dựng trên khu đất rộng hơn hai sào do người dân tự nguyện hiến.

Đây là một trong những nhà văn hóa thôn rộng rãi, khang trang bậc nhất của tỉnh. Việc hiến đất làm nhà văn hóa, phong trào hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn ở Phú Trung đã lan tỏa mạnh mẽ.

Đơn cử, tuyến đường liên xã Phú Trung kết nối với xã Phước Tân, huyện Phú Riềng dài 12,5km trước đây chỉ là đường mòn nhỏ hẹp nhưng nay được mở rộng 20m, trong đó mặt nhựa rộng 6m. 175 hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng qua tuyên truyền, vận động, họ đã đồng tình ủng hộ. Nhân dân đã hiến gần 11 ha đất cùng với hoa màu và các công trình kiến trúc trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Riêng gia đình ông Đào Văn Dũng ở thôn Phú Tiến đã hiến hơn 3 sào đất để mở rộng đường.

Xã Phước Tín, thị xã Phước Long là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh Bình Phước được chọn đầu tư cán đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Đây là điều kiện, tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cơ sở và nhiều chỉ tiêu, tiêu chí quan trọng khác. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như đưa vị thế, diện mạo địa phương vươn lên tầm cao mới, đặc biệt là tư duy làm kinh tế.

Để hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé, xã Phước Tín đang phát huy hiệu quả tư duy đổi mới. Thành lập tháng 10/2017 trên cơ sở cổ phần của 11 thành viên, diện tích 100 ha cây ăn trái các loại, đến nay Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé thu hút 47 thành viên trồng 244 ha sầu riêng các loại. Sầu riêng tại đây được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé Trương Văn Đảo cho biết, việc thành lập hợp tác xã đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã viên cũng như xã hội. Đó là được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông thoáng, kéo điện vào tận vườn để tạo đà, thúc đẩy sản xuất. Ngoài chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, tìm đầu ra cho sản phẩm thì thành công nhất đối xã viên là tìm tòi, nghiên cứu phòng trừ các loại sâu bệnh đạt hiệu quả cao, đặc biệt là tạo uy tín về chất lượng.

Gỡ khó cho các xã về sau

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tác động lớn đến sự phát triển vượt bậc ở vùng nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa… được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại… đã rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Tuy nhiên, với nhiều yếu tố khách quan, một số xã sau cùng trên địa bàn tỉnh Bình Phước khó về đích đúng hẹn.

Ông Lường Đình Hải cho biết thêm: "Cuối năm 2023, tỉnh Bình Phước có một phần diện tích nằm trong quy hoạch bô-xít của Chính phủ nên các xã nằm trọn trong vùng quy hoạch không thể triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Do đó phải chờ đợi cơ chế đặc thù từ Trung ương, các xã mới được đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm để về đích nông thôn mới.

Mặt khác, những năm gần đây, nguồn thu ngân sách của tỉnh giảm nên đầu tư cho nông thôn mới cũng giảm tương ứng. Mặt khác, tổng kết thực tiễn tình hình xây dựng nông thôn mới thời gian qua cho thấy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã phân kỳ đầu tư cho các xã về đích nông thôn mới theo lộ trình. Tuy nhiên tại các huyện Phú Riềng, Bù Đăng lại không phân kỳ để tập trung đầu tư mà đầu tư dàn trải theo các tiêu chí nên nảy sinh tình trạng xã này đợi xã kia cùng về đích.

Để các xã còn lại về đích nông thôn mới đúng hẹn, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, huy động sự đồng lòng của người dân trong việc đóng góp vốn đối ứng xây dựng nông thôn mới. Song song đó cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù đối với các địa phương vùng khó khăn nhằm góp phần triển khai hiệu quả chương trình; tăng cường công tác đỡ đầu các xã khó khăn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện các tiêu chí, nội dung thành phần của chương trình. Bởi, những xã về đích nông thôn mới sau cùng được đánh giá rất khó khăn.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Phú Riềng đã đầu tư xây dựng 10 cầu bê-tông cốt thép, hơn 341km đường giao thông các loại với tổng kinh phí hơn 1.620 tỷ đồng. 2.476 hộ dân hiến đất giải phóng mặt bằng tại 17 công trình xây dựng giao thông với 2.817 thửa/179,35 ha diện tích thu hồi. Nhiều tuyến đường được nâng cấp mở rộng và làm mới như tuyến Bù Nho-Phước Tân, Bình Sơn-Long Hưng, Phú Trung-Phước Tân.