Theo các chuyên gia, để vùng Đông Nam Bộ đạt Net Zero theo cam kết của Chính phủ, chúng ta cần có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp đột phá trong các hợp phần, Net Zero cần được thông tin rộng rãi tới tất cả cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học tại vùng Đông Nam Bộ, khu vực có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Các giải pháp cần triển khai như: Hệ thống điện mặt trời kết hợp pin lưu trữ năng lượng cho khu dân cư, khu công nghiệp; đẩy mạnh điện khí, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, khuyến khích sử dụng phương tiện chạy điện thông qua chính sách ưu đãi thuế và hạ tầng trạm sạc…; đồng thời, phát triển công nghệ điện gió trên đất liền và ngoài khơi, nhất là tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; nghiên cứu công nghệ sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh...
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc phát triển bền vững, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà máy bia Heineken Việt Nam chia sẻ, cùng Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu, Heineken Việt Nam đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng 0 vào năm 2030 trong sản xuất và giảm 33% phát thải trong chuỗi giá trị với các biện pháp giảm thiểu phát thải ròng, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước.
"Chúng tôi tiên phong sử dụng 96% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu nấu bia bằng nhiệt năng sinh khối tại toàn bộ 6 nhà máy bia trên toàn quốc. Trong khi chờ các giải pháp về năng lượng tái tạo, toàn bộ 6 nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái sử dụng-chia sẻ-sửa chữa", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu. Việc kiên định với chiến lược phát triển bền vững đã giúp Heineken Việt Nam 8 năm liền nằm trong tốp 3 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam" - ông Hoàng khẳng định.
Ông Bùi Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (Tổng công ty Khí Việt Nam) cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2050, các nhà máy sử dụng LNG chuyển dần sang sử dụng hydrogen, tổng công suất 25.400 MW, sản xuất 129,6-136,7 tỷ kWh; ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydrogen, amoniac xanh).
Tổng công ty Khí Việt Nam có nhiều thuận lợi trong công cuộc chuyển dịch năng lượng khi sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng khí lớn nhất Việt Nam với hệ thống đường ống vận chuyển khí (~1.000 km) phân phối đến khách hàng công nghiệp, các kho chứa LPG và LNG. Đây chính là tiềm năng lớn để Tổng công ty Khí Việt Nam xem xét, tận dụng phục vụ phát triển công nghiệp tái tạo trong tương lai.
Để đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng, hướng đến Net Zero vào năm 2050, Tổng công ty Khí Việt Nam hiện đang thực hiện nhiều giải pháp trong đó có công tác nghiên cứu khoa học; cụ thể là xây dựng chiến lược về chuyển dịch năng lượng và định hướng các sản phẩm mới phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng; xây dựng quy trình phối trộn Green H2 vào đường ống vận chuyển khí tự nhiên; thử nghiệm quy mô nhỏ sản xuất, vận chuyển và phân phối Green Hydrogen.
Ngoài ra, Tổng công ty Khí Việt Nam còn nghiên cứu dự án sản xuất Blue/Green Methanol từ nguồn Cá Voi Xanh tại miền trung; dự án sản xuất Green H2 và các sản phẩm xanh tại khu vực Tây Nam Bộ; thu hồi CO2 trong các nguồn khí tự nhiên giàu CO2 làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án sản xuất xanh (CCUS/CCS); dự án thử nghiệm quy mô nhỏ sản xuất dầu sinh học từ tảo; dự án thử nghiệm quy mô nhỏ sản xuất xăng/dầu từ rác thải nhựa; phương án sản xuất Hydro xanh ngọc từ khí tự nhiên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho biết, nguồn vốn đầu tư cho các dự án Net Zero thường lớn nên doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và đối tác quốc tế. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua việc ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ xanh, xây dựng lộ trình pháp lý rõ ràng để thúc đẩy các giải pháp phát thải thấp; khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ và huy động nguồn lực tài chính.
Ngoài ra, để theo kịp lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, đến năm 2040, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. Vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn cho các dự án xanh; cung cấp ưu đãi thuế, trợ giá và các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời xây dựng cơ chế thị trường các-bon trong nước, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm phát thải.
Để hiện thực hóa thành công chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, khu vực Đông Nam Bộ cần triển khai đồng bộ các giải pháp ở các lĩnh vực có liên quan. Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần thúc đẩy năng lượng gió và mặt trời, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và đẩy mạnh điện khí; phát triển nông nghiệp bền vững, trồng rừng và bảo vệ rừng, xử lý chất thải nông nghiệp; khuyến khích xây dựng công trình đạt tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, quy hoạch đô thị xanh, thông minh; đầu tư, nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến để giảm phát thải, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.