Mở cửa luồng tuyến hàng hải vùng Đông Nam Bộ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi triển khai đầu tư, dự án được đánh giá rất tiềm năng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, mang lại tầm vóc và lợi ích cho đất nước, qua đó hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về vùng Đông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.

Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, về quy mô, dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 571 ha. Vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện dự án và đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm, kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư và hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Thủ tướng cũng giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư, để ghi nhận trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

Tham gia chuỗi cung ứng vận tải thế giới

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng và phát triển tại cửa sông Cái Mép và vịnh Gành Rái. Đây là khu vực có luồng tuyến được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay; có khí hậu thuận lợi cho hoạt động khai thác cảng với nhiệt độ trung bình năm khoảng 26,8°C và ít khi chịu ảnh hưởng của gió bão lớn gây ra.

Cùng với đó, hiện nay luồng tuyến Cái Mép-Thị Vải đang được đầu tư nâng cấp theo Quyết định phê duyệt số 1093/QĐ-BGTVT ngày 9/8/2022 của Bộ Giao thông vận tải, bảo đảm cho tàu container trọng tải đến 160.000 tấn ra vào thường xuyên.

Đánh giá vai trò của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nếu dự án được triển khai đầu tư thực hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có vị trí địa lý thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, ở khu vực cửa sông Cái Mép và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam (khối lượng hàng container qua cảng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam chiếm trên 65% cả nước). Cảng Quốc tế Cần Giờ cũng sẽ bổ sung tiềm năng, tương hỗ, nhằm đưa cảng Cái Mép-Thị Vải trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.

Về mục tiêu phát triển, thành phố xác định xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế; thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có thương hiệu về cảng, đồng thời sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới, phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển như các cảng Singapore, Hồng Kông, Tanjung Pelepas...

Ngoài các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, khu vực nghiên cứu xây dựng cảng còn có vị trí quan trọng trong khu vực phòng thủ của Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7. Công trình bến cảng cũng gắn liền với yêu cầu bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và sẵn sàng tham gia ứng phó với các tình huống khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Hướng đến tiêu chí cảng "xanh", giảm phát thải

Đầu tư hạ tầng bảo đảm tiêu chí cảng xanh giai đoạn 2030, 2035 và 2050 nhằm chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải cũng là tiêu chí mà Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến khi đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo đó, thành phố xác định ngăn ngừa ô nhiễm, sự cố, rủi ro môi trường; giảm sử dụng năng lượng tại các cảng bằng cách sử dụng phương tiện giao thông bền vững chạy bằng điện hoặc nhiên liệu sạch trong hoạt động của cảng và sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo tại cảng; sử dụng thiết bị điện tại cảng để giảm hoặc vô hiệu hóa lượng khí thải cho tất cả các phương tiện hoạt động trong cảng...

Đánh giá tiềm năng phát triển dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: Về mặt kinh tế, dự án có tính khả thi rất cao, có tính cạnh tranh rất lớn trên khu vực và thế giới, nhất là với nước láng giềng Singapore vốn có cảng trung chuyển lớn nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư MSC cũng là hãng tàu lớn nhất thế giới, có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Hãng tàu này có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEU/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới; các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu. Theo ông Thuận, với những yếu tố lợi thế này thì hiệu quả và tiềm năng dự án này trong tương lai là không thể phủ nhận, đồng thời giải quyết khoảng 8.000 lao động cho thành phố nên đây là yếu tố then chốt trong việc xây dựng cảng.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho rằng, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phê duyệt chủ trương đầu tư không chỉ phù hợp với thực tế hiện nay mà còn là thời cơ hết sức thuận lợi để khôi phục hoạt động giao thương bằng cửa ngõ hàng hải; nâng cao sức cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore hay Malaysia.

"Cùng với cụm cảng Cái Mép, cảng Cần Giờ là 2 bộ phận cấu thành tổng thể cảng trung chuyển quốc tế của khu vực Đông Nam Bộ vì lợi ích chung của cả vùng. Do đó, chúng ta đừng để đánh mất cơ hội trong điều kiện này để tạo sức bật cho vùng Đông Nam Bộ mà Bộ Chính trị nêu trong quy hoạch về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045" - ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận mong muốn, trong quá trình xây dựng dự án, thành phố cần có báo cáo đánh giá quá trình thực hiện theo định kỳ hằng quý nhằm nắm bắt sát sao tiến độ, đánh giá tổng quan để có hướng giải quyết phù hợp theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài chủ động kiến nghị trực tiếp với lãnh đạo thành phố để giải quyết các vấn đề quan trọng, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án như cam kết ban đầu…