Tết xa nhà ở giữa nơi tâm dịch

NDO -

Trong cuộc chiến tại các điểm nóng Quảng Ninh, Hải Dương, có những người đã trải qua nhiều tâm dịch nóng bỏng, có những chiến sĩ áo trắng đã hoãn cưới tới hai lần, có những người tạm biệt vợ khi vợ sắp “nhảy ổ”… Mỗi người mang một nỗi niềm riêng, nhưng chung một tâm trí: “Tết chỉ thật sự Tết khi sạch bóng Covid-19”. 

 BS Đỗ Thị Kim Oanh cùng các đồng nghiệp trao đổi chuyên môn tại khu điều trị.
BS Đỗ Thị Kim Oanh cùng các đồng nghiệp trao đổi chuyên môn tại khu điều trị.

Đón Tết tại khu cách ly Chí Linh

Là một trong những chuyên gia đầu tiên của Bộ Y tế có mặt tại tâm dịch Chí Linh, Hải Dương, hơn 15 ngày qua, ThS, BS Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cùng Sở Y tế Hải Dương chiến đấu ở những thời khắc cam go nhất.

Ngay khi có thông tin về ca dương tính tại TP. Chí Linh, ngay sáng ngày 29-1, BS. Vũ Minh Điền cùng đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã đánh giá trực tiếp tình hình tại Thành phố Chí Linh lúc đó.

BS Vũ Minh Điền đã trực tiếp kết nối zalo với BS Oanh - người điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ những ngày đầu tiên tại TTYT TP Chí Linh. Đầu dây bên kia, không khí căng thẳng và hoang mang khi lần đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 được thể hiện rõ với hàng loạt các câu hỏi băn khoăn của bác sĩ Oanh và kíp điều trị.

Tết xa nhà, nơi giữa tâm dịch -0
 ThS, BS Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Hướng dẫn cho kíp điều trị có nguy cơ lây nhiễm cao vừa xong, BS Điền yêu cầu tập trung toàn bộ nhân viên của bệnh viện để tập huấn cho cán bộ y, bác sĩ của bệnh viện. Từ cách tiếp xúc bệnh nhân đến phương pháp điều trị, mặc và thay đồ bảo hộ được hình ảnh hóa một cách rõ ràng.

Chỉ trong tám giờ đồng hồ, Bệnh viện dã chiến đầu tiên được thiết lập ngay tại TTYT TP Chí Linh, Hải Dương. BS Vũ Minh Điền cùng các y, bác sĩ thống nhất phương án di chuyển hết toàn bộ các bệnh nhân âm tính ra khỏi khu vực điều trị để chuẩn bị thu dung, tiếp nhận bệnh nhân dương tính. Mọi công việc được diễn ra chỉ vỏn vẹn trong hai giờ đồng hồ. Hiện, bệnh viện đang điều trị cho số bệnh nhân Covid-19 nhiều nhất lên tới 182 bệnh nhân.

Đối với BS Vũ Minh Điền và các thầy thuốc chi viện từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì những nỗi lo lắng đã có phần giảm đi. Toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ của TTYT TP Chí Linh cơ bản đã có thể đáp ứng được yêu cầu về điều trị đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 dưới sự theo sát của các chuyên gia đầu ngành.

Cùng ở lại tuyến đầu Hải Dương, đón Tết với các bệnh nhân Covid-19, BS Điền tâm sự, sắp đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là lúc chúng ta đoàn tụ gia đình, sum họp, nhưng trong tình hình hết sức phức tạp hiện nay, mỗi người dân hãy cùng chung sức với ngành y tế để bảo vệ sức khỏe của mình. Hãy hạn chế giao lưu khi không cần thiết và khi đến những nơi đông người phải thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế… Có làm những việc như thế mới có thể cắt giảm con đường lây nhiễm của dịch bệnh. 

Là bác sĩ đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, BS Đỗ Thị Kim Oanh (36 tuổi), Khoa Truyền nhiễm, TTYT TP Chí Linh tâm sự, dù nhiều năm làm trong lĩnh vực truyền nhiễm, nhưng chị và các đồng nghiệp cũng rất hoang mang khi lần đầu tiên nhìn thấy hai xe cấp cứu chở gần 30 bệnh nhân Covid-19 đến TTYT TP Chí Linh. Nỗi sợ lớn hơn bản thân mình có thể nhiễm bệnh là làm cách nào để điều trị cho một số lượng bệnh nhân lớn trong cùng một lúc.

Tết xa nhà, nơi giữa tâm dịch -0
 Hậu phương của chị Oanh luôn động viên chị Oanh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở tuyến đầu.

Sau khi ổn định tâm lý các đồng nghiệp, chị Oanh vẫn không thể quên được cuộc điện thoại với BS Vũ Minh Điền của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chuyên gia của Bộ Y tế. Từ cách tiếp xúc bệnh nhân đến việc điều trị và theo dõi các chỉ số của từng bệnh nhân đều được anh Điền hướng dẫn cho cả nhóm. Cả kíp điều trị như tìm được điểm neo nên an tâm hơn.

Tất cả trải qua một đêm đầu tiên rất nhiều cảm xúc lẫn lộn, lo âu. Tiến hành xong việc lấy thông số, theo dõi các bệnh nhân cũng là lúc đồng hồ điểm hơn 12 giờ đêm. Nhiều người trong kíp trực của chị đành phải trải bìa carton để ngủ lấy sức cho “cuộc chiến còn lâu dài”. Những ngày sau, nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia từ Bộ Y tế, chị và các y bác sĩ đã chủ động, bớt căng thẳng hơn trong công việc.

Chị Oanh có ba con nhỏ, cháu lớn học lớp 1 và cháu nhỏ nhất chỉ mới 19 tháng tuổi. Ngày chị đi thực hiện nhiệm vụ, cả ba cháu nhỏ được giao phó hoàn toàn cho ông bà ngoại. Chồng chị Oanh cũng là một cán bộ phòng hành chính - tổ chức của TP. Chí Linh cũng đang tất bật với nhiệm vụ tiếp ứng hậu cần cho toàn thành phố.

Nỗi canh cánh trong lòng của chị Oanh đó là bố chồng chị đang bị ung thư phổi diễn tiến nặng khiến hai chân bị gãy. “Mình là con dâu mà cũng không thể ra gánh vác cùng gia đình được. Bố đang điều trị ở Hà Nội còn gọi về động viên. Ngày đi học bác sĩ chuyên khoa, các thầy cô thường nói đôi khi phải “gác niềm riêng sau màu áo blouse trắng” nhưng tới tận bây giờ mình mới thấm”, chị Oanh tâm sự.

Xa vợ sắp “nhảy ổ” vì nhiệm vụ

Anh Lưu Văn Khanh, sinh năm 1989, nhân viên y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Cẩm Giàng, Hải Dương là một trong những cán bộ y tế được giao nhiệm vụ cắm chốt y tế tại các khu cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao của tâm dịch Hải Dương.

Điểm cách ly tại trường tiểu học Lai Cách có đến 100 người được cách ly y tế gồm 62 học sinh, 41 phụ huynh, bảy thầy cô giáo. Trong những ngày qua, gần như anh không có thời gian nghỉ ngơi. Từ theo dõi sức khỏe đến bảo đảm giãn cách, tất cả đều được thực hiện một cách đầy đủ, rõ ràng với tâm thế khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm.

Trong khu cách ly tại trường tiểu học Lai Cách, anh Khanh phải chăm sóc, điều phối các hoạt động tại khu cách ly. BS Khanh tâm sự: "Nhiều lúc trong khu cách ly, nhìn các con còn nhỏ, bố mẹ công tác xa không thể đi cách ly cùng đứng khóc một góc, tôi là đàn ông nhưng cũng cầm lòng nổi. Các em cũng là chiến binh của cuộc chiến này".

Tết xa nhà, nơi giữa tâm dịch -0
Anh Lưu Văn Khanh, nhân viên y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, anh chỉ canh cánh nỗi lo người vợ đang mang bầu tám tháng, rất cần có anh bên cạnh đỡ đần để chào đón đứa con đầu lòng. Đại An – là cái tên anh với vợ đã thống nhất đặt cho đứa con trai sắp sửa ra đời của mình.

Anh tâm sự: “Đại An là một sự bình an lớn. Vợ mang thai hơn tám tháng thì tôi đã đến ba lần phải đi công tác chống dịch. Đại An cũng là điều tôi và tất cả những y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, người dân cả nước mong muốn lúc này. Tôi muốn đặt tên con như thế để sau này, mỗi lần con được gọi, con sẽ biết trân quý khi là một huyết cầu của Tổ quốc trong cuộc chiến chống Covid-19”.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan