Đây là khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong năm nên họ tổ chức Tết để gia đình, họ hàng quây quần sum họp. Tết vừa là dịp nghỉ ngơi, vui chơi giải trí; vừa là dịp để bà con tạ ơn tổ tiên, trời đất đã ban cho mưa thuận gió hòa; đồng thời cầu cho mùa vụ tiếp theo tươi tốt, bội thu.
Khi tổ chức Tết, bà con thường chọn vào ngày con rồng trong tháng. Trước đây, Tết thường kéo dài trong bảy ngày, tuy nhiên hiện nay do đời sống đã có nhiều thay đổi cho nên thời gian tổ chức Tết cũng được bà con rút ngắn bớt, thường thì năm ngày hoặc ít hơn, tùy thuộc từng vùng, từng bản. Trong ngày Tết đầu tiên bà con thường dậy rất sớm để làm bánh dày, mổ lợn làm lễ cúng tổ tiên, trời đất. Thịt lợn và bánh dày là hai trong số những lễ vật quan trọng nhất không thể thiếu trong ngày Tết của người Hà Nhì.
Việc cúng lễ của người Hà Nhì trong dịp Tết mùa mưa là do chủ hộ gia đình đảm nhiệm. Họ cúng cả bên nội lẫn bên ngoại và thường cúng xong từ rất sớm để mọi người có thể cùng nhau ăn sáng trong ngày Tết đầu tiên. Sau đó còn dành thời gian cho việc chuẩn bị váy áo đi chơi Tết. Ngoài ra, các trò chơi trong dịp Tết mùa mưa của người Hà Nhì cũng khá đa dạng và phong phú. Từ đi cà kheo, đánh cù, hát đối giao duyên đến chơi đu lăng, bập bênh xoay vòng... Tuy nhiên, trò chơi được xem là không thể thiếu trong dịp này là đu lăng. Người Hà Nhì quan niệm rằng, việc chơi đu lăng là một hình thức sám hối cho những tội lỗi mà họ vướng phải trong suốt quãng thời gian trước. Cụ thể là việc săn bắn, giết hại những con vật trên rừng, mà mỗi con vật đều có linh hồn nên phải có hình phạt nhất định để giải oan cho linh hồn của những con vật để chúng không còn tìm về làm hại bản làng...
Ngoài việc tham gia các trò chơi, Tết cũng là dịp để mọi người trong bản đến nhà chúc tụng, thăm nom lẫn nhau. Khi đến chúc Tết bất cứ nhà nào trong bản, các vị khách đều được gia chủ đón tiếp bằng những mâm cỗ đầy rượu, thịt và sản vật mà chính gia đình mình làm ra. Đây là truyền thống hiếu khách và là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của người Hà Nhì ở Lai Châu.
Cứ như vậy, mọi hoạt động diễn ra trong các bản của người Hà Nhì cho đến ngày cuối cùng. Trước khi kết thúc Tết, tất cả các hộ gia đình đều mổ gà để làm lễ tạ. Trong lễ tạ này, một lần nữa bà con lại xin với đấng tối cao cho mưa thuận gió hòa, trồng cấy, chăn nuôi không sâu, không bệnh.
Tết kết thúc, bà con Hà Nhì lại trở về với cuộc sống thường ngày. Và họ lại miệt mài lao động sản xuất cho đến mùa Tết như vậy của bản mình vào năm sau.