Tết của người lao động Việt Nam ở nước ngoài

Báo chí và quà Tết từ quê hương.
Báo chí và quà Tết từ quê hương.

Việt Nam hiện có hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, trong đó Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) thuộc Bộ Giao thông vận tải, đứng đầu về số lượng, chất lượng, hiệu quả lao động xuất khẩu và mức đóng góp hàng năm với Nhà nước. Ðây cũng là đơn vị chăm sóc và bảo vệ tốt quyền lợi chính đáng của người lao động.

Công ty AIC quản lý gần 30 nghìn lao động đang làm việc tại tám quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó ở thị trường Ðài Loan (Trung Quốc) có gần 7.000 lao động. Cùng với thực hiện đầy đủ thỏa ước đã ký kết với người lao động, công ty dành hơn một tỷ đồng mua quà tặng những người lao động vui đón Tết Nguyên đán Ðinh Hợi năm 2007 ở nước ngoài.

Giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa đi công tác ở châu Âu về, đã mời những người làm báo chúng tôi cùng đi thăm, tặng quà Tết Ðinh Hợi năm 2007 cho các lao động đang làm việc tại Ðài Loan.

Trời se lạnh. Mưa xuân lất phất. Hàng cây hai bên đường cao tốc nhú lộc non. Xe ô-tô con chạy tốc độ từ 80 đến 120 km/giờ đưa chúng tôi đến Nhà máy Ðệ nhất mỹ ca, chuyên sản xuất điện thoại di động ở thị xã Quý Sơn của huyện Ðài Bắc. Nhận gói bỏng ngô của người mẹ ở quê hương nhờ Công ty AIC chuyển, cùng quà tặng của công ty là bánh chưng, giò, số báo Nhân Dân Tết Ðinh Hợi năm 2007, công nhân Bùi Thị Dung gạt nước mắt, xúc động nói: "Quê em ở xã Hạ Mỗ (Ðan Phượng, Hà Tây). Em nhớ gia đình lắm. Ban giám đốc nhà máy rất quan tâm người lao động Việt Nam. Chúng em làm việc trong môi trường sạch, được trang bị đầy đủ các bảo hộ lao động nhưng kỷ luật giờ giấc, ra vào phòng làm việc rất khắt khe, các sản phẩm làm ra luôn phải loại A".

- Lương hằng tháng của em thế nào? Tôi hỏi.

- Công việc ổn định, hằng ngày đều có giờ làm thêm, tính ra lương tháng của chúng em từ 500 đến 700 USD. Em hứa với công ty, với bố mẹ và gia đình ở quê hương là sẽ chăm chỉ làm việc, thực hiện tốt kỷ luật của nhà máy.

Nguyễn Văn Hưng, quê ở xã Ðông Việt (Yên Dũng, Bắc Giang) năm nay 19 tuổi nói: "Ðây là lần đầu em xa nhà và đón Tết ở nước ngoài, nhưng vẫn được ăn bánh chưng với giò, được xem các loại báo Tết như ở nhà. Em sẽ chịu khó học ngoại ngữ và lao động với năng suất cao, chất lượng bảo đảm, để kiếm được nhiều tiền chuyển về giúp cha mẹ. Ðó chính là cách đền ơn tốt nhất của người con với gia đình và đất nước".

Chứng kiến cuộc gặp gỡ đậm đà tình nghĩa của những người Việt Nam, bà Hồng Tuyến Ức, Phó giám đốc Nhà máy Ðệ nhất mỹ ca, bộc bạch: Lao động Việt Nam là những người nước ngoài đầu tiên được nhận vào làm việc tại nhà máy. Nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, Giám đốc nhà máy quyết định cho phép công nhân Việt Nam được nghỉ bốn ngày, và đều được hưởng lương cơ bản. Ngày 16-2, Giám đốc nhà máy tổ chức liên hoan đón Tết với các lao động Việt Nam. Nhìn chung, lao động Việt Nam thông minh, cần cù lao động và biết tôn trọng kỷ luật của nhà máy, pháp luật của Ðài Loan. Trong hai năm tới, chúng tôi sẽ tiếp nhận thêm gần 200 lao động Việt Nam do Công ty AIC  tuyển chọn vào làm việc tại nhà máy.

Công TNHH cổ phần dệt Ðài Nguyên ở thành phố Trúc Bắc, thuộc huyện Tân Trúc, hiện có 200 người Việt Nam đang làm việc. Nhận quà Tết gồm bánh chưng, giò, bánh đậu xanh và các loại báo Tết ở trong nước, do Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Thanh Nhàn trực tiếp trao tặng, nữ công nhân Lều Thị Ngát, quê xã Vũ Công (Kiến Xương, Thái Bình) và Vũ Thị Hạnh, quê Cẩm Giàng (Hải Dương), xúc động nói: Do thực hiện xuất sắc thỏa ước theo hợp đồng xuất khẩu thứ nhất (ba năm), chúng em đã được trở lại Công ty Ðài Nguyên làm việc theo hợp đồng thứ hai. Chúng em sẽ cố gắng làm việc để đạt năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, có mức thu nhập không kém  lao động người Ðài Loan, đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định của công ty và pháp luật của Ðài Loan.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Trịnh Nguyên Ðài, Giám đốc Công ty TNHH cổ phần dệt Ðài Nguyên nói: Công ty AIC của Việt Nam là đối tác tin cậy và lâu năm của Công ty Ðài Nguyên. Chúng tôi không phân biệt người lao động trong nước hay người lao động nước ngoài. Ðiều quan trọng hàng đầu là năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và sự tuân thủ của người lao động với các quy định, điều lệ của công ty và pháp luật của Ðài Loan. Lao động Việt Nam những năm gần đây lao động tốt, được hưởng tiền lương, tiền thưởng, ăn, ở, họp hành như người lao động Ðài Loan. Người Việt Nam ở chung trong khu ký túc xá với người Ðài Loan, do chúng tôi xây dựng. Mỗi phòng ở có từ năm đến sáu người, có trang bị máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và các tiện nghi sinh hoạt khác. Người lao động Việt Nam có thể ăn theo thực đơn hằng ngày ở bếp ăn chung, hoặc tự nấu lấy ăn tại bếp chung ở cư xá theo quy định.

- Người Việt Nam và người Ðài Loan đều có phong tục đón Tết Nguyên đán. Vậy Tết Ðinh Hợi năm 2007 này, ông có những chế độ gì đối với người lao động?

- Người lao động Việt Nam và người lao động Ðài Loan được nghỉ Tết chín ngày. Ngày 14-2 (tức 27 âm lịch), chúng tôi tổ chức liên hoan tất niên, có trò chơi, ca hát vui xuân và bốc thăm trao thưởng. Trong những ngày nghỉ Tết, người lao động được hưởng lương cơ bản, nếu ai có nguyện vọng đi làm việc thì được nhận tiền lương theo số lượng và chất lượng sản phẩm.

Chia tay những người khách Việt Nam, Giám đốc Trịnh Nguyên Ðài tâm tình:

- Thay mặt lãnh đạo công ty, tôi cảm ơn những người lao động Việt Nam trong những năm qua đã góp phần đáng kể xây dựng và phát triển Công ty dệt Ðài Nguyên. Cảm ơn Công ty AIC Việt Nam không chỉ tuyển dụng, cung cấp cho chúng tôi những người lao động siêng năng và sáng tạo, chịu khó học tập mà còn thường xuyên trao đổi thông tin, trực tiếp gặp gỡ, chung sức giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm lợi ích của đôi bên, của người lao động Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những người lao động Việt Nam có nguyện vọng làm việc tại công ty.

TẠI hội trường của Công ty bảng mạch điện tử Nam Á, ở thành phố Nam Khảm, thuộc huyện Ðào Viên, một công ty hàng đầu của Tập đoàn kinh tế lớn Formosa nổi tiếng của Ðài Loan, sau khi vui mừng nhận quà Tết, nam công nhân Ngô Văn Thuận, quê ở xã Xuân Tiến (Xuân Trường, Nam Ðịnh), nêu câu hỏi với Giám đốc Công ty AIC:

- Xem truyền hình và đọc báo, tôi biết cuối năm 2006, nước ta đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới. Báo chí cũng nói đó là một thành công lớn nhưng cũng là một thách thức lớn của đất nước ta, vậỵ sự kiện này có tác động gì đến Công ty AIC và những người lao động xuất khẩu như chúng tôi.

Trong không khí gặp mặt cởi mở, chân tình, dân chủ nêu những ý kiến, những nguyện vọng, những kiến nghị và cả những băn khoăn ngay trên đất khách, Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói:

- Năm 2006, Công ty AIC đã ký hợp đồng và đưa hơn năm nghìn lao động xuất khẩu trở lại các nước, vùng lãnh thổ hoặc đến nước thứ hai theo nguyện vọng của người lao động, đáp ứng yêu cầu của công ty và ý kiến của chủ sử dụng lao động. Sau khi nước ta gia nhập WTO, Công ty AIC đã tiến hành thăm dò, tìm hiểu và quan hệ với 18 tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới phối hợp tổ chức sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ tại Việt Nam và ở các nước ngoài. Công ty cũng đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn làm thử việc đào tạo, tuyển dụng lao động xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Italia... Như vậy, ngành nghề của công ty phát triển thêm, thị trường lao động mở rộng, thời gian hợp đồng với người lao động kéo dài hơn. Công ty ưu tiên tuyển dụng những người đã đi lao động ở nước ngoài có nguyện vọng trở lại thị trường cũ, đến nước thứ hai hoặc làm việc tại Việt Nam. Những người có tay nghề cao, có ngoại ngữ, được công ty chọn đào tạo, bồi dưỡng để trở thành giáo viên, cán bộ quản lý. Công ty đã và đang gửi các phiếu thăm dò nguyện vọng đến từng người lao động.