Phum, sóc vào Xuân
Về Đường Đào - ấp có hơn 70% số hộ là đồng bào Khmer của xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (Cà Mau) ngày cận Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, trẻ em khoe quần áo mới, nô đùa náo nhiệt. Đằng sau con lộ nông thôn phẳng phiu và những căn nhà đã được trang hoàng lộng lẫy, các bà, các mẹ người Khmer chụm rụm ngồi làm bánh, trò chuyện rôm rả.
Phía sau gian bếp gia đình ông Hữu Sếp, thành viên Ban quản trị chùa Rạch Giồng ở ấp Đường Đào, lá chuối tươi, đậu, nếp, dây lát… được bày biện sẵn. Trên bộ ván ngựa có bốn người phụ nữ tuổi trung niên và một thanh niên, tay thoăn thoắt hoàn thiện từng đòn bánh Tét đẹp mắt để chuẩn bị đưa vào lò luộc bánh. Gia chủ tiết lộ, nồi bánh năm nay nhiều hơn mọi năm và được chia thành hai loại: bánh Tét chay dùng để cúng trời đất, ông bà, dâng lên các sư; bánh Tét mặn dùng để ăn kèm với thịt kho tàu, dưa chua, dưa kiệu... trong ba ngày Tết. “Hồi Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa rồi, vài hộ người Kinh trong xóm biếu bánh, nay gia đình tôi làm bánh nhiều hơn chút để biếu lại, coi như để chòm xóm chia sẻ niềm vui ngày Tết cổ truyền với đồng bào Khmer chúng tôi” - bà Lý Thị Sua (vợ ông Sếp) khoe.
Bí thư Chi bộ ấp Đường Đào Hữu Thảo cho biết: Không khí đón Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay không thua mọi năm, bởi bà con trong ấp vừa thu hoạch xong vụ lúa, tôm, cho hiệu quả kinh tế cao. “Nhờ được tập huấn, nắm chắc kỹ thuật canh tác nên việc nuôi tôm, trồng lúa của đồng bào Khmer trong ấp ít khi gặp rủi ro. Nhờ đó, bà con có tiền vui Xuân, đón Tết trong no ấm” - Bí thư Hữu Thảo chia sẻ.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (còn gọi là Lễ vào năm mới hay Lễ chịu tuổi) diễn ra vào tháng 6 (theo phật lịch Khmer), tức từ ngày 14 đến 16-4 (dương lịch) hằng năm. Đây cũng là thời điểm lúa khô đã quây thành bồ, nông dân có thời gian để nghỉ ngơi. Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, cộng đồng dân tộc Khmer tại Cà Mau hầu hết theo Phật giáo Tiểu thừa, sinh sống quần tụ gần nơi có chùa. Vì vậy, mọi sinh hoạt và hầu hết nghi lễ lớn trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây đều diễn ra tại chùa. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo mang tính cộng đồng cao của đồng bào Khmer, càng khiến không khí vui Xuân thêm náo nhiệt.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết: "Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer bắt đầu từ trước nửa tháng, ngoài trang hoàng lại nhà cửa cho tươm tất, đồng bào quanh các điểm chùa còn tự nguyện góp công, góp của để tu bổ, trang trí cảnh quan chùa cho đẹp mắt. Cùng với việc mang vật phẩm, hoa quả, bánh mứt, nhang đèn… đến cúng chùa và kính dâng lên các vị sư trong chùa, trong ba ngày Tết diễn ra, đồng bào Khmer tổ chức đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, hạnh phúc...".
Hòa thượng Thạch Hà, Trụ trì chùa Monivongsa kiêm Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau nói: "Cũng như mọi năm, đồng bào Khmer Cà Mau tiếp tục tề tựu về chùa để đón Tết cổ truyền của dân tộc mình trên tinh thần vui tươi, tiết kiệm, lòng thành kính hướng Phật, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Niềm vui và niềm hy vọng về một năm mới tốt đẹp của đồng bào Khmer là như nhau...”.
Giúp đồng bào Khmer ổn định cuộc sống
Cà Mau có 13 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, nhưng chiếm phần lớn là đồng bào Khmer với hơn 33.400 khẩu. Tạo điều kiện để đồng bào Khmer ổn định cuộc sống, vui Xuân, đón Tết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau thực hiện tốt các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, hàng nghìn hộ đồng bào Khmer trong tỉnh đã có đất ở, đất sản xuất, được vay vốn chuyển đổi ngành nghề. Qua các dự án tái định cư ở các huyện Năm Căn, Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh…, chính quyền tỉnh còn giúp được hơn 3.000 hộ ổn định cuộc sống, giảm dần tình trạng du canh, du cư. Hằng năm, tỉnh còn huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo để giúp nhiều hộ vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm khoảng 2% (tương đương 6.000 hộ), riêng các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 và các xã vùng bãi ngang ven biển giảm bình quân 4%/năm.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau Triệu Quang Lợi cho biết: "Cà Mau cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, xem đó là một trong các giải pháp xóa nghèo căn cơ, bền vững cho đồng bào Khmer. Bên cạnh việc đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nông thôn có đông đồng bào Khmer sinh sống, Cà Mau còn hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 15 Salaten (nhà hội tụ của sư sãi, tín đồ Phật giáo) và lò hỏa táng, giúp đồng bào Khmer vùng sâu, vùng xa trong tỉnh có chỗ, có nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng vào các dịp lễ, hội, Tết cổ truyền, cũng như hỏa táng người đã khuất...".
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến đồng bào Khmer, chúc bà con đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an lành, tiết kiệm. Năm mới đến, các cấp lãnh đạo Cà Mau mong đồng bào Khmer trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, ra sức thi đua, lập nhiều thành tích hơn nữa để chung tay với cộng đồng các dân tộc khác tại địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.