Tết ấm trong những ngôi nhà mới

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão số 3 ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc, sẽ được đón xuân mới trong những căn nhà khang trang, ấm áp, được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của chính quyền và nguồn đóng góp của cộng đồng. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững tại các địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Những căn nhà tái định cư đã hoàn thành, bàn giao cho người dân xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh MINH TUẤN)
Những căn nhà tái định cư đã hoàn thành, bàn giao cho người dân xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh MINH TUẤN)

Những tổ ấm mới

Sau khoảng ba tháng khẩn trương xây dựng, cuối tháng 12/2024, bảy căn nhà tái định cư đã hoàn thành, đón bảy gia đình ở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) bị thiệt hại do thiên tai vào ở. Những căn nhà có mái lợp tôn, tường xây, nền lát gạch hoa, tổng kinh phí xây dựng khoảng 240 triệu đồng/căn từ sự hỗ trợ của chính quyền, nhà hảo tâm đã giúp người dân ổn định chỗ ở sau những ngày tháng đau buồn vì mất người thân, mất nhà cửa.

Ông Hoàng Văn Me, Trưởng xóm Lũng Lỳ cho biết: “Tháng 9/2024, sạt lở đất để lại hậu quả kinh hoàng cho người dân xóm Lũng Lỳ, làm chín người chết, nhà của bảy gia đình bị đất đá sạt lở, tràn lấp, phá hủy; 19 gia đình phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở. Trong và sau mưa lũ, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ nguồn lực giúp người dân vượt qua thiên tai. Các gia đình bị mất nhà được tái định cư trong những ngôi nhà kiên cố, khang trang, từ đó người dân ổn định tâm lý, trở lại cuộc sống bình thường”.

Xuân này, gia đình chị Triệu Mùi Liu ở xóm Lũng Lỳ được đón Tết trong căn nhà mới sạch, đẹp. Đêm ngày 8, rạng sáng 9/9/2024, sạt lở đất phá hủy hoàn toàn căn nhà của gia đình, con út của chị là cháu Hoàng Quang Huy, 7 tuổi bị vùi lấp trong đống đất đá. Khi mọi người tìm thấy, cháu Huy đã ngừng thở. Gia đình, lực lượng cứu hộ thay nhau cõng cháu, chạy bộ đến Trạm y tế xã Ca Thành; được cấp cứu kịp thời, cháu Huy hồi phục và hiện tại sức khỏe đã bình thường. Chị Triệu Mùi Liu chia sẻ: “Tết này, gia đình tôi phấn khởi vì có nhà mới khang trang, sạch đẹp. Gia đình tôi đang dựng lại chuồng trại để phát triển chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập trong thời gian tới”.

Tết này, gia đình tôi phấn khởi vì có nhà mới khang trang, sạch đẹp. Gia đình tôi đang dựng lại chuồng trại để phát triển chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập trong thời gian tới.

Chị Triệu Mùi Liu

Xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình là địa bàn chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Trương Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Ca Thành cho biết, với mức hỗ trợ từ 60 đến 240 triệu đồng/nhà từ các nhà hảo tâm, cùng với nguồn lực trong và ngoài ngân sách, đến nay, có 56 gia đình bị mất nhà ở, phải di dời do nguy cơ sạt lở đã có nhà mới, yên tâm vui xuân đón Tết. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng cuộc sống mới.

Mường Tè là huyện có số hộ nghèo cần cải thiện về nhà ở nhiều nhất tỉnh Lai Châu. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là Dự án 5-Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện đã vận dụng linh hoạt các nguồn lực hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát giúp các hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Anh Đao Văn Hưng, bản Bum, xã Bum Nưa cho biết: “Là hộ nghèo, việc có được căn nhà kiên cố là mơ ước nhiều năm nay của gia đình tôi. Vừa qua, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, người thân ủng hộ, tôi đã mạnh dạn vay thêm 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, xây được ngôi nhà kiên cố. Từ nay, tôi sẽ chăm chỉ làm việc để gia đình sớm thoát nghèo”.

Là tỉnh biên giới có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển chậm, đến ngày 31/12/2023, Lai Châu còn 36.416 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm 34,20% dân số, trong đó số hộ thiếu hụt các chỉ tiêu chất lượng về nhà ở là 7.124 hộ. Theo ông Trịnh Quang Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lai Châu, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 5.139 hộ khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 177.024 triệu đồng. Riêng trong năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ xóa nhà tạm cho 1.757 hộ. Dự kiến năm 2025, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 4.156 hộ.

Tết ấm trong những ngôi nhà mới ảnh 1

Cán bộ các đoàn thể và người dân địa phương giúp ngày công xây dựng nhà cho hộ nghèo ở xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh HẢI CHUNG)

Linh hoạt cách làm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu

Tỉnh Tuyên Quang có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương trong thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo. Đến nay tỉnh đã làm mới và sửa chữa 7.067 ngôi nhà với tổng kinh phí huy động thực hiện hơn 911,4 tỷ đồng, đạt 185% kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025. Theo Đề án, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng khi làm nhà mới và 25 triệu đồng khi sửa chữa. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh dành nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ gia đình để làm mới và sửa chữa nhà ở. Ở một số địa phương, cán bộ cơ sở đứng ra tín chấp cho các hộ nghèo mua chịu cát, sỏi, xi-măng... để xây dựng, sửa chữa nhà ở, trả tiền sau.

Đồng chí Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang cho biết, riêng trong năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ làm mới thêm 2.449 nhà. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 5.000 hộ gia đình, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn dưới 10%, hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho 100% hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Trong căn nhà khang trang mới xây với tổng diện tích 100 m2, anh Lý Văn Thông ở thôn Cuổm, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) không giấu được niềm vui mừng khi cùng vợ và hai con gái dọn dẹp để chuyển vào ở trong căn nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Anh Thông chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà lợp mái cọ, phên nứa, mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì gió lạnh lùa “cắt da cắt thịt”. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, vợ chồng tôi mạnh dạn vay mượn thêm, cùng với sự giúp đỡ của hai bên nội, ngoại, bà con xóm làng nên đã xây được nhà mới. Năm nay, gia đình tôi có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm”.

Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên cho biết, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và các nguồn lực xã hội hóa, năm 2024, xã Yên Thuận có 30 hộ được xây nhà mới theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo của tỉnh, giúp xã hoàn thiện tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2025, xã quyết tâm hoàn thành xây dựng những căn nhà còn lại trên địa bàn xã theo tiêu chí “3 cứng”.

Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và các nguồn lực xã hội hóa, năm 2024, xã Yên Thuận có 30 hộ được xây nhà mới theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo của tỉnh, giúp xã hoàn thiện tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Thuận

Là tỉnh nghèo, thu ngân sách còn thấp, trong những năm qua, Bắc Kạn huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ các hộ nghèo xóa nhà tạm. Mỹ Thanh là xã thuần nông của huyện Bạch Thông, có nhiều gia đình vẫn phải sống trong những ngôi nhà tạm. Gia đình ông Đặng Phúc Minh, thôn Phiêng Kham thuộc diện hộ nghèo, mong ước có ngôi nhà mới vượt quá tầm tay của gia đình. Đầu năm 2024, gia đình ông Minh được hỗ trợ 44 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, cùng với số tiền gia đình tích cóp và vay thêm anh em, nên đã xây được nhà. Bây giờ ông Minh tập trung phát triển kinh tế để trả được hết nợ, chăm lo cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2024, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ 3.723 hộ làm nhà từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các nguồn lực xã hội hóa khác. Để khắc phục tình trạng cấp ủy “khoán” nội dung này cho chính quyền, hội, đoàn thể, Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát từ cấp tỉnh tới cấp huyện và xã do đồng chí Bí thư Đảng bộ làm Trưởng ban. Xác định chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân, do đó chỉ “bàn làm, không bàn lùi”, Ban chỉ đạo các cấp phân công cụ thể thành viên phụ trách từng địa phương, từng hộ được hỗ trợ làm nhà, linh hoạt trong quá trình thực hiện, tùy theo phong tục tập quán, điều kiện thực tế của từng hộ dân để hỗ trợ cho phù hợp. Đến nay, tỉnh đã có 1.818 nhà xây dựng xong, bàn giao đưa vào sử dụng.

Hiện nay tỉnh Bắc Kạn đang triển khai hỗ trợ xây mới nhà ở thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia trên cùng địa bàn với mức hỗ trợ khác nhau (chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hỗ trợ 40 triệu đồng; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ 44 triệu đồng), cho nên người dân có sự so sánh, trông chờ vào nguồn có mức hỗ trợ cao hơn.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, khắc phục bất cập này, đơn vị đã tham mưu Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo thực hiện thống nhất một mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/hộ xây mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa. Chương trình nào không đủ thì bù đắp từ các chương trình khác. Năm 2025, tổng nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh là 3.778 hộ. Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các huyện, thành phố dự kiến phân nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, quỹ xã hội hóa và Quỹ “Vì người nghèo” cấp huyện.

Tuy nhiên còn 1.357 hộ chưa có nguồn hỗ trợ. Đối với những hộ này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn tham mưu Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh tính toán, xin ý kiến cấp trên để sử dụng nguồn kinh phí từ các nguồn xã hội hóa ủng hộ các chương trình khác để bù vào. Điều này sẽ được thực hiện trên cơ sở đồng thuận của cấp trên và các nhiệm vụ có nguồn xã hội hóa đã thực hiện xong, nhưng còn dư quỹ.