Theo đại diện lãnh đạo Techcombank, dịch Covid-19 và hệ quả của nó tác động lên hệ thống y tế công cộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp, cán bộ nhân viên (CBNV), khách hàng, các cá nhân và cuộc sống của rất nhiều gia đình trong năm 2020. Gần như không có một quốc gia nào nằm ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên một số quốc gia đã kiểm soát tốt hơn và nhờ đó tạo được đà phục hồi nền kinh tế tốt hơn.
Trong bối cảnh đó, nhờ sự can thiệp sớm và quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế dương (2,9%) năm 2020, dù đây vẫn là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Techcombank cũng đã đồng hành, hỗ trợ CBNV và hơn 3.200 khách hàng bị ảnh hưởng với gói hỗ trợ giá trị 41 nghìn tỷ đồng bao gồm tái cấu trúc nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất...
Cũng trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch gây ra, năm 2020, Techcombank vẫn đạt những kết quả ấn tượng dù nền kinh tế đang có nhiều bất ổn khó lường trước do đại dịch Covid-19. Ngân hàng đã đạt 15,8 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT) và 27 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng lần lượt 23,1% và 28,4% so với năm 2019.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đứng đầu ngành ngân hàng, đạt mức 3,1% và 46,1%. Techcombank vẫn duy trì được vị thế vốn hàng đầu với tỷ lệ an toàn vốn đạt 16,1%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,5% (thấp nhất trong hệ thống) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện lên tới 171,0% vào thời điểm cuối năm 2020, khẳng định chất lượng tài sản lành mạnh và chiến lược quản trị rủi ro thận trọng của ngân hàng.
Tại Đại hội đồng Cổ đông năm 2021 (ĐHĐCĐ) diễn ra ngày 24-4 tại Hà Nội, các cổ đông của Techcombank cũng đã đồng thuận cao với kế hoạch giữ lại lợi nhuận để tiếp tục tạo đà tăng trưởng trong tương lai. ĐHĐCĐ đã thông qua Kế hoạch Kinh doanh 2021 với mục tiêu LNTT của ngân hàng đạt 19,8 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020.
Dư nợ tín dụng của ngân hàng được dự kiến đạt 356.199 tỷ đồng, tăng trưởng 12,0% so với 2020, hoặc cao hơn trong mức quy định cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Tiền gửi của khách hàng được kỳ vọng đạt 334.291 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14,7% hoặc cao hơn, phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế của Ngân hàng trong khuôn khổ Quản lý cân đối Tài sản có – Tài sản nợ (ALM) của Ngân hàng. Techcombank có kế hoạch kiểm soát nợ xấu dưới 2,0%, tiếp tục duy trì quản trị rủi ro chặt chẽ.
Techcombank cũng đã báo cáo cổ đông việc tăng vốn điều lệ lên 35.109 tỷ đồng, tăng thêm 0,17%, với kế hoạch phát hành 6,0 triệu cổ phiếu trong Chương trình lựa chọn phát hành, bán cổ phần cho người lao động. Đồng thời, ĐHĐCĐ cũng nhất trí thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ Techcombank, quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) để phù hợp với Luật Chứng khoán Sửa đổi 2019 và việc triển khai phát hành cổ phiếu mới trong Chương trình lựa chọn phát hành, bán cổ phần cho người lao động như nêu trên.
Trong ĐHĐCĐ năm 2021, Techcombank đã chia sẻ về chiến lược 5 năm cho giai đoạn 2021-2025 đồng thời cập nhật Tầm nhìn – Sứ mệnh mới của Ngân hàng. Theo đó, tầm nhìn mới được đề ra là Chuyển đổi ngành tài chính, Nâng tầm giá trị sống, thúc đẩy mỗi người khai phá tiềm năng và bản lĩnh hành động cho những điều vượt trội. Ngân hàng cũng có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư nền tảng để tạo ra các mô hình kinh doanh phù hợp với tầm nhìn – sứ mệnh mới này.
Techcombank sẽ tập trung vào các nguồn có thể tạo lợi nhuận lớn nhất như tiền gửi không kỳ hạn (CASA), cho vay mua nhà, chuỗi giá trị bất động sản và quản lý gia sản (gồm trái phiếu, quỹ đầu tư, Bảo Lộc, bảo hiểm,...), đồng thời vẫn tiếp tục đa dạng hóa vào các lĩnh vực khác để tối ưu hóa lợi nhuận-rủi ro và cho phép Ngân hàng có thể tham gia vào những cơ hội mới.
Trong giai đoạn 2021-2025, Techcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng vốn hóa 20 tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở khoảng 20%, tỷ lệ thu nhập từ phí (NFI/TOI) đạt 30% và tỷ lệ CASA là 55%.