Nhân 49 ngày mất của nhà thơ Tế Hanh

Tế Hanh trong lòng quê hương Quảng Ngãi

Tôi nhớ, trong bài thơ "Quê hương" nổi tiếng của Tế Hanh viết về cuộc sống của làng quê ông, một làng chài lưới ven con sông Trà Bồng "cách biển nửa ngày sông", mở đầu nhà thơ dùng một câu thơ của thân phụ ông: "Chim bay dọc biển đem tin cá" - một câu thơ mà bất cứ người dân miệt biển nào của Quảng Ngãi cũng đều cảm nhận được, một câu thơ thật thà như quê hương biển giã nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên, thật thà như suốt một đời thơ Tế Hanh - nhà thơ mà mỗi người dân Quảng Ngãi chúng tôi đều tự hào.

Quảng Ngãi vốn là đất nghèo, dù là đất núi, đất ruộng hay đất biển. Nhưng có phải khi quê mình, càng nghèo, như mẹ mình nghèo, thì mình càng yêu quê mình yêu mẹ mình với một tình yêu pha lẫn xót xa: "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây cách biển nửa ngày sông/" (Quê hương).

Những lần chúng tôi đến thăm ông tại Hà Nội khi Tế Hanh còn khỏe, chúng tôi sung sướng được nghe đúng cái âm giọng của người quê mình qua giọng nói Tế Hanh. Dù đã rời xa quê làng Đông Yên - Bình Sơn - Quảng Ngãi từ bao nhiêu năm, nhưng giọng nói Tế Hanh vẫn rặt ri Quảng Ngãi, không pha trộn, không uốn éo, cứ chân chất gừng cay muối mặn như thế! Thú thật, cứ mỗi lần nghe giọng nói của nhà thơ quê hương mà mình yêu kính, tôi đều như muốn khóc.

Chúng tôi thì đã đành, giữ được giọng nói quê Quảng Ngãi vì chúng tôi sinh ra, lớn lên, chiến đấu và làm việc ngay tại quê hương mình. Nhưng còn Tế Hanh, vì sao xa quê hương từng ấy năm mà giọng nói của ông vẫn không đổi, vẫn thật thà tin yêu như thế ?

Chỉ có thể giải thích điều này bằng sự lặn sâu của "chất Quảng Ngãi" trong Tế Hanh, bằng tình yêu quê hương sâu thẳm của nhà thơ, bằng sự hiện diện thường trực của quê hương Quảng Ngãi trong ông. Nhớ lần gặp gỡ và làm việc với nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam sau khi Tế Hanh qua đời, anh đã nói với chúng tôi là suốt bao nhiêu năm đấu tranh thống nhất "ngày Bắc đêm Nam", thì Tế Hanh là nhà thơ có nhiều bài thơ, nhiều tập thơ hay nhất trong thơ Việt Nam thời kỳ này.

Những năm đó, chúng tôi vừa lớn lên đã tham gia vào cuộc chiến đấu của cách mạng Miền Nam, cách mạng Quảng Ngãi, đúng vào thời kỳ đen tối nhất, chúng tôi quả thật không có điều kiện để được nghe được đọc thơ Tế Hanh. Nhưng sau này, khi đã lên chiến khu và có điều kiện hơn để tiếp xúc với văn học Miền Bắc, thì nhà thơ mà chúng tôi yêu thích nhất, ngoài Tố Hữu, chính là Tế Hanh. Chúng tôi yêu thơ ông như yêu quê hương mình, yêu dòng sông quê mình, yêu cha mẹ, bà con, đồng đội mình. Với tôi, cũng như với bao nhiêu đồng đội của tôi, thì bài thơ của Tế Hanh mà chúng tôi yêu thích nhất chính là bài " Nhớ con sông quê hương".

Trong văn học Việt Nam hiện đại có được bao nhiêu bài thơ viết về một dòng sông quê hương Việt Nam mà hay như bài thơ này của Tế Hanh ?

 " Quê hương tôi có con sông xanh biếc
 Nước gương trong soi tóc những hàng tre
 Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
 Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng..." 

Cứ đọc từng câu thơ là thấy quê hương chúng tôi hiện lên không lẫn vào đâu được! Chúng tôi hạnh phúc quá vì được sinh ra bên những dòng sông như thế, và hạnh phúc hơn là dòng sông bình dị của quê hương chúng tôi đã được một nhà thơ đồng hương bằng ngôn từ bình dị đến thế đểcho " lai láng chảy" trong trí nhớ, trong tâm hồn mỗi người dân Quảng Ngãi, mỗi người dân Việt Nam.

Khi đọc đến đoạn thơ: " Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả/Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông/Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng/Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến/Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển/Vẫn trở về lưu luyến bên sông/" tôi cứ ngỡ như nhà thơ đang viết về tôi, đang viết cho chúng tôi, những người không biết làm thơ nhưng yêu nước và cũng lớn lên bên một dòng sông, cũng "cầm súng xa nhà đi kháng chiến" từ khi tuổi còn rất trẻ. 

Chúng tôi, những người Quảng Ngãi, chúng tôi biết ơn Tế Hanh chính từ những bài thơ như thế của ông, những bài thơ đã nói giùm tấm lòng những người dân quê chúng tôi, những đồng đội chúng tôi, những bạn bè chúng tôi: "...tụm năm tụm bảy/Bầy chim non bơi lội trên sông/Tôi giơ tay ôm nước vào lòng/Sông mở nước ôm tôi vào dạ/..." Rất nhiều bạn bè, đồng đội chúng tôi đã được những dòng sông quê hương như sông Trà Khúc sông Trà Bồng sông Vệ..."ôm vào dạ" khi ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Cứ mỗi lần đọc bài thơ "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh tôi lại nhớ về những đồng đội của mình đã hy sinh bên một dòng sông hay thân xác nằm vĩnh viễn dưới lòng sông. Những trận đánh tập kích cầu Trà Khúc, nhiều chiến sĩ đặc công của chúng ta đã nằm sâu trong lòng sông Trà, con sông Trà những năm tháng ấy còn đầy nước cả trong mùa hè. Chúng tôi có bao nhiêu là kỷ niệm, kể cả những kỷ niệm đau buồn, mỗi khi đọc những bài thơ viết về quê hương của Tế Hanh.

Tôi cứ nghĩ, một nhà thơ đã có những bài thơ đi sâu vào kỷ niệm của những người bình thường như thế, là nhà thơ bất tử. Tế Hanh là nhà thơ bất tử, không chỉ với quê hương Quảng Ngãi chúng tôi, nhưng trước hết là của quê hương Quảng Ngãi chúng tôi. Chúng tôi muốn dành về cho mình niềm tự hào và tình yêu thương ấy với Tế Hanh, như cái cách mà nhà thơ đã dành cho quê hương và con người Quảng Ngãi.

Những con đường, ngôi trường mang tên Tế Hanh sẽ hiện diện tại Quảng Ngãi, tại Bình Sơn, tại Dung Quất...Nhưng sâu xa hơn, tên tuổi và nhất là những bài thơ bất tử của Tế Hanh sẽ còn sống mãi trong mỗi thế hệ người Quảng Ngãi chúng tôi. Nhà thơ đã từng viết những bài thơ với lòng biết ơn quê hương, dòng sông, cha mẹ, đồng bào mình, thì bây giờ đến lượt quê hương, dòng sông và những thế hệ người Quảng Ngãi sống bên những dòng sông ấy nhớ ơn nhà thơ của mình. Nhớ mãi!

Phạm Đình Khối
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi