Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết, đến ngày 9/9, toàn tỉnh còn 1.759 bệnh nhân đang điều trị; số bệnh nhân đã điều trị khỏi, xuất viện là 5.361. Nhiều “vùng đỏ” đã xanh hóa rất nhanh và bền vững. Trong đợt xét nghiệm tổng lực mới đây tại thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã phát hiện 129 ca dương tính (F0). Ngay lập tức, địa phương đã khoanh vùng, tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng, tiêm vaccine cho toàn bộ dân số còn lại. Từ ngày 13/8 đến nay, thị trấn Dương Minh Châu không phát sinh F0 mới, từ “vùng đỏ” đã thành “vùng xanh”.
Trên phạm vi toàn huyện Dương Minh Châu, trong hai tuần cuối tháng 7/2021, số F0 liên tục tăng, huyện đã huy động rất đông lực lượng y tế và tập huấn cho các tình nguyện viên để thành lập nhiều tổ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Để bảo đảm giãn cách, mỗi điểm xét nghiệm chỉ có dưới 50 người. Những trường hợp bình thường sẽ được lấy mẫu Realtime-PCR gộp, những trường hợp nghi ngờ sẽ được tổ chức test nhanh. Qua test gần 6.000 người dân, ngày 21/7, huyện Dương Minh Châu phát hiện hàng trăm ca mắc; sau hai tuần làm việc suốt ngày đêm, triển khai đội lấy mẫu đến từng con hẻm, ngõ xóm… thì toàn bộ F0 đã được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà, có lực lượng giám sát. Ðến ngày 30/8, toàn huyện chuyển từ “vùng đỏ” thành “vùng xanh”, chỉ còn một số xã còn hai, ba ấp là “vùng vàng”.
Tại huyện biên giới Bến Cầu, hiện chỉ còn duy nhất xã Tiên Thuận là “vùng vàng”; các xã, thị trấn khác trong huyện đã là “vùng xanh” (đến ngày 7/9). Bí thư Huyện ủy Bến Cầu Phan Huỳnh Quốc Vinh cho biết, hơn hai tháng qua, huyện căng mình đối phó với dịch vì số lượng người dương tính khá cao và đã có ca tử vong. Huyện áp dụng đồng loạt nhiều biện pháp phòng, chống dịch như thiết lập các chốt kiểm soát, phun thuốc khử khuẩn, phong tỏa những khu vực có người bị nhiễm, đưa F0, F1 đi cách ly y tế tập trung… Các “vùng đỏ” của huyện đã được xanh hóa là nỗ lực rất quan trọng, cần được “tiếp sức” vaccine, cán bộ y tế, trang thiết bị… để giữ vững.
Tại các “vùng đỏ” thuộc huyện biên giới Tân Châu cũng triển khai thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm Realtime-PCR. UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức lấy mẫu đại diện hộ gia đình để test nhanh kháng nguyên gộp mẫu; đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR gộp 10 tất cả người dân và thực hiện 5 ngày/lần… Sau khi bóc tách được các F0 cộng với tăng cường tiêm ngừa, toàn huyện chỉ còn 9 ấp “vùng vàng”.
Song song đó, tính đến ngày 6/9, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm được 214.000 liều vaccine bao gồm cả mũi 1 và 2. Tổ chức tiêm ngay khi test xong cho người dân, bảo đảm an toàn tiêm chủng và người dân được tiếp cận vaccine đầy đủ nhất, tránh lây nhiễm chéo.
Huyện Gò Dầu đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 tại 12 điểm với 25.000 liều vaccine. Riêng trong ngày 6/9, huyện tiêm được 3.542 liều. Trong ngày 6/9, thị xã Hòa Thành cũng đã tiêm được 3.343 liều vaccine…
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16, việc hỗ trợ tiền, gạo cho người lao động bị mất thu nhập và người nghèo do ảnh hưởng của dịch bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng. Lũy kế đến ngày 9/9, có 29.026 người được hỗ trợ hơn 43,7 tỷ đồng. Riêng đợt phát động cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch (từ ngày 1/5 đến 31/8), đã tiếp nhận hơn 112 tỷ đồng.
Để không ai bị đói, bị bỏ lại phía sau, việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân khó khăn trong thời gian cách ly xã hội luôn được quân đội và tình nguyện viên, cán bộ, công chức… bảo đảm. Các địa phương ngoài “vùng đỏ” thì áp dụng phát phiếu đi chợ cho người dân.
Ông Thành Chín, khu phố 3, thị trấn Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu), kể: “Hộ tôi được đi chợ ngày lẻ. Chỉ cần mua thực phẩm tươi sống vì gạo được chính quyền cấp, rau xanh thì hàng xóm chia sẻ. Mùa dịch chỉ cần vậy thôi, khi cuộc sống bình thường thì tha hồ ăn”.
Cùng quan điểm, bà Lê Ngọc Nữ, ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu) nói: “Ở yên một chỗ có chính quyền lo lương thực tận nhà, mời đi tiêm phòng, tôi không còn mong gì hơn. Qua dịch, khỏe rồi tôi buôn bán trở lại”.
Tại Bến Cầu, chiều 8/9, nhiều nông dân “vùng xanh” đã bắt đầu bừa đất để gieo sạ; có nơi bà con đang bón phân hoặc cấy bổ sung những chỗ mạ mọc thưa. Nông dân Hoàng Văn Hiển (xã Tiên Thuận) cho biết đã được tiêm hai mũi vaccine và xét nghiệm hai lần đều âm tính. Ông tranh thủ trục đất để sạ lúa kịp thời vụ, kịp mưa. Còn bà Nguyễn Thị Duyên, cùng xã, cho hay đã bỏ nghề bánh xèo, chuyển sang chăn nuôi gà kiếm thu nhập, dự là sau dịch, bầy gà của bà sẽ xuất chuồng.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết đã tổ chức cuộc thăm dò dư luận, kết quả cho thấy đa số các ý kiến ủng hộ xử phạt nghiêm các trường hợp tung tin giả, sai sự thật về dịch; xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch; bảo đảm cung cấp, điều phối lương thực, thực phẩm cho người dân…
Đến ngày 9/9, toàn tỉnh đã có 374 trong số 540 ấp nằm trong “vùng xanh” - bình thường mới; có 145 ấp nằm trong “vùng cam”, “vùng vàng” và chỉ còn 21 ấp thuộc “vùng đỏ”. Hiện, các sở, ngành ở Tây Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt nhằm từng bước giải tỏa áp lực trong cuộc sống của người dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh; đồng thời giữ vững thành quả chống dịch.
Tỉnh Tây Ninh đang tăng cường công tác phát hiện F0, tập trung khoanh vùng, dập dịch triệt để; quan tâm các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân; tăng cường công tác điều trị và các biện pháp bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi trước nguy cơ lây nhiễm. Toàn hệ thống chính trị của tỉnh tập trung hết khả năng để duy trì, bảo vệ các “vùng xanh”, bảo vệ tính mạng nhân dân...