Đánh giá chung, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong đạo đức, lối sống và phát huy tốt năng lực thực tiễn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được các tỉnh trong khu vực chú trọng; số lượng cán bộ qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước hằng năm đều tăng.
Có vai trò quan trọng nhưng tỷ lệ chưa tương xứng
Theo báo cáo tổng hợp từ năm tỉnh Tây Nguyên, tính trên số dân thì tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số còn thấp. Các dân tộc thiểu số chiếm 32% dân số, nhưng trong nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ người dân tộc thiểu số ở cấp xã toàn khu vực chiếm tỷ lệ 26%, cấp huyện chưa đến 17%. Cán bộ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy các tỉnh là 10,9%; lãnh đạo các sở, ban, ngành là 12,4%. Tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trung bình toàn vùng chiếm 28,96%. Trong cơ quan đảng, nhiệm kỳ này, số cán bộ tham gia cấp ủy tỉnh chiếm tỷ lệ 18,52%; cấp ủy huyện chiếm 17,11% và cơ sở là 18,52%.
Số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại các tỉnh chủ yếu tập trung ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, còn trong cơ quan hành chính nhà nước chưa tương ứng với tỷ lệ dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số có trình độ đại học, cao đẳng nhưng trở về các địa phương không được tuyển dụng vì không có ngành nghề phù hợp; chỉ tiêu biên chế, nhu cầu vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã gần như bão hòa nên rất khó trong việc bố trí việc làm…
Cấp ủy, chính quyền các tỉnh đều có chung đánh giá, vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Họ là những người nắm bắt những vấn đề phát sinh, những bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Cán bộ người dân tộc thiểu số am hiểu đời sống cư dân, gắn bó với đời sống đồng bào, có nhiều cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Nếu phát huy được bản lĩnh, tri thức, kỹ năng, cán bộ người dân tộc thiểu số sẽ là nhịp cầu quan trọng để tuyên truyền, vận động, triển khai vào thực tiễn đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Đồng thời, họ là người tổ chức, dẫn dắt đồng bào trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng, phát triển quê hương…
Trong các cuộc kháng chiến, những cán bộ, chiến sĩ cách mạng là con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cần sự trung kiên, dũng cảm, mưu trí để chiến thắng kẻ thù. Ngày nay, những phẩm chất đó chưa đủ, cán bộ cần phải được trang bị một hệ thống lý luận, tri thức và kỹ năng hoạt động thực tiễn tốt. Hiện nay, nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số chưa mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm.
Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ người dân tộc thiểu số trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Nhiều người chưa được bố trí phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo, bồi dưỡng. Không ít cán bộ còn thụ động, tự ti, ỷ lại, khả năng độc lập và tính quyết đoán chưa cao trong giải quyết công việc.
Một số liệu rất đáng suy nghĩ là tại Tây Nguyên hiện có gần 3.000 cán bộ dân tộc thiểu số cấp xã chưa đạt chuẩn trình độ chuyên môn, chiếm 19%; hơn 5.000 người chưa đạt chuẩn trình độ lý luận chính trị, chiếm 34%. Yêu cầu mới của cuộc sống, của sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số, thay đổi nếp nghĩ cách làm cho đồng bào…, thì rất nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số còn bộc lộ rất rõ những hạn chế, chưa nói là rất khó đáp ứng tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo...
Đào tạo, quy hoạch và sử dụng
Thực tiễn cho thấy, nếu công tác xây dựng, phát triển Đảng mạnh thì công tác cán bộ cũng sẽ mạnh. Rút ra những bài học sâu sắc về sự chủ quan, mất cảnh giác trong một số thời điểm, cấp ủy các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động, quyết liệt trong công tác xây dựng Đảng và củng cố thực lực hệ thống chính trị với phương châm Đảng phải gần dân, sát dân, hiểu dân, vì dân. Kiện toàn, củng cố tổ chức đảng và phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở địa bàn cơ sở.
Đến nay, toàn vùng có 99,92% buôn, làng đã có chi bộ, tăng 17,12%; 99,81% buôn, làng có đảng viên là người tại chỗ, tăng 2,21% so với năm 2007. Đồng thời, các tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và phức tạp về an ninh, trật tự. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở cũng chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, giúp cho đảng viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm và gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.
Từ đó, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở được phát hiện, giải quyết kịp thời; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, an ninh trật tự ổn định; xác lập sâu sắc niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ cơ sở chính là những người phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa bàn thôn, buôn; kịp thời nắm bắt tâm tư, ghi nhận những khó khăn của đồng bào để đề xuất các ngành, các cấp giải quyết.
Để nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cần phải nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng, phải đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Phương hướng chung là xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phải gắn với đường lối chính trị, trước hết là quán triệt chính sách dân tộc của Đảng. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính là tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số vượt lên thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các tộc người; xuất phát từ yêu cầu phát triển, khai thác tài nguyên, thế mạnh của vùng, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.
Trong quá trình khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số chưa thật sự gắn kết với công tác quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn. Việc quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng dài hạn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý chưa được quan tâm đúng mức, chưa chủ động về nguồn cán bộ, chưa bố trí hợp lý về cơ cấu.
Chương trình, nội dung của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập, nặng về lý luận chung, thiếu những nội dung quản trị, kỹ trị hành chính, phương pháp phát triển tư duy, kỹ năng quản lý xã hội và xử lý rủi ro. Đặc biệt, phần lớn chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay được áp dụng đại trà cho tất cả các vùng, thiếu nhiều nội dung cụ thể về kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa địa phương và tộc người.
Một số ý kiến còn cho rằng, trong việc xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, cần chú ý nguyên tắc là tạo cơ hội để họ tự phát triển chứ không phải là triệt tiêu năng lực tự chủ, tự vươn lên của đối tượng. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ phải theo nhu cầu công việc và vị trí việc làm. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp có những nhiệm vụ khác nhau, đòi hỏi vốn kiến thức, kỹ năng khác nhau nên cần xây dựng khung chương trình phù hợp.
Việc đào tạo, bồi dưỡng là nhằm bảo đảm cho đội ngũ cán bộ thực thi công việc có hiệu quả và tạo nguồn cho chính quyền các cấp. Chính vì vậy, quy hoạch và đào tạo phải gắn liền với nhau. Nếu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhưng không sử dụng đúng ngành nghề đào tạo thì vừa không phát huy năng lực, vừa lãng phí nguồn lực đầu tư…