Kết quả cuộc khảo sát ý kiến người dân tại các nước G20 mới nhất cho thấy, gần 75% số người được hỏi tin rằng, thế giới đang đến gần “điểm giới hạn”, khi những thay đổi nhanh chóng trên quy mô lớn đưa đến hậu quả nghiêm trọng đối với khí hậu và môi trường tự nhiên, mà nguyên nhân xuất phát từ các hoạt động của chính con người, như đốt nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng. Cũng khoảng 75% số ý kiến đồng tình rằng, các nền kinh tế không nên chỉ chú trọng vào lợi nhuận và tăng trưởng, mà quan tâm nhiều hơn việc tái tạo hệ sinh thái.
Ðại dịch Covid-19 càng cho thấy yêu cầu phải nhanh chóng thay đổi hành vi của con người. Tiến trình phục hồi sau được đánh giá là “thời điểm vàng” để xây dựng xã hội vững mạnh, có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc trong tương lai. Kết quả khảo sát nêu trên càng khẳng định một thực tế rằng, các nước G20 cần hành động quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhất là tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra tại Anh đầu tháng 11 tới.
Các quốc gia ký Thỏa thuận Paris đã cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C và nếu có thể, mức lý tưởng là dưới 1,5 độ C so với nền nhiệt trung bình được ghi nhận hồi thế kỷ 19. Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu nhiệt độ hành tinh tăng thêm 2 độ C, số người phải đối mặt các đợt nắng nóng khắc nghiệt sẽ tăng gấp hai. Tần suất các đợt sóng nhiệt sẽ gấp 4 lần nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và gần 6 lần với mức tăng 2 độ C. Từ 7% đến 10% diện tích đất nông nghiệp sẽ không còn canh tác được và thế giới sẽ đối mặt hệ lụy khôn lường.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Thỏa thuận Paris đánh dấu sự đồng thuận quan trọng của toàn bộ nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới trong cam kết bảo vệ hành tinh xanh. Trái đất đang đến gần “điểm giới hạn”, cũng là lúc các nước G20 thực hiện cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như hỗ trợ các nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.