Đáng chú ý, trong tổng số gần 35.000 ca mắc toàn tỉnh đến thời điểm này, 3 huyện, thành phố có đông người ở trọ chiếm đến 85% số ca bệnh.
Trước tình trạng này, lực lượng chức năng của địa phương đang tập trung tầm soát lại tất cả các khu nhà trọ có ca dương tính để khống chế dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Dù đã qua 4 lần xét nghiệm âm tính, nhưng khi địa phương tổ chức xét nghiệm thêm 1 lần nửa, chị Nguyễn Thị Thúy, thuê trọ tại tổ 2, khu phố 3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa cũng như anh chị em sống ở dãy trọ 20 phòng đều tham gia. Kết quả lần xét nghiệm thứ 5, tất cả người lao động thuê trọ đều âm tính.
“Qua 5 lần test tôi đều có kết quả âm tính. Tôi cũng đã được tiêm vaccine nên yên tâm. Bây giờ chỉ mong sớm đi làm lại để có thu nhập trang trải cuộc sống, chứ hơn 2 tháng qua không có việc làm, thật sự rất khó khăn”, chị Thúy chia sẻ.
Chủ tịch UBND phường Trảng Dài Võ Trường Hải cho biết, trên địa bàn có hơn 110.000 người dân trong khu vực phong tỏa gần 2 tháng nay, trong đó có nhiều người dân ở các khu nhà trọ. Dù tất cả đều đã được test nhanh và RT-PCR ít nhất 3 lần, nhưng để thực hiện kế hoạch tầm soát tại các khu nhà trọ, địa phương đã phối hợp ngành y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 1 lần nữa đối với các khu nhà trọ có nguy cơ cao, bảo đảm không còn sót trường hợp dương tính nào.
“Chúng tôi không tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng như những lần trước mà thu hẹp đối với những nơi nguy cơ cao ở phòng trọ. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người ở trọ thực hiện test nhanh, khu vực lấy mẫu được bố trí sát các dãy trọ. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính, địa phương sẽ thiết lập thành “vùng xanh” để bảo vệ. Đối với những nơi có ca dương tính, sẽ phong tỏa chặt”, ông Võ Trường Hải cho biết.
Không chỉ phường Trảng Dài, tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang là “vùng đỏ” có đông người lao động ở trọ cũng đang thực hiện kế hoạch tầm soát để tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Trước đó, dù đã chi khoảng 300 tỷ đồng để thực hiện chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng với 3,6 triệu lượt người từ ngày 18/8 đến 5/9 với mục tiêu tách tất cả F0 ra khỏi cộng đồng; thế nhưng, liên tục hơn 1 tuần trở lại đây, tỉnh Đồng Nai liên tục ghi nhận khoảng 1.000 ca mỗi ngày, chủ yếu tại các khu phong tỏa, cách ly ở địa bàn có nhiều khu nhà trọ, tập trung đông công nhân tại TP Biên Hòa, các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch. Do đó, từ ngày 9 đến 15/9, tỉnh Đồng Nai quyết định chi thêm hơn 30 tỷ đồng thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch tại các nhà trọ có ca dương tính.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, ngoài lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa, đa phần phát hiện ca nhiễm mới ở những nơi phong tỏa có nhiều khu nhà trọ công nhân mật độ dày đặc.
Tại những khu vực này, dịch bệnh đã thấm sâu và lây nhiễm qua nhiều lớp, từ F0 đến F1, F2, thậm chí F3, F4. Để tách hết một lúc tất cả F0 trong những khu vực này không dễ. Do vậy, ngành y tế tiếp tục phối hợp địa phương tiến hành xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm ca F0 đưa đi điều trị, đồng thời đưa F1 đi cách ly tập trung.
Cùng với đó, phải giãn mật độ dân số các khu nhà trọ, tránh tập trung quá đông người trong cùng 1 khu nhà trọ có diện tích chật hẹp như thời gian qua.
“Khu nhà trọ ở Đồng Nai với đặc thù 2 dãy nhà nhiều phòng song song nhau, ở giữa chỉ khoảng cách 1 m. Chỉ cần có 1 ca F0 thì nguy cơ lây lan cho cả dãy trọ là rất cao. Do đó, việc lấy mẫu tầm soát lại để phát hiện F0 sớm đưa đi cách ly điều trị, sau đó, phong tỏa chặt từng khu nhà trọ có ca dương tính, giãn người ở trọ đi vào các khu khác. Chỉ khi làm được như vậy mới cơ bản giải quyết được vấn đề giãn cách ở các khu trọ đang dày đặc như hiện nay”, ông Vũ cho biết thêm.
Cùng với tầm soát, phong tỏa tất cả các khu nhà trọ có ca dương tính, những ngày qua, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang thực hiện các biện pháp để giãn người dân ở nhiều khu nhà trọ dày đặc tại địa bàn huyện Nhơn Trạch và huyện Vĩnh Cửu. Dù việc này rất khó nhưng địa phương xác định không còn cách nào để dập dịch tại các khu vực khu nhà trọ buộc phải làm vào lúc này.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp làm việc với các địa phương, yêu cầu hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện giãn dân ở các khu nhà trọ để phòng, chống dịch.
Cụ thể, các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ chuẩn bị các khu để hỗ trợ huyện Nhơn Trạch giãn khoảng 6.000 người dân tại các khu nhà trọ. Huyện Trảng Bom hỗ trợ huyện Vĩnh Cửu giãn người dân ở các xã Thạnh Phú, Thiện Tân, nơi có rất nhiều dãy nhà trọ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, không phải đến khi dịch bùng phát tỉnh mới tính đến chuyện giãn dân ở các dãy nhà trọ, mà việc này Đồng Nai cũng đã tính toán từ lâu, nhưng chưa thể làm được. Do vậy, sau đợt dịch này phải siết chặt quản lý các khu nhà trọ, dự án nào xây dựng khu nhà trọ công nhân phải có quy chuẩn rõ ràng, không thể để tình trạng lung tung như hiện nay. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tính toán để đưa công nhân lao động của 1 doanh nghiệp ở chung 1 khu, tạo thuận tiện cho việc quản lý.
“Tôi đã chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh xây dựng quy chuẩn nhà trọ trên địa bàn, giao nhiệm vụ cho các địa phương phải xây dựng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân. Tỉnh Đồng Nai đang mắc nợ công nhân lao động vấn đề nhà ở xã hội, chúng ta có tiền nhưng chưa làm”, ông Cao Tiến Dũng nói.
Tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 1,2 triệu công nhân lao động, trong đó chiếm phần lớn đang ở trọ.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 đến nay diễn ra phức tạp nhất tập trung vào địa bàn có nhiều công nhân ở trọ tại TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu.
Trong số gần 35.000 ca nhiễm của toàn tỉnh Đồng Nai tính đến ngày 11/9, 3 địa phương trên có đến gần 30.000 ca. Trong đó, TP Biên Hòa hơn 13.000 ca, 2 huyện còn lại mỗi huyện hơn 8.000 ca.