Tập trung khắc phục các “điểm đen” ùn tắc giao thông

Tháng 11/2020, đường vành đai 2 trên cao, đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở hoàn thành, được đưa vào sử dụng đã góp phần giảm tình trạng quá tải cho giao thông trên tuyến đường Trường Chinh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, do chưa đồng bộ toàn tuyến cho nên tại các nút giao: Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, phương tiện vẫn phải đi xuống đường dưới thấp để tiếp tục lưu thông. Hai nút giao này phải chịu áp lực nhiều hơn trong khi khả năng đáp ứng vẫn như cũ, thậm chí là kém hơn tại một số thời điểm. Tại nút giao Ngã Tư Sở, dù đã được tổ chức lại giao thông, cấm phương tiện một chiều trực thông từ Tây Sơn-Nguyễn Trãi, biến ngã tư thành ngã ba, nhưng vẫn liên tục xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài vào giờ cao điểm.

Đây chỉ là hai trong số gần 30 điểm đen thường xuyên ùn tắc giao thông tại Hà Nội vẫn chưa được khắc phục. Các tuyến giao thông trọng điểm như Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Lương, Tố Hữu hay các nút giao đường 70-Xa La, Nguyễn Khoái-cầu Vĩnh Tuy cũng hay xảy ra ùn ứ vào các giờ cao điểm. Tình trạng này được dự báo sẽ phức tạp hơn khi học sinh các cấp và sinh viên sẽ trở lại trường học trong những ngày tới.

Trước thực tế này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 11/2/2022, thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch đặt chỉ tiêu hằng năm xử lý từ bảy điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, qua đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10%/năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).

Ủy ban nhân dân thành phố đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch. Trong đó, thành phố xây dựng cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố. Trong đó, tập trung rà soát quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật, bổ sung, tích hợp vào điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố cũng hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.865 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm. 

Kế hoạch đã có, bây giờ là lúc các cấp, các ngành của thành phố phải bắt tay vào triển khai bằng những phần việc cụ thể. Trong đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tập trung lực lượng để hướng dẫn, phân luồng hiệu quả, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý kiên quyết, mạnh tay với những vi phạm giao thông để lập lại trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.