Tập trung đi theo con đường tăng trưởng xanh

Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố đã phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc xét chọn và trao danh hiệu "Doanh nghiệp xanh Thành phố Hồ Chí Minh" lần thứ nhất-năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm xanh trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. (Ảnh THẾ ANH)
Khách tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm xanh trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. (Ảnh THẾ ANH)

Giải thưởng "Doanh nghiệp xanh Thành phố Hồ Chí Minh" năm 2023 được phát động triển khai từ tháng 5/2023. Ban tổ chức đã tiếp nhận hơn 120 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia giải thưởng và đã xét chọn 90 doanh nghiệp để đề cử trao danh hiệu "Doanh nghiệp xanh".

Theo PGS, TSKH Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, thành viên Hội đồng thẩm định, hội đồng đã phân tích sâu các tiêu chí để chọn lọc được 90 doanh nghiệp đề cử cho danh hiệu lần này; các doanh nghiệp đã trải qua hai vòng đánh giá của Hội đồng thẩm định và Hội đồng xét chọn. Tùy theo loại hình hoạt động là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp thương mại, dịch vụ… mà tiêu chí đánh giá được áp dụng xét chọn cũng khác nhau.

Trong đó, các tiêu chí bắt buộc phải đạt là: Doanh nghiệp xử lý toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; hoàn thành nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội; có trình độ công nghệ sản xuất, xử lý chất thải hiện đại; áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị; sản phẩm thân thiện môi trường; áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng; sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường; có đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị và cộng đồng, nâng cao nhận thức của người lao động; có các dự án bảo vệ môi trường…

Trên cơ sở bộ tiêu chí đó, Hội đồng thẩm định (gồm các nhà khoa học, các chuyên gia) và Hội đồng xét chọn (gồm đại diện các cơ quan chức năng) đã xem xét, cân nhắc cẩn trọng để chọn được 90 doanh nghiệp đạt tiêu chí "Doanh nghiệp xanh Thành phố Hồ Chí Minh" năm 2023.

Đây là những doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất, kinh doanh, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, góp phần cùng thành phố xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành, thân thiện với môi trường, góp phần ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Nguyễn Anh Đức cho rằng: Việc trao tặng danh hiệu này được xem như là trao "Tấm hộ chiếu xanh" giúp doanh nghiệp vượt qua các "rào cản xanh", vươn mình mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường trên thế giới; cũng như giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa.

Thêm vào đó, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội để doanh nghiệp "đi tắt, đón đầu", vượt qua thách thức và bắt kịp đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), thành viên Hội đồng thẩm định nhấn mạnh: Xanh hóa đã trở thành "luật chơi" mới trên thị trường trong nước và quốc tế.

Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại, phát triển và hòa nhập với thị trường toàn cầu. Điều này không ngoài mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Hiện, các thị trường nhập khẩu quan trọng đã triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon" lớn. Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc đi theo con đường này của các doanh nghiệp là tất yếu.

Bổ sung vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Nguyễn Ngọc Hòa cho biết: Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo, từ ngày 1/10/2023, EU sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất của nước xuất khẩu.

Theo đó, cơ chế này được chia thành ba giai đoạn thực hiện. Bước đầu, EU sẽ áp dụng cơ chế này đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi-măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), với cơ chế này, chi phí sản xuất của ngành thép, nhôm, xi-măng của Việt Nam sẽ bị tăng thêm khoảng 36 tỷ USD mỗi năm khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU.

Không chỉ vậy, những lĩnh vực sản xuất khác như dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, nông sản, thủy sản… cũng được khuyến cáo sẽ phải thích ứng với chính sách này trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan, thông qua việc trao danh hiệu "Doanh nghiệp xanh", thành phố mong muốn góp phần chia sẻ những thông tin liên quan đến các rào cản kỹ thuật xanh đang được áp dụng phổ biến tại thị trường trong nước và quốc tế đến các doanh nghiệp; đồng thời, mong muốn tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo đảm quyền, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp giữa các doanh nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế truyền thống.

Song song đó, thành phố khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ và chuyển đổi số nhằm bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu. Đây cũng là kỳ vọng đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp để cùng thành phố vượt qua trở ngại, thách thức, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò trung tâm kinh tế, khoa học-công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế... của cả nước, là địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia, thành phố đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện "Chiến lược tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn thành phố đến năm 2030". Kế hoạch gồm 17 chủ đề về định hướng phát triển bền vững và 18 chủ đề triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.