Tại Nghị quyết số 02/NQ-HÐND ngày 8/4/2022 của Hội đồng nhân dân (HÐND) thành phố Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, thành phố dự kiến đầu tư ba lĩnh vực là 49.203 tỷ đồng cho 1.469 dự án. Trong đó, thành phố dành gần 21 nghìn tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục với 653 dự án; đầu tư cho lĩnh vực y tế hơn 14 nghìn tỷ đồng với 237 dự án; đầu tư cho lĩnh vực tu bổ và tôn tạo di tích hơn 14 nghìn tỷ đồng với 579 dự án.
Hiện thành phố đã bố trí vốn hơn 11 nghìn tỷ đồng trong năm 2021-2022 để thực hiện các dự án của cả ba lĩnh vực. 20 dự án cấp thành phố đã được bố trí kế hoạch đầu tư vốn hơn 1 nghìn tỷ đồng. Ðối với các dự án cấp quận, huyện quản lý, thành phố hỗ trợ các địa phương hơn 10 nghìn tỷ đồng để thực hiện 596 dự án. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Ðến thời điểm này, các địa phương của thành phố đang tích cực triển khai để nghị quyết quan trọng sớm đi vào cuộc sống. Tại huyện Thạch Thất đã có 43/45 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư; bảy dự án đã được giao vốn và một dự án đã hoàn thành.
Ðể khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất khi xây dựng trường chuẩn quốc gia, quận Hoàn Kiếm đã có sáng kiến nâng tầng thay cho mở rộng diện tích. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Ðinh Hồng Phong cho biết, để bảo đảm diện tích trường chuẩn, nhiều trường trên địa bàn quận đã xây cao năm, sáu tầng. Trong đó, tầng 1 làm sân chơi, diện tích sử dụng làm bếp, nấu ăn thì được bố trí ở tầng cao, nên vẫn bảo đảm học sinh được học ở các tầng 2, 3, 4. Toàn quận hiện có 28/35 trường đạt chuẩn và quận phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm bảy trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng này.
Dù đã có nhiều cố gắng, song qua theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, tiến độ thực hiện các dự án thuộc ba lĩnh vực nói trên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau ba tháng triển khai, hiện vẫn còn 216 dự án cấp thành phố thiếu thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn gồm 119 dự án đầu tư trường học, 33 dự án y tế, còn lại là các dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Tại cấp huyện cũng đang còn 637 dự án cấp chưa đủ thủ tục để bố trí vốn. Bên cạnh đó, các quận nội thành đang gặp khó khăn về quỹ đất để xây dựng trường công lập quốc gia, còn tại các huyện, việc cân đối vốn cho các dự án cũng đang là bài toán nan giải. Các huyện Chương Mỹ, Ðan Phượng, Gia Lâm, Hoài Ðức, Ba Vì đề xuất thành phố có chính sách đặc thù để bảo đảm nguồn vốn khi triển khai. Các địa phương mong thành phố có sự chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc ngay khâu giải phóng mặt bằng để các dự án có thể về đích đúng hạn.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ba Ðình Nguyễn Công Thành cho biết, để sớm hoàn thành các dự án, quận đề nghị thành phố chấp thuận được sử dụng nguồn cải cách tiền lương ngân sách quận còn dư để bố trí thực hiện các dự án đầu tư cải tạo trường học, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo các di tích trong kế hoạch đầu tư công của quận. Riêng với việc cải tạo, xây dựng trường chuẩn quốc gia, các quận đều mong muốn thành phố ưu tiên dành quỹ đất và có giải pháp nâng tầng so với quy định.
Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Việc triển khai đầu tư, cải tạo các công trình, dự án thuộc ba lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa là cơ hội rất lớn cho các địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Các đơn vị, địa phương cần rất chú trọng tiến độ và chất lượng trong thực hiện các dự án, nhất là về chất lượng tư vấn, giám sát, thi công những công trình tu bổ, tôn tạo di tích, bệnh viện. Trong quá trình thực hiện, quận, huyện cần phối hợp rất chặt chẽ với sở, ngành để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, tránh triển khai chậm, muộn. Việc quản lý tốt dự án sau đầu tư, tránh lãng phí cũng cần đặt ra ngay từ bây giờ.
Nghị quyết về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo là một chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực với người dân với khối lượng dự án rất lớn. Các đơn vị liên quan cần nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình triển khai để các dự án sớm được khai thác, đưa vào sử dụng, phục vụ lợi ích của đông đảo người dân.