Tập trung công sức, trí tuệ, thời gian cho công tác xây dựng pháp luật

NDO - Ngày 24/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2022. Phiên họp thảo luận về 4 dự án luật quan trọng trước khi trình, phục vụ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

4 dự án luật này gồm: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị; dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chuẩn bị.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng thể chế pháp luật rất quan trọng, thường xuyên, do đó đề nghị các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan phải thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo, lãnh đạo các dự án luật được phân công; tập trung công sức, trí tuệ thực hiện các công việc đã được đưa vào lịch trình. Tinh thần chung là các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Đây là một trong những công việc quan trọng phải tập trung làm, không phải là “việc làm thêm”.

Thủ tướng cho rằng, thông thường, lúc xây dựng pháp luật thì không thấy vấn đề gì, nhưng khi thực thi luật lại thấy vướng mắc bởi vì không thảo luận kỹ càng, nghiêm túc. Đó là thực tiễn mà chúng ta đang gặp phải.

Tập trung công sức, trí tuệ, thời gian cho công tác xây dựng pháp luật ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng nêu rõ, đột phá về xây dựng thể chế là 1 trong 3 đột phá mà các Đại hội Đảng gần đây đã chỉ ra. Chính phủ coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế, thực hiện thể chế là đầu tư cho sự phát triển. Thời gian qua, chúng ta đã dành nhiều công sức, thời gian đầu tư cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Có văn bản trình Bộ Chính trị, có văn bản trình Quốc hội; các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư thì Chính phủ chủ động làm…, tạo chuyển biến tích cực trong quá trình vận hành bộ máy, chỉ đạo, điều hành. Các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian công sức, bám sát vào chương trình xây dựng luật pháp của Bộ Chính trị, Quốc hội. Chính phủ, chủ động xây dựng các đề án luật được phân công. Trên thực tế, chúng ta đã đạt hiệu quả hết sức tích cực. Hằng tháng, Chính phủ dành 1 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; chưa kể việc xây dựng các Nghị định, Thông tư…

Tập trung công sức, trí tuệ, thời gian cho công tác xây dựng pháp luật ảnh 2

Toàn cảnh phiên họp.

Phiên họp này, các bộ sẽ trình Chính phủ 4 dự án luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đây là những luật hết sức quan trọng vì phạm vi và đối tượng rộng, vướng mắc nhiều, cản trở sự phát triển. Vì vậy, chúng ta rất tích cực đề xuất vào chương trình xây dựng các luật, pháp lệnh trong năm nay. Các bộ, ngành phối hợp các cơ quan liên quan tập trung làm công việc này nghiêm túc, hiệu quả.

Chính phủ dành 1 ngày thảo luận 4 đề án luật này, bởi đây những là những luật khó, nhạy cảm, nhưng rất cần thiết trong thời điểm hiện nay, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phục vụ cho việc phục hồi nhanh và phát triển sau đại dịch Covid-19 và những tác động, cú sốc từ bên ngoài. Thủ tướng mong các đại biểu tập trung dành công sức, trí tuệ, thời gian để thảo luận sôi nổi, nghiêm túc, nhất là tháo gỡ những vướng mắc mà thực tiễn đang đặt ra.

Thủ tướng đặt vấn đề, tại sao đầu tư công chậm? Đó là do một số thể chế, luật đang vướng mắc. Chúng ta đang tích cực bám sát thực tiễn. Từ kinh nghiệm quản lý điều hành, các đại biểu trực tiếp cho ý kiến vào các vấn đề.

Thời gian có hạn, yêu cầu thì cao, do đó Thủ tướng mong các đại biểu tập trung cho ý kiến về vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung còn vướng mắc trên thực tiễn. Thủ tướng yêu cầu đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, phải tập trung thực hiện thì mới bảo đảm hiệu quả. Thực tế chúng ta thấy nhiều Luật ban hành, khi thực thi có vướng mắc, không phải là vướng mắc ít mà vướng mắc rất nhiều. Hiện nay, các địa phương đang phải xử lý, đang phải chờ đợi để chúng ta góp ý cho các dự luật vừa bảo đảm tiến độ và chất lượng, là hai yêu cầu hết sức quan trọng.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị, Chính phủ đã dành nhiều thời gian tập trung, xây dựng, hoàn thiện thể chế theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã hoàn thành và tiếp tục hoàn thành công tác xây dựng thể chế, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoàn thành một số dự án luật để trình các cấp có thẩm quyền theo chương trình năm 2022 và các năm tiếp theo, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn mà các bộ, ngành, địa phương phản ánh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta thống nhất nguyên tắc chung: xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, tăng cường phân cấp, phân quyền, quản lý nhà nước; tăng cường nguồn lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, quy định các công cụ để thiết kế, để kiểm tra phù hợp, hiệu quả; các bộ, ngành tập trung cho quản lý nhà nước, không sa vào các sự vụ cụ thể, cấp dưới không giải quyết công việc cấp trên, cấp trên không đùn đẩy công việc xuống cấp dưới. Các ý kiến cũng đề nghị giảm tối đa các thủ tục hành chính, giảm thời gian; tăng cường trách nhiệm của mỗi chủ thể trong từng công đoạn...

Thủ tướng nêu rõ, cần tôn trọng thị trường theo quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, khi cần thiết có công cụ để bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sự cân đối cung cầu, các vấn đề có tính chất nhạy cảm liên quan ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm đời sống cho nhân dân, nhất là người dân yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được hưởng thành quả của xã hội trên nguyên tắc không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Chúng ta phải có các công cụ để khi cần, Nhà nước có thể can thiệp kịp thời, phù hợp, hiệu quả; thiết kế luật bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhưng phải giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Cố gắng bao quát được hết đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật để tháo gỡ vướng mắc đang gặp phải từ thực tiễn; rà soát kỹ đối tượng phạm vi điều chỉnh của luật, phù hợp tình hình, khả năng quản lý, điều kiện cụ thể của đất nước. Các cơ quan trình phải phối hợp chặt chẽ với nhau; cơ quan chủ trì phải trực tiếp làm việc với các Bộ trưởng để thống nhất các vấn đề; tiếp tục tiếp thu ý kiến, phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần dân chủ, đại đoàn kết dân tộc, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi); tranh thủ tối đa ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý để tiếp thu, hoàn thiện, tránh sai sót trong thời gian qua, nhất là hạn chế, bất cập trong khi tổng kết Nghị quyết 19 đã chỉ ra.

Thủ tướng chỉ đạo không để khoảng trống pháp lý khi thực hiện các nội dung chuyển đổi sang luật mới. Liên quan công tác mua sắm, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, Thủ tướng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm liên quan cố gắng xem xét giải quyết ngay trong lúc chưa sửa được luật; tham mưu Chính phủ cần phải làm gì ?; các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu chỉnh sửa các nội dung phù hợp tình hình, khả năng quản lý của chúng ta, giải quyết những vướng mắc trong mua sắm tập trung; phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ, giải phóng nguồn lực, trách nhiệm của cấp dưới như liên quan thuốc, thiết bị y tế, sách giáo khoa, dụng cụ trường học. Thủ tướng cũng yêu cầu Quyền Bộ trưởng Y tế giải quyết ngay những vướng mắc liên quan thuộc trách nhiệm như: mua sắm, bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, giải quyết những việc đang ách tắc, qua đó phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, khai giảng năm học mới...

Thủ tướng yêu cầu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, trên cơ sở đó hoàn thiện các dự án luật theo quy định, thay mặt Chính phủ trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm thời gian đã ấn định. Càng gần đến hạn càng nhiều việc, do đó phải huy động tối đa công sức để có dự án Luật kịp thời, bảo đảm chất lượng, vừa thể chế hoá những điểm mới của chủ trương, đường lối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng lòng mong muốn của nhân dân và doanh nghiệp...