Tập trung chống ngập đô thị

Chống ngập và xử lý nước thải, là một trong những chương trình trọng điểm được Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng triển khai thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian qua. Trong đó, chống ngập đô thị, nhất là khu vực phía đông thành phố, cũng như khu vực vùng ven được xem là bài toán nan giải, cần lộ trình và nguồn vốn đầu tư xứng tầm…
0:00 / 0:00
0:00
Dự án giải quyết ngập do triều cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu thi công đạt 94% khối lượng.
Dự án giải quyết ngập do triều cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu thi công đạt 94% khối lượng.

Liên tục sau những cơn mưa lớn diễn ra trung tuần tháng 6 đến nay, ông Võ Văn Thanh, ngụ khu phố 2, đường Quốc Hương, phường Thảo Ðiền, thành phố Thủ Ðức đều phải dùng bao cát để chắn nước mưa khỏi tràn vào nhà. Do khu vực này thường xuyên bị ngập, ông Thanh đã bỏ tiền nâng cao nền nhà thêm 3cm vào năm 2022 để tránh ngập nhưng thực tế khi mưa kéo dài với vũ lượng cao ông đều phải dùng bao cát chắn nước để "chữa cháy". Ông Thanh cho biết: "Hễ cứ mưa là con đường Quốc Hương biến thành sông. Người dân chỉ mong dự án cải tạo hệ thống thoát nước tuyến đường này sớm hoàn thành để chúng tôi bớt khổ". Nằm trong phường Thảo Ðiền, con đường này cũng được xem là con đường của khu "nhà giàu", trong khi tình trạng ngập lụt kéo dài triền miên nhiều năm liền nhưng vẫn chưa được thành phố chống ngập một cách căn cơ.

Ghi nhận nhiều tuyến đường, hình ảnh cứ mưa to là ngập, lội nước bì bõm, đã trở thành quen thuộc, thậm chí, nỗi lo lắng, ám ảnh của nhiều người dân. Trong đó, khu vực quận Gò Vấp, tại các tuyến đường như Lê Ðức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Thọ, Thống Nhất được xem là "rốn ngập" của thành phố đã gây nhiều xáo trộn đời sống người dân khi thành phố bước vào mùa mưa. Hàng nghìn hộ dân sống ở những khu vực này đã phải chịu đựng suốt nhiều năm qua, trong khi các giải pháp chống ngập của thành phố "trở tay" rất chậm. Ngoài ra, các tuyến đường như Phan Huy Ích (quận Tân Bình), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Trần Xuân Soạn (quận 7), Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân (thành phố Thủ Ðức) cũng là các điểm ngập nặng nhiều năm liền đang cần những giải pháp cấp bách của cơ quan quản lý.

Ðể giải quyết chống ngập cho các khu vực, tuyến đường ngập nặng được xem là "rốn ngập" của thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố (Ban hạ tầng) cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, Ban triển khai thực hiện các dự án giải quyết chống ngập, bao gồm 18 điểm ngập trên các tuyến đường trục chính và giải quyết 13 điểm hỗ trợ chống ngập. Trong đó, tổng mức đầu tư giải quyết 13 điểm hỗ trợ chống ngập khoảng 2.000 tỷ đồng. 18 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước được thi công chống ngập như: Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Tân Quý, Ba Vân (quận Tân Phú), Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Bạch Ðằng (quận Bình Thạnh), Thảo Ðiền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc Lộ 1A (thành phố Thủ Ðức), Phan Anh, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)… Ðặc biệt, đối với khu vực quận Gò Vấp, để giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng, Ban hạ tầng đã đầu tư, thi công xây dựng sáu dự án chống ngập trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có một số dự án đã phê duyệt dự án đầu tư; dự kiến được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, trong năm 2023 chưa được bố trí kế hoạch vốn, nên chưa có cơ sở để triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Thí dụ như Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ có chiều dài hơn 5km với tổng mức đầu tư 353 tỷ đồng; Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Thống Nhất (từ đường Quang Trung đến cầu Bến Phân) với mức đầu tư 210 tỷ đồng; Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Phan Huy Ích (từ đường Huỳnh Văn Nghệ đến đường Quang Trung) có quy mô 1,4km với mức đầu tư 180 tỷ đồng.

Theo ông Ðặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, ngoài các dự án chống ngập do mưa trên các tuyến đường nội đô, một số dự án chống ngập, chỉnh trang đô thị và xử lý nước thải quy mô lớn, giải quyết ngập cho các lưu vực đang được thành phố triển khai như: Giải quyết ngập do triều cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) hiện khối lượng thi công đạt 93,33%, khi dự án hoàn tất sẽ giải quyết ngập úng cho lưu vực phía nam thành phố; Dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến khu Ðô thị mới Thủ Thiêm) khối lượng thi công đạt 95%, khi hoàn thành sẽ chống tràn do lũ thượng nguồn, do triều cường nhằm bảo vệ dân cư và công trình cơ sở hạ tầng thuộc phía bờ tả sông Sài Gòn; đồng thời, kết hợp chỉnh trang đô thị và bảo vệ môi trường; Dự án cải tạo hai bên bờ kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên dài 32km vừa khởi công xây dựng, giúp giải quyết tình trạng ngập úng và tạo điều kiện sống "xanh" cho hàng nghìn hộ dân khu vực bắc-nam thành phố…