Tập trung cải thiện chất lượng không khí

Tình trạng ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội trong thời gian gần đây liên tục ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Nguyên nhân đến từ việc số lượng phương tiện cơ giới tăng nhanh, quá trình thi công các dự án giao thông, xây dựng không bảo đảm quy định về vệ sinh môi trường; đòi hỏi cơ quan chức năng cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí.

Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) triển khai rửa đường ban đêm tại các tuyến đường trung tâm thành phố. Ảnh: Hoàng Hiệp
Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) triển khai rửa đường ban đêm tại các tuyến đường trung tâm thành phố. Ảnh: Hoàng Hiệp

Trong khi ô nhiễm không khí của Hà Nội thời gian qua luôn ở tình trạng báo động thì hình ảnh công nhân dùng máy nén khí thổi bụi mù mịt khi cải tạo đường Nguyễn Trãi và một số tuyến phố khác trong nội thành lại càng khiến dư luận bức xúc. Bởi bên cạnh khí thải từ lượng ô-tô, xe máy tăng nhanh thì việc các dự án xây dựng, giao thông tại Hà Nội thi công không bảo đảm vệ sinh môi trường cũng là nguyên nhân khiến cả thành phố chìm trong ô nhiễm.

Sau khi nhận được nhiều phản ánh từ người dân và báo chí, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải) đã yêu cầu các nhà thầu thi công phải tăng cường phun nước rửa đường; đồng thời đưa máy vừa thổi vừa hút bụi vào làm. Dự án cải tạo tuyến Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng đang được thí điểm dùng máy hút, thay việc thổi bụi để thảm nhựa như trước và bước đầu đã hạn chế tình trạng bụi bẩn. Từ thực tế này, lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông cho biết sẽ đề xuất với Sở Giao thông vận tải, kiến nghị UBND thành phố đưa yêu cầu hút bụi vào quy trình bắt buộc khi dự thầu thi công cải tạo, duy tu đường. Theo đó, các đơn vị tham gia đấu thầu lĩnh vực này bắt buộc phải có công nghệ máy vừa thổi vừa hút bụi. “Khi đã có quy định và đưa vào điều kiện thầu thì lúc đó bắt buộc các nhà thầu phải tự trang bị máy móc để bảo đảm vệ sinh môi trường”, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Vũ Đức Giang, nhấn mạnh.

Cùng với ngành giao thông, từ cuối tháng 12-2019, lực lượng chức năng bắt đầu thực hiện các giải pháp cấp bách như kiểm soát xe vận chuyển vật liệu xây dựng chặt chẽ, thực hiện rửa đường tại một số tuyến phố khu vực nội thành… nhằm hạn chế bụi bẩn trên đường.

Nếu như việc gây bụi bẩn trong quá trình thi công cải tạo đường Nguyễn Trãi được chỉ rõ và có giải pháp khắc phục ngay, thì còn nhiều nguyên nhân khác, dù đã được chỉ ra, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, bên cạnh nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; các nguyên nhân chủ quan gây ô nhiễm không khí là khí thải xe máy; các hộ dân dùng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ; hoạt động xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng; khí thải mùi hôi từ trạm thoát nước, kênh mương; ô nhiễm ao hồ; khói bụi từ các cơ sở sản xuất…

Trước những tác nhân tác động làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí, cùng với việc chỉ đạo cụ thể đến từng đơn vị qua các cuộc họp khẩn, ngày 25-12-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị 19/CT-UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn. Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành liên tục ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí, thường xuyên tổng hợp kết quả thông báo công khai các số liệu ô nhiễm. Trong trường hợp khi ô nhiễm không khí chạm mức nguy hại, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo tới Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học cho học sinh sắp xếp lịch học phù hợp; thông báo Sở Y tế để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng ngừa bệnh về đường hô hấp. Trong các ngày chất lượng không khí ở mức kém, Sở Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các công ty môi trường đô thị, cùng các quận, huyện rà soát kiểm tra, phải tăng cường tần suất sử dụng xe hút bụi, hút rác và dùng xe tưới nước rửa đường.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, không phủ bạt che chắn, chở quá tải, để rơi vãi ra đường gây mất an toàn, vệ sinh môi trường. Kiểm tra, phát hiện để xử lý các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng không che chắn, gây vương vãi vật liệu, bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm theo quy định.