Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, lũy kế tính từ đầu năm đến ngày 10-7, toàn tỉnh ghi nhận 26 ca dương tính với bạch hầu. Trong đó, 15 ca bệnh (TP Kon Tum, 1 ca; huyện Đăk Hà, 2 ca; huyện Đăk Tô, 5 ca; huyện Sa Thầy, 7 ca); 11 ca người lành mang trùng (huyện Đăk Tô, 3 ca; huyện Sa Thầy, 7 ca; TP Kon Tum, 1 ca).
Ghi nhận 13 ổ dịch bạch hầu (TP Kon Tum, 2 ca; huyện Đăk Hà; 2 ca; huyện Đăk Tô; 5 ca; huyện Sa Thầy, 4 ca); 5 ổ dịch đã kết thúc, qua 14 ngày không có trường hợp mắc mới (TP Kon Tum, 1 ca; huyện Đăk Hà, 1 ca; huyện Đăk Tô, 2 ca; huyện Sa Thầy, 1 ca).
Số ổ dịch hiện đã cách ly là 3, đều ở huyện Sa Thầy (làng O và làng Trang, xã Ya Xiêr; làng Chốt, thị trấn Sa Thầy).
Đã khoanh vùng, cách ly, kiểm soát các ổ dịch còn lại. Hiện, các trường hợp tiếp xúc gần đang được quản lý, theo dõi, cách ly tại hộ gia đình.
Trường hợp dương tính với bạch hầu nhỏ tuổi nhất là 9 tháng tuổi và lớn tuổi nhất là 74 tuổi; Số ca dương tính với bệnh bạch hầu hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Trần Thị Nga yêu cầu ngành Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch bạch hầu nhằm khống chế, không để dịch bệnh lan rộng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong;
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu; Hỗ trợ kinh phí cho các trung tâm y tế, trạm y tế, đội xung kích, triển khai kịp thời công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh cũng như xử lý ổ dịch tại địa phương; Xử lý nghiêm các cá nhân, hộ gia đình không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo quy định…