Tập đoàn Dệt may Việt Nam kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự

Ngày 26-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kỷ niệm 20 năm thành lập, tổng kết giai đoạn 2011-2015 và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và trao danh hiệu. Đến dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi lẵng hoa chúc mừng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu Anh hùng Lao động tặng Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN KHANG (TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu Anh hùng Lao động tặng Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN KHANG (TTXVN)

Đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những ngành xuất khẩu lớn của cả nước: kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 32 lần, từ 850 triệu USD lên hơn 27,3 tỷ USD. Với sáu nghìn doanh nghiệp, hơn 2,5 triệu lao động, dệt may Việt Nam đã trở thành ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động, tạo thu nhập ổn định, đưa Việt Nam trở thành một trong năm nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hướng đến CNH, HĐH đất nước...

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động tặng Vinatex và Huân chương Lao động hạng nhì tặng một số cá nhân của Tập đoàn.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Vinatex đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới, Vinatex cần tận dụng thời cơ, vượt lên để phát triển. Tập đoàn cần tiếp tục làm tốt vai trò hạt nhân của ngành dệt may cả nước; phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn lên hơn sáu tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung, năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm nói riêng; phát triển đối tác tại những thị trường hiện có, chủ động thâm nhập thị trường mới, nhất là những thị trường đã và chuẩn bị ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới trang, thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất lao động, đồng thời tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; phấn đấu đạt trình độ của năm nước hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu dệt may trên thế giới; đẩy nhanh tiến độ hình thành chuỗi cung ứng trong Tập đoàn và các doanh nghiệp liên kết; nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa; có bước đi phù hợp trong phát triển sản xuất các nguyên liệu đầu vào như xơ, sợi, dệt, nhuộm, từ vải và phụ kiện đến thành phẩm. Tận dụng tốt cơ hội, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hành chính theo hướng hiện đại, hiệu quả...