Tạo trụ cột an sinh vững chắc

Là một trong ba chương trình mới so với nhiệm kỳ trước, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa 17) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” sau hơn hai năm triển khai đã phát huy hiệu quả, là điểm tựa cho các chính sách an sinh của Thủ đô. Từ đó từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân.

0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tìm kiếm, phỏng vấn tìm việc làm trực tuyến tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh THU HÀ)
Người lao động tìm kiếm, phỏng vấn tìm việc làm trực tuyến tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh THU HÀ)

Bài 1: Nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước hạn

Chính thức ban hành ngày 17/3/2021, Chương trình số 08- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội bắt đầu được triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, đời sống, việc làm, sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, với sự vào cuộc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến nay đã có 14 trong tổng số 27 chỉ tiêu của Chương trình được hoàn thành, chín chỉ tiêu đang triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ.

Các chỉ tiêu nổi bật thành phố đã hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025 gồm: giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước khi sinh con bốn loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất. Đáng chú ý, chỉ tiêu về giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp của Hà Nội đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 427 nghìn lượt lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra (số lao động được tạo việc làm mới từ 155.000 đến 160.000/năm). Trong đó, năm 2022, thành phố giải quyết việc làm cho hơn 203.000 người, đạt 126,9% kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp toàn thành phố luôn duy trì ở mức dưới 3% (năm 2022 là 2,23%). Các chỉ tiêu tỷ lệ người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; giảm tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi suy dinh dưỡng so với năm trước (0,1%) đều đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Đối với tỷ lệ hộ nghèo, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 “cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới”, thực tế đến cuối năm 2022, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo và có ba quận gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng không còn hộ nghèo và cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 6.227.000 đồng/người/tháng (bằng 103,7% so với năm 2021).

Một trong những điểm nổi bật của Chương trình 08 thời gian qua là thành phố thường xuyên quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Có bảy chỉ tiêu được duy trì tỷ lệ 100% từ đầu năm 2021 đến nay nhằm hỗ trợ các đối tượng yếu thế như miễn học phí đối với học sinh khuyết tật, học sinh thuộc hộ nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng đối với nhân khẩu thuộc hộ nghèo…

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thành phố đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Trong đó, đã hỗ trợ gần ba triệu lượt người lao động, người sử dụng lao động khó khăn với kinh phí gần 3.000 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 420 nghìn lượt lao động của 13.971 doanh nghiệp với số tiền đã giải ngân là hơn 220 tỷ đồng...

Thành phố hiện có 202.359 đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. 100% các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng... được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. 100% số học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội được miễn học phí.

Từ năm 2021 đến tháng 3/2023, Quỹ Vì người nghèo các cấp thành phố đã trích hơn 66,9 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 1.587 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ học tập cho 10.123 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sinh kế cho 2.613 hộ; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 2.804 hộ. Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 77,341 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 606 nhà ở cho gia đình người có công, với kinh phí 25,7 tỷ đồng; tặng 10.604 sổ tiết kiệm tình nghĩa, kinh phí hơn 14,8 tỷ đồng...

Nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021-2030, thành phố Hà Nội sẽ dành tổng nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch hơn 2.144 tỷ đồng. Hiện tại Hà Nội đã bố trí hơn 1.100 tỷ đồng thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Được đánh giá là một Chương trình nhân văn, có sức lan tỏa, một số địa phương của Hà Nội đã có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy, Trịnh Thị Dung, trong quá trình triển khai, Quận ủy Cầu Giấy đã cụ thể hóa thành 22 chỉ tiêu phù hợp đặc điểm tình hình của quận, trong đó, có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với chỉ tiêu của thành phố đề ra.

Với quyết tâm không để phát sinh hộ nghèo mới, phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm 100% số hộ cận nghèo, quận Cầu Giấy đã hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Với những giải pháp thiết thực, cụ thể, cho nên ngay từ cuối năm 2022, Cầu Giấy đã giảm 100% số hộ cận nghèo và hoàn thành sớm chỉ tiêu của năm 2023.

Tại quận Long Biên, để thực hiện công tác an sinh xã hội, quận đã chủ động xây dựng các đề án, đặc thù riêng như Đề án “Tăng nguồn cho vay giảm nghèo, hỗ trợ tạo việc làm bằng nguồn ngân sách quận” mỗi năm được cấp bốn tỷ đồng để thực hiện; hỗ trợ bổ sung đủ mức đóng 100% bảo hiểm xã hội tự nguyện cho thành viên hộ cận nghèo đến năm 2025.

(Còn nữa)