Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đa phương thức

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đa phương thức, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã ra mắt địa điểm làm thủ tục Hải quan tại cảng Thạnh Phước, nằm cạnh sông Đồng Nai thuộc địa bàn thành phố Tân Uyên, việc này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xuất, nhập khẩu, thúc đẩy chuyển đổi từ phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ sang đường thủy tiết kiệm và hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Địa điểm làm thủ tục Hải quan tại cảng Thạnh Phước.
Địa điểm làm thủ tục Hải quan tại cảng Thạnh Phước.

Ngày 6/6 vừa qua, tại thành phố Tân Uyên (Bình Dương), Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ ra mắt địa điểm làm thủ tục Hải quan tại cảng Thạnh Phước. Với địa thế thuận lợi, nằm sát sông Đồng Nai, cảng Thạnh Phước ở gần vị trí kết nối với các khu công nghiệp lớn của tỉnh Bình Dương như Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 2 A, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3, Khu công nghiệp Đất Cuốc...; đồng thời, kết nối một số cảng quan trọng như: Cảng Tổng hợp Bình Dương; cảng Hiệp Phước, cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh); cảng Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và các cảng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cảng Thạnh Phước có năng lực khai thác tới năm 2030 đạt 100.000-170.000 TEU/năm nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa.

Chính vì vậy, việc ra mắt địa điểm làm thủ tục Hải quan tại cảng Thạnh Phước sẽ giúp thủ tục xuất, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa của doanh nghiệp đều có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Cảng Thạnh Phước được thành lập từ năm 2007, chuyên khai thác bến thủy nội địa và khai thác tuyến sà-lan chở hàng rời như: Nông sản, đá vôi, xi-măng và các nguyên, vật liệu dành cho sản xuất. Cuối năm 2023, cảng Thạnh Phước được công bố là cảng cạn và tháng 3/2024, Bộ Tài chính đã công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong cảng Thạnh Phước.

Hiện tại, cảng Thạnh Phước đã kết nối đường truyền dữ liệu liên thông giữa Hải quan và hãng tàu; đồng thời, đầu tư hệ thống quản lý cảng thông minh với các phần mềm: TOS, Eport; qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục trong quá trình thông quan, giao, nhận hàng hóa. Trong thời gian tới, cảng sẽ xây dựng thêm hai cầu cảng bốc dỡ container nhằm rút ngắn thời gian xếp dỡ, tăng sản lượng giao nhận hàng hóa.

Là cảng cạn, cảng Thạnh Phước vừa có thể thực hiện hàng hóa cảng đích vừa thực hiện hàng hóa chuyển cửa khẩu, góp phần giải quyết tình trạng quá tải của vận chuyển đường bộ, đẩy nhanh lưu thông hàng hóa; thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh, nâng cao kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ. Điều này, kéo theo sự gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo, tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, tăng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, góp phần đạt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cảng Thạnh Phước Trần Hữu Lợi chia sẻ: Cảng Thạnh Phước với các hệ thống kho, bãi khai thác sẵn có cùng với vị trí địa lý thuận lợi có thể kết nối các khu công nghiệp và nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh. Với mong muốn chuyển đổi phương thức vận tải để tạo nên một tuyến đường logistics “xanh”, giảm tải cho đường bộ và tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp, cảng Thạnh Phước chú trọng phát triển các dịch vụ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng thông qua các tuyến sà-lan kết nối với các cụm cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhất là kết nối với cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải. Cùng với lợi thế về các chính sách ưu đãi của tỉnh Bình Dương cũng như sự hỗ trợ về thủ tục của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, cảng Thạnh Phước chắc chắn sẽ mang lại giá trị khác biệt cho doanh nghiệp.

Bên cạnh việc ra mắt địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng Thạnh Phước, nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc xuất, nhập khẩu, nhằm khai thác tiềm năng vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường sắt cho vùng Đông Nam Bộ, cuối tháng 9/2023, với sự hỗ trợ tích cực từ Hải quan tỉnh Bình Dương, đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp từ ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) xuất khẩu đi Trung Quốc chính thức được khởi hành. Sự kiện mở ra một phương thức vận chuyển hàng hóa mới, góp phần giảm áp lực lên giao thông đường bộ, giảm chi phí vận chuyển, giúp doanh nghiệp vừa nâng cao năng lực xuất nhập khẩu, vừa dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm sản xuất hàng hóa và nguyên phụ liệu sản xuất.

Việc đưa hoạt động liên vận vào khai thác tại ga Sóng Thần với đoàn tàu liên vận quốc tế đánh dấu bước đột phá trong kế hoạch phát triển, thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt. Sự kiện này mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới hiệu quả, an toàn, tiết kiệm chi phí, vừa góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy hoạt động gia công sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và khu vực, vừa có thể dễ dàng giúp doanh nghiệp tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh,...

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng: Việc ra mắt địa điểm làm thủ tục Hải quan tại cảng Thạnh Phước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội nói chung và cho hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh Bình Dương nói riêng; thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của Công ty cổ phần cảng Thạnh Phước và Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; giúp cho hoạt động kiểm tra hàng hóa trên địa bàn tỉnh được nhanh chóng, chính xác và tiện lợi; góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi từ phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ như hiện nay sang đường thủy, tận dụng thế mạnh về đường thủy của tỉnh nhằm tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm tải cho cơ sở hạ tầng đường bộ và hạn chế ô nhiễm môi trường.