Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 110 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp giấy chứng nhận. Tuy đứng thứ hai cả nước (sau Hà Nội), nhưng số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận còn rất ít so với tiềm năng của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày các sản phẩm khoa học và công nghệ tại phòng trưng bày Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh).
Trưng bày các sản phẩm khoa học và công nghệ tại phòng trưng bày Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo các chuyên gia, những năm qua, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là nơi nhận chuyển giao công nghệ mới, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học; đồng thời, cũng là đích đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để đưa trí tuệ, những ý tưởng của mình tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích cho xã hội; là cầu nối đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào ứng dụng sản xuất, đời sống, tạo ra những sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị gia tăng cao.

Qua đó, nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã có doanh thu lớn, sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu khoa học và công nghệ khi tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước…

Theo thống kê, thành phố hiện có 111 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; trong đó có 31% số doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, 27% lĩnh vực tự động hóa, 16% ngành công nghệ sinh học, còn lại hoạt động trong lĩnh vực y tế, điện tử, vật liệu... Năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố khoảng 2.000 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại thành phố là hơn 700 doanh nghiệp. Thành phố hiện có 36 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; 13 không gian làm việc chung, hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo. Ðặc biệt, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup) có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp. Ðây được xem là nguồn để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển xây dựng một hệ sinh thái hoạt động mạnh, có chất lượng, nhằm hình thành ngày càng nhiều các doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho thành phố. Ðiều này cho thấy, tiềm năng phát triển mạng lưới doanh nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố còn rất lớn. Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Một trong những vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua, chính là việc tiếp cận hiệu quả chính sách ưu đãi và các bước thực hiện hồ sơ đề nghị để được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc hỗ trợ các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới tiếp cận với các chính sách ưu đãi là rất cần thiết.

Ðể phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các cơ sở ươm tạo cần kết nối với các cơ quan, ban, ngành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng những tiêu chí cần có để nhận được các chính sách ưu đãi. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh… Là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, bà Phạm Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH Gia Thái Doctorloan cho hay: Ðặc điểm kinh doanh sản phẩm sáng chế của doanh nghiệp khoa học và công nghệ thường gặp nhiều khó khăn, bởi đây là sản phẩm mọi người chưa biết, thị trường chưa tiêu thụ. Do đó, doanh nghiệp khó tìm được vật liệu để tiến hành sản xuất thử, khó thực hiện thiết kế và định hình quy trình sản xuất. Một sản phẩm sáng chế phải qua quá trình làm việc tìm giải pháp, thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) với chi phí rất nhiều, lặp lại nhiều lần, vượt qua các lần thất bại để tạo ra sản phẩm cuối. Bà Phan Thị Thùy Ly, Phó Giám đốc phụ trách Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Số đơn đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ hiện nay rất ít vì một số nguyên nhân chính. Việc đăng ký trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ có những khó khăn nhất định như: Ðể được công nhận thì doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ khoa học và công nghệ. Ðiều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp sau khi thành lập và hoạt động đã không phát huy được lợi thế cạnh tranh từ việc ứng dụng công nghệ mới, do vậy không đáp ứng các điều kiện doanh thu theo quy định, dẫn đến không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi, thậm chí hoạt động cầm chừng, loay hoay, lúng túng trong quản trị doanh nghiệp nên rất khó phát triển.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để có thể hỗ trợ hiệu quả, các đơn vị liên quan cần dựa trên phân tích những khó khăn, thuận lợi khi một doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc, phát huy tốt việc áp dụng những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa góp phần giúp doanh nghiệp đạt được các điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi cũng là một trong những yếu tố quan trọng.