Tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt

Bắt nhịp sự lên ngôi của thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai đa dạng dịch vụ ngân hàng số, công nghệ hiện đại để thỏa mãn nhu cầu thanh toán mới của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nam A Bank triển khai chương trình “Chợ 4.0 - Cuộc sống không tiền mặt” phủ sóng tại các chợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nam A Bank triển khai chương trình “Chợ 4.0 - Cuộc sống không tiền mặt” phủ sóng tại các chợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Gia tăng tiện ích khi thanh toán

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Ngành ngân hàng đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó, có cả nhiệm vụ thông tin truyền thông; tư vấn và hướng dẫn khách hàng, người dân sử dụng những sản phẩm dịch vụ thanh toán, chuyển tiền tiện ích và tiện lợi.

Thanh toán không tiền mặt đã, đang diễn ra theo xu hướng tích cực, cả về số lượng giao dịch, giá trị giao dịch, nhất là giao dịch mua bán trên các trang thương mại điện tử, tại siêu thị, nhà hàng… và các điểm chấp nhận thanh toán thẻ.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng thẻ hiện nay đạt 18,5 triệu thẻ; số lượng máy POS đạt 135.876 máy, tăng 8,25% so với cuối năm; trong khi đó, số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ tăng 8,34% và đạt 90.314 điểm trên địa bàn thành phố. Đây là những kết quả tích cực tạo điều kiện để ngành ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên cả nước nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, toàn hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trang bị hơn 3.300 máy ATM và CDM, 23.574 POS và 21.687 đơn vị chấp nhận thẻ trên toàn quốc.

Phục vụ hơn 13 triệu thẻ đang hoạt động và luôn duy trì vị thế tốp 3 ngân hàng thương mại trên thị trường dịch vụ thẻ, Agribank tạo điều kiện tối đa đối với khách hàng trải nghiệm sử dụng thẻ không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch và thanh toán hàng hóa.

Ứng dụng Agribank E-Mobile Banking của Agribank liên tục ghi nhận sự gia tăng khách hàng tải về và sử dụng thường xuyên, là một trong các ứng dụng ngân hàng có số lượng người dùng bình quân hằng tháng lớn nhất. Với ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, khách hàng có thể thực hiện trực tuyến các giao dịch tài chính, phi tài chính một cách dễ dàng mà không phải dùng tiền mặt như chuyển khoản, thanh toán mã QR, gửi tiền, mua vé tàu xe, taxi...

Để gia tăng tiện ích đa năng, tăng sức hút đối tượng khách hàng là giới trẻ, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã hợp tác với hàng loạt ví điện tử như: MoMo, ZaloPay, ShopeePay, AppotaPay hay Giao hàng tiết kiệm (GHTKPay).

Đặc biệt, chương trình hợp tác triển khai mở tài khoản trực tuyến và kết nối ví điện tử cùng MoMo và ZaloPay giúp hàng chục triệu người dùng Việt Nam dễ dàng tiếp cận với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng của ACB chỉ với một lần chạm. Khách hàng không cần có app ngân hàng vẫn có thể mở tài khoản ACB trực tiếp trên ứng dụng MoMo hoặc ZaloPay.

Sau khi mở thành công và liên kết ví lần đầu trên ứng dụng, đối tác sẽ nhận ngay quà tặng lên tới một triệu đồng để thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, nạp tiền điện thoại, đóng học phí, mua hàng Lazada, Tiki, CGV, Baemin, GS25, FamilyMart… Ngoài ra, các ứng dụng mới của ACB giúp khách hàng mở tài khoản nhanh chóng hơn.

Với quy trình 100% trực tuyến cùng phương thức định danh eKYC, khách hàng chỉ mất vài phút để có tài khoản ACB và sử dụng ngay các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt.

Chưa hết, khách hàng còn dễ dàng nâng cấp tài khoản bằng tính năng video call face identity để tận hưởng ngay lập tức đầy đủ các dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền hạn mức 300 triệu VND/ngày, mở thẻ ghi nợ trực tuyến, gửi tiết kiệm trực tuyến với lãi suất ưu đãi hơn gửi tiền tại quầy…

Thúc đẩy không dùng tiền mặt trong chợ

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, điểm nhấn có thể tạo bước đột phá trong mở rộng và thanh toán không dùng tiền mặt, đó là nếu trước đây, chủ yếu các chủ sạp, tiệm bán hàng tại các chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận là điểm thanh toán thẻ, lắp đặt máy POS, thì hiện nay các chủ sạp, các tiệm bán hàng tại một số chợ truyền thống đã dán bảng mã QR tại quầy để khách hàng, người dân mua hàng quét mã và thanh toán, chỉ bằng thao tác đơn giản, nhập số tiền thanh toán, hoàn tất giao dịch, rất nhanh chóng và tiện lợi.

Đây là điểm sáng trong thanh toán không dùng tiền mặt cần quan tâm để làm tốt, lan tỏa, phát huy. Sáu tháng đầu năm, chương trình Chợ 4.0 - Cuộc sống không tiền mặt của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) đã “phủ sóng” tại các chợ truyền thống lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố.

Với chương trình này, thay vì sử dụng tiền mặt để thanh toán như trước, giờ đây tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua Open Banking một cách nhanh chóng, an toàn và bảo mật.

Chia sẻ về phương thức thanh toán mới, chị Nga, chủ của một cửa hàng tạp hóa tại chợ Tân Định (Quận 1) cho biết: Thông thường, chị chỉ dùng tiền mặt để buôn bán, nhập hàng hóa. Vì lớn tuổi và không rành công nghệ cho nên chị rất ngại chuyển khoản.

Nhưng hiện nay, do nhu cầu của nhà cung cấp và người mua hàng, chị cũng đã bắt đầu sử dụng thanh toán điện tử, dùng rồi mới thấy cách làm cũng khá đơn giản, mà lại còn nhanh chóng, tiện lợi.

Đại diện Nam A Bank cho biết: Nam A Bank triển khai chương trình Chợ 4.0 - Cuộc sống không tiền mặt tại các chợ truyền thống nhằm khuyến khích tiểu thương và người dân thay đổi thói quen, dịch chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ đó, giúp các giao dịch giữa người bán và người mua thuận lợi, an toàn hơn; đồng thời, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn. Mục tiêu từ nay đến hết năm 2023, chương trình Chợ 4.0 - Cuộc sống không tiền mặt của Nam A Bank sẽ tiếp tục được nhân rộng đến các chợ tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, các tổ chức tín dụng cần quan tâm, thực hiện các chính sách khuyến khích để các chủ cửa hàng, các sạp hàng, các tiểu thương, người dân… sử dụng mã QR để thanh toán.

Muốn vậy, các tổ chức tín dụng cần quan tâm và làm tốt việc tiếp tục tối ưu hóa tiện ích dịch vụ này; đồng thời, làm tốt công tác thông tin truyền thông; công tác “bán hàng” mà khách hàng chính, khách hàng trung tâm là người dân, để sản phẩm này trở thành “bình dân” nhất, sử dụng phổ biến, rộng rãi, tạo ra bước phát triển đột phá trong thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế thời đại 4.0.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh