Tạo thói quen đọc sách trong cộng đồng

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển về kinh tế, khoa học-công nghệ, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc phát triển văn hóa đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Ðường Sách Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến tiêu biểu thu hút người dân.
Ðường Sách Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến tiêu biểu thu hút người dân.

Nhiều sự kiện về sách, không gian đọc sách được hình thành trên khắp các quận, huyện và thành phố Thủ Ðức, góp phần tạo nên một không gian văn hóa lành mạnh, lan tỏa những điều tốt đẹp.

Thêm nhiều không gian đọc sách

Ngày 15/12, Ủy ban nhân dân Quận 6 (Thành phố Hồ Chí Minh) chính thức khánh thành công trình cải tạo công viên Bình Phú với điểm nhấn là khu vườn sách, một không gian kết hợp hài hòa giữa văn hóa đọc và thiên nhiên. Giữa công viên đầy bóng mát, khu vườn sách góp phần nâng cao chất lượng không gian công cộng, kết hợp giải trí, giáo dục và văn hóa.

Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 6, với diện tích rộng rãi, khu vực này được thiết kế như một không gian mở, nơi người dân có thể vừa tận hưởng cảnh quan xanh mát, vừa khám phá thế giới sách phong phú do Nhà sách Phương Nam chung tay thực hiện.

Trước đó, ban lãnh đạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã phối hợp Nhà xuất bản Trẻ mở một "vườn sách" ngay trong khuôn viên rợp bóng mát của Thảo Cầm Viên. Trong một không gian yên tĩnh, thoáng mát, "vườn sách" được kỳ vọng sẽ thúc đẩy văn hóa đọc của các gia đình khi đến vui chơi, thư giãn tại đây.

Không gian "vườn sách" gồm hai khu nhà lục giác và không gian ngoài trời rộng rãi dưới bóng cây, có bàn ghế và kệ sách, các bộ sưu tập sách nhiều thể loại, nhất là sách thiếu nhi. Ðây là nơi để các em thiếu nhi dừng chân thưởng thức những cuốn sách hay, tô màu, vẽ tranh và tham gia các trò chơi khác.

Bà Huỳnh Thu Thảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, "vườn sách" ra đời với mục đích tạo ra không gian văn hóa đọc giữa thiên nhiên. Thảo Cầm Viên và Nhà xuất bản Trẻ đã ký biên bản ghi nhớ về việc tài trợ sách và hỗ trợ xây dựng không gian đọc. Ðây sẽ là điểm nhấn độc đáo giúp khách tham quan không chỉ hòa mình vào thiên nhiên mà còn được trải nghiệm tri thức.

Bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết, đơn vị đã trao tặng 1.000 bản sách và một số bàn ghế, tủ kệ cho "vườn sách" nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Thời gian tới, Nhà xuất bản Trẻ tiếp tục cung cấp định kỳ các ấn phẩm thiếu nhi mới nhất để hỗ trợ "vườn sách"...

Từ những không gian đọc sách, đường sách cùng nhiều sự kiện về sách, về văn hóa diễn ra tại các địa chỉ này đã mang lại cho người dân, nhất là giới trẻ cơ hội tiếp cận với sách nhiều hơn, từ đó khơi dậy tình yêu đối với sách và phát triển văn hóa đọc.

Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Công ty Ðường Sách Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau một năm đi vào hoạt động, Ðường sách thành phố Thủ Ðức đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ văn hóa được yêu thích trên địa bàn thành phố. Ðường sách thành phố Thủ Ðức đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức tại địa phương với các hoạt động dành cho đời sống văn hóa tinh thần, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân trên địa bàn thành phố Thủ Ðức, nhất là học sinh, sinh viên. Các loại hình hoạt động diễn ra tại Ðường sách đa dạng về hình thức, thể loại như: Giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm, ký tặng sách; biểu diễn nghệ thuật; hội thi văn hóa văn nghệ, du hành vui cùng sách - tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; triển lãm sách,…

Chị Nguyễn Thị Ánh Minh, phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Từ khi có đường sách, tôi không cần phải vào trung tâm thành phố để tìm những quyển sách mới. Các sự kiện ra mắt sách tại Ðường sách thành phố Thủ Ðức được tổ chức thường xuyên đã giúp cho người đọc hiểu hơn về tác giả cũng như giá trị mà những quyển sách mang lại".

Lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc

Việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc được Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư và duy trì thực hiện trong nhiều năm qua. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn thành phố có gần 400 hoạt động về hội sách, triển lãm, giao lưu tác giả - tác phẩm, giới thiệu sách, trong đó có những hội sách mang tính quốc tế.

Nhiều hoạt động định kỳ đã trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút đông đảo người dân như: Lễ hội Ðường sách Tết Nguyên Ðán; Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh; Hội sách Thiếu nhi; Ngày Sách và Văn hóa đọc... thu hút hàng trăm nghìn lượt người/năm. Bên cạnh đó, còn có chương trình "Xe sách lưu động" phục vụ người dân vùng ven, vùng xa.

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước công bố Giải thưởng Sách Thiếu nhi thành phố. Thành phố cũng đã chọn lựa và gắn kết các cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực (như: nhà nghiên cứu, tác giả sách, nhà báo, học sinh, sinh viên, ca sĩ, diễn viên…) làm Ðại sứ văn hóa đọc theo nhiệm kỳ hằng năm, góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến người dân.

Ông Lâm Ðình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với thông điệp "Mỗi người dân là một Ðại sứ văn hóa đọc", Sở đã công bố các đại sứ văn hóa đọc Thành phố Hồ Chí Minh tại Ngày Sách và Văn hóa đọc hằng năm nhằm lan tỏa tri thức đến cộng đồng. Cùng với đó, thành phố cũng thành lập Câu lạc bộ Ðại sứ văn hóa đọc Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho các đại sứ văn hóa đọc qua các nhiệm kỳ phát huy sức sáng tạo của mình trong việc lan tỏa văn hóa đọc và những giá trị mà sách mang đến cho người dân.

Là Ðại sứ văn hóa đọc danh dự của thành phố, không giới hạn nhiệm kỳ, Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư luôn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với nhiều thế hệ độc giả, nhất là những bạn đọc trẻ. Bộ sách "Gia Ðịnh-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" của ông do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành vừa được trao giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 là minh chứng cho thấy sức lao động miệt mài, không ngừng nghỉ của ông.

Hiện, ở tuổi 104, "ông Bụt" Nguyễn Ðình Tư vẫn đọc, nghiên cứu và viết mỗi ngày và chưa bao giờ ngừng khát khao cống hiến cho đời những tác phẩm có giá trị.

Theo ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang triển khai nhiều công trình để phát triển văn hóa đọc, trong đó có công trình "Xây dựng các đường sách, không gian sách trên địa bàn thành phố góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân thành phố".

Theo đó, thành phố sẽ nhân rộng hệ thống đường sách trên địa bàn theo các hướng đông, tây, nam, bắc để góp phần lan tỏa văn hóa đọc cho người dân. "Thành phố sẽ xây dựng ba không gian sách, đường sách mới gồm: Không gian sách quận Bình Tân; Ðường sách Nguyễn Ðổng Chi, Quận 7; và Không gian sách huyện Củ Chi tại thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi.

Theo tiến độ dự kiến, các không gian sách, đường sách mới này sẽ chính thức đi vào hoạt động trước tháng 4/2025", ông Trịnh Hữu Anh chia sẻ thêm.

Các "tọa độ" đọc sách mới theo hướng tây-nam-bắc này kết nối với Ðường sách thành phố Thủ Ðức tại hướng đông và trung tâm là Ðường sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1) sẽ tạo thành một "hệ sinh thái đường sách"; đồng thời tiếp tục đầu tư, phát triển Ðường sách Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa chỉ đặc trưng, tiêu biểu cho hoạt động văn hóa, du lịch và hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc của thành phố.

Thành phố đang thực hiện chương trình "Trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở" để đưa sách đến tay mỗi người dân trên địa bàn thành phố thông qua thư viện trường thuộc các cấp học phổ thông, giáo dục thường xuyên và thư viện 21 quận, huyện trên địa bàn và thành phố Thủ Ðức.

Ngoài ra, thành phố có kế hoạch thực hiện "50 thư viện thông minh tặng học sinh thành phố", nâng cấp 50 thư viện số - mô hình thư viện đang triển khai trong hệ thống giáo dục thành phố để trang bị sách giấy, sách điện tử, sách nói và danh mục các thiết bị hiện đại chuyên dùng trong dạy và học trong nhà trường.

Chương trình sẽ góp phần to lớn trong việc thúc đẩy thói quen đọc sách, phát triển tư duy, kỹ năng của thanh thiếu nhi, là nền tảng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai n