Tạo tâm lý thoải mái cho học sinh ôn thi vào lớp 10

Thời điểm này, học sinh lớp 9 các trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội bước vào giai đoạn ôn thi “nước rút” để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới. Kỳ thi được đánh giá là khá áp lực, nhất là khu vực các quận nội thành, vì vậy, các trường cần tạo không khí thoải mái, giúp học sinh ôn thi hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ ôn thi của học sinh lớp 9, Trường THCS Ba Đình (Hà Nội).
Giờ ôn thi của học sinh lớp 9, Trường THCS Ba Đình (Hà Nội).

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là chặng đường ôn thi “nước rút” của học sinh lớp 9 với nhiều áp lực. Có con học lớp 9, Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), anh Nguyễn Anh Quân tâm sự, mặc dù kỳ thi vào lớp 10 năm nào cũng “nóng” nhưng gia đình không đặt quá nhiều áp lực lên con, mà luôn động viên con học hành nghiêm túc, bám sát bài giảng của thầy, cô giáo và nỗ lực để đạt kết quả cao.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Hà Nội dự kiến tăng khoảng 5.000 học sinh so với năm học trước. Do vậy, việc giành được suất học tại trường THPT công lập, nhất là trường ở quận nội thành thật sự khó khăn, đẩy áp lực của kỳ thi lên cao.

Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Nghĩa, có con học tại Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) chia sẻ, anh đã đọc và tìm hiểu kỹ các văn bản tuyển sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành. Gia đình luôn đặt mục tiêu con thi đỗ trường công lập, nhưng cũng tìm trường tư thục để con có phương án dự phòng. Để con cân bằng giữa việc học và giải trí, gia đình anh Nghĩa còn thường xuyên đưa con đi chơi mỗi dịp cuối tuần để tạo không khí thoải mái.

Cô giáo Lê Thị Bình Minh, Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho rằng, áp lực của kỳ thi vô cùng lớn và đến từ nhiều phía. Đó có thể là sự nỗ lực, kỳ vọng rất lớn của các em cho mục tiêu của mình, sự kỳ vọng của gia đình. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường ôn luyện kiến thức, giúp học sinh bù đắp những lỗ hổng còn thiếu sót, các thầy, cô giáo còn tăng cường hỗ trợ tâm lý, nắm được tâm tư, nguyện vọng, sẵn sàng giải đáp thắc mắc, giúp các em giảm lo âu, căng thẳng trước kỳ thi.

Là trường ở vùng nông thôn, nhưng công tác ôn thi cũng diễn ra khẩn trương, nghiêm túc. Theo cô giáo Nguyễn Thị Bách Diệp, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Thanh Lâm A (huyện Mê Linh), đây là thời điểm học sinh ôn thi khá gấp rút, căng thẳng. Vì vậy, giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn tạo động lực, tổ chức các trò chơi để các em bớt căng thẳng, cố gắng ôn thi hiệu quả.

Theo cô Diệp, mỗi năm việc ôn tập sẽ khác nhau vì phụ thuộc vào nhận thức cũng như năng lực học sinh. Đối với những học sinh có học lực khá, cô sẽ dạy với tốc độ nhanh, học sinh học kém hơn thì có biện pháp rèn luyện từ từ để các em nắm được kiến thức cơ bản nhất. Những năm gần đây, đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có tính mở, cho nên trong các buổi học chiều và học thêm, cô luôn cố gắng hướng dẫn học sinh nắm được những yêu cầu căn bản nhất của dạng đề thi mở. Qua đó, học sinh từng bước làm quen và nâng cao lên thành kỹ năng khi làm bài.

Bên cạnh đó, sau khi hết giờ ôn thi, những học sinh có lực học trung bình, hoặc có nhu cầu cô Diệp cũng như nhiều giáo viên đều vui vẻ ở lại bồi dưỡng thêm miễn phí cho các em.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Lâm A cho biết, căn cứ nguyện vọng của học sinh và điều kiện thực tế, trường đã và đang tổ chức ôn tập các môn thi vào lớp 10 nhằm củng cố lại những kiến thức trong phạm vi chương trình cũng như mở rộng kiến thức phù hợp cho học sinh. Đồng thời, rèn cho học sinh tư duy lập luận logic, kỹ năng làm bài, nhất là phương pháp tự học để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.

Theo cô giáo Đặng Thị Ngọc Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình, đây là năm cuối học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Vì vậy, trong công tác chỉ đạo, tổ chức dạy học, ôn tập, trường luôn bám sát yêu cầu của kỳ thi cũng như chương trình giáo dục phổ thông. Thực tế nhiều năm cho thấy yêu cầu đặt ra đối với mỗi trường là nâng cao chất lượng dạy học và thi vào lớp 10 hiệu quả. Trường cố gắng, duy trì chất lượng thi vào lớp 10 năm nay bằng hoặc cao hơn năm trước.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, phòng giáo dục luôn khuyến khích các trường phân loại trình độ học sinh để có biện pháp ôn tập phù hợp; phấn đấu nâng cao tỷ lệ thi đỗ vào lớp 10. Trong quá trình ôn tập, các trường cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá nhằm điều chỉnh nội dung và phương pháp ôn tập, giúp học sinh học tập tiến bộ; tăng cường công tác kiểm tra khảo sát, tổ chức thi thử đối với học sinh khối 9 tại trường hoặc theo cụm trường để các em làm quen các dạng đề, hình thức thi, chuẩn bị hành trang kiến thức và tâm thế tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Hà Nội dự kiến tăng khoảng 5.000 học sinh so với năm học trước. Do vậy, việc giành được suất học tại trường THPT công lập, nhất là trường ở quận nội thành thật sự khó khăn, đẩy áp lực của kỳ thi lên cao.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2024-2025, thành phố tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm đủ chỗ học, đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh. Thành phố hiện có nhiều loại hình trường để học sinh tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn, bao gồm trường công lập, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng. Trong các loại hình trường, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024-2025 vẫn chiếm khoảng hơn 60%.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 tại Hà Nội sẽ diễn ra ngày 8 và 9/6 với 3 môn thi: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Trong đó, môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm.Hà Nội đã phân chia làm 12 khu vực tuyển sinh theo địa giới hành chính. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng.