Tạo sự đồng thuận khi triển khai dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, các đơn vị đang khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu khởi công công trình vào quý III 2018, nhằm hoàn thành dự án đúng tiến độ, góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm Hà Nội.

Tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
Tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Từ nhiều năm nay, vào giờ cao điểm, luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Đê La Thành. Nhất là từ khi đường vành đai 1, đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu hoàn thành, đã tạo áp lực giao thông rất lớn lên đường Đê La Thành, đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục, khiến tuyến đường tắc nghẽn thường xuyên. Hằng ngày phải đi qua tuyến đường này đến chỗ làm, chị Phạm Thị Đào, nhà ở phố Nguyễn Lương Bằng, công tác tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình cho biết: Đoạn đường Đê La Thành, từ Hoàng Cầu đến Nguyễn Chí Thanh không chỉ nhỏ hẹp, mà còn bị nhiều cửa hàng kinh doanh cơ khí, đồ gỗ lấn chiếm mặt đường để sản xuất, kinh doanh; ô-tô, xe máy chở hàng dừng đỗ bừa bãi, gây cản trở giao thông. Vào giờ cao điểm, có hôm, chị phải mất gần một giờ đồng hồ mới vượt qua được quãng đường chỉ dài khoảng 1.500 m. Vì thế, chị rất mừng khi biết thông tin thành phố chuẩn bị đầu tư mở rộng đoạn đường này.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, có chiều dài gần 2.280 m, rộng 50 m, bao gồm cả hai cầu vượt tại nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh. Tổng diện tích đất phục vụ dự án gần 160 nghìn m2, dự án cần giải phóng mặt bằng liên quan đến gần 2.330 hộ dân, trong đó gần 2.240 trường hợp được bố trí tái định cư. Để chủ động bố trí chỗ ở cho người dân, thành phố đã dự kiến năm địa điểm tái định cư tại khu đô thị Nam Trung Yên, khu tái định cư Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Tổ hợp nhà ở, thương mại Cầu Giấy, dự án CT3, CT4 Xuân La (quận Tây Hồ) và khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm). Tổng mức đầu tư dự án gần 7.780 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 6.000 tỷ đồng, giá trị xây lắp là 785 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội - chủ đầu tư dự án, cho biết, chỉ giới đường đỏ tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy, đoạn Ô Chợ Dừa - Voi Phục, tỷ lệ 1/500, đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 1999. Do nguồn vốn đầu tư quá lớn, thành phố đã thực hiện đầu tư theo lộ trình từng dự án, trong đó các đoạn: Ô Đông Mác - Kim Liên, Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái được thi công những năm trước, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư đoạn cuối tuyến đường vành đai 1, đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục. Mục tiêu là nhằm hoàn thiện tuyến đường vành đai 1 của thành phố Hà Nội, chạy từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy theo quy hoạch, kết nối các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng, tăng diện tích đường giao thông, góp phần giải tỏa ùn tắc khu vực trung tâm Hà Nội. Điểm mới của dự án này là cùng với việc thi công tuyến đường, thành phố sẽ đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, trồng cây xanh, nhằm tạo cảnh quan đô thị và giải quyết nhu cầu về giao thông tĩnh tại phần dải đất xen kẹt rộng từ 8 đến 12 m nằm giữa đường vành đai 1 và đường Đê La Thành, đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ với diện tích khoảng 6.083 m2.

Đây là dự án quy mô lớn, thuộc nhóm A, tiến độ thực hiện từ năm 2017 đến 2020 và là dự án có số hộ cần giải phóng mặt bằng lớn nhất trong các dự án giao thông đô thị từng triển khai tại Hà Nội. Để bảo đảm tiến độ, ngay trong quý I-2018, Ban Quản lý đã phối hợp các đơn vị hoàn thành thiết kế cơ sở, lấy ý kiến cộng đồng dân cư để trình phê duyệt dự án; đồng thời tiến hành đo đạc, xác định giá đất, giá nhà tái định cư, tập trung giải phóng mặt bằng khu vực hai cầu vượt trước, phấn đấu thi công hai cầu vượt trong quý III, phần đường trong quý IV năm nay.

Tuy nhiên, hiện nay, trong tổng số gần 2.330 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng còn 139 hộ nằm trên dải đất xen kẹt giữa đường Đê La Thành và đường vành đai 1 (mới) có tổng diện tích hơn 6.000 m2, thuộc địa bàn phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, chưa đồng thuận với việc thu hồi đất để xây dựng bãi đỗ xe và trồng cây xanh. Lý do người dân đưa ra là khu vực này không nằm trong quy hoạch mở đường.

Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho biết: theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và bản đồ quy hoạch sử dụng đất quận Đống Đa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2000, phần đất xen kẹt giữa đường vành đai 1 và đường La Thành được quy hoạch là khu vực trồng cây xanh và bãi đỗ xe. Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và bản đồ quy hoạch sử dụng đất phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cũng thể hiện phần đất có chức năng này. Vì thế, việc thực hiện dự án đồng bộ cả phần đường và bãi đỗ xe, cây xanh sẽ bảo đảm hiệu quả đầu tư và tạo mỹ quan đô thị.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do khối lượng số hộ dân cần di dời rất lớn, nhưng thành phố sẽ quyết tâm thực hiện dự án đúng tiến độ. Trong quá trình này, các đơn vị cam kết thực hiện đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng cải thiện chỗ ở, sớm ổn định cuộc sống.

Việc thực hiện dự án này là công việc rất cần thiết, nhằm hoàn thiện đồng bộ toàn tuyến, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thành phố cần chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, tổ chức đối thoại với người dân, làm rõ căn cứ pháp lý của việc thu hồi phần diện tích nằm giữa đường vành đai 1 và đường Đê La Thành làm bãi đỗ xe, trồng cây xanh. Đồng thời, nghiên cứu, vận dụng các chính sách linh hoạt, có lợi nhất cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng, ưu tiên những trường hợp tự nhận tiền để tái định cư, để dự án được triển khai thông suốt, không tạo thành điểm nóng, gây mất ổn định về an ninh trật tự ở Thủ đô.