Tạo sự đồng thuận cao trong dân ở các công trình trọng điểm

Nhằm tạo đà phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Trung ương đã triển khai các dự án đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Long Thành-Dầu Giây đi qua tỉnh Long An.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tân Bửu, huyện Bến Lức (Long An) làm thủ tục nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Người dân xã Tân Bửu, huyện Bến Lức (Long An) làm thủ tục nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Với ý nghĩa đó, tỉnh Long An đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tháo gỡ nút thắt, khai mở hệ thống giao thông tại cửa ngõ miền Tây Nam Bộ.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An Đặng Hoàng Tuấn, tỉnh hiện có các dự án trọng điểm của Trung ương đi qua gồm đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Long Thành-Dầu Giây; các công trình trọng điểm của tỉnh như đường tỉnh 830E (đường song hành đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh); dự án tạo quỹ đất để bố trí tái định cư đường tỉnh 830E,...

Dự án vành đai 4 có phạm vi đi qua địa bàn năm địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, có chiều dài khoảng 200km, riêng tỉnh Long An đảm nhiệm thực hiện từ đoạn kênh Thầy Cai-Hiệp Phước (đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) qua huyện Cần Giuộc, Bến Lức có chiều dài khoảng 71km.

Hiện tại, các địa phương thuộc phạm vi dự án đang khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với từng đoạn tuyến được Thủ tướng Chính phủ giao và thống nhất kế hoạch đến cuối năm 2023 sẽ trình Trung ương thông qua chủ trương đầu tư.

Để có mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công theo đúng chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Long An đã quán triệt trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, dự án thành phần 8, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện Bến Lức, có chiều dài 6,84km, với 400 hộ dân các xã Mỹ Yên, Tân Hòa, Tân Bửu bị thu hồi 43,33ha; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 950 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, địa phương phải giao mặt bằng trong tháng 6/2023 để khởi công đoạn qua địa phận Long An.

Hiện tại, huyện Bến Lức đã ban hành 319 thông báo thu hồi đất tới người dân bị ảnh hưởng, phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 cho 337 hộ dân, tổng diện tích thu hồi 37,8ha với tổng số tiền 678,8 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 281 trong tổng số 337 hộ dân nhận tiền, đạt 82% kế hoạch và đã phê duyệt phương án bồi thường đợt 2 cho các hộ dân còn lại.

Ông Phạm Văn Út, ấp 5, xã Tân Bửu, gia đình có gần 2.000m2 đất trồng lúa hai vụ bị ảnh hưởng cho biết: “Khi hiểu ý nghĩa của dự án đường vành đai 3 là chủ trương lớn của Chính phủ trong việc tháo nút giao thông ngay khu vực cửa ngõ Long An để tạo đà phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gia đình tôi đã phối hợp cán bộ địa chính trong việc đo đạc, kiểm kê cây trồng, tài sản trên đất. Gia đình tôi đã nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay trong đợt 1, với tổng số tiền hơn 7,8 tỷ đồng, sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thi công”.

Cũng tại ấp 5, xã Tân Bửu, ông Phạm Hồng Lĩnh có gần 6.515 trong tổng số 8.000m2 đất trồng lúa hai vụ bị ảnh hưởng bởi dự án cho biết: “Gia đình tôi đồng thuận và tiến hành các thủ tục liên quan để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án hợp lý, chính quyền bố trí nơi ở mới đầy đủ, công khai, minh bạch. Hiện tại, hộ gia đình tôi đã nhận tiền bồi thường và sẵn sàng giao đất cho đơn vị thi công”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Bửu Lê Đình Mười, đường vành đai 3 đi qua địa bàn xã dài hơn 4,8km, ảnh hưởng 316 hộ dân.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 251 trong số 256 hộ dân nhận tiền bồi thường đợt 1, đạt 86% kế hoạch; các hộ còn lại sẽ nhận tiền trong đợt 2, bảo đảm trong tháng 6/2023 sẽ giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công khởi công dự án.

Cách làm của xã là vận động đảng viên thực hiện trước; kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể làm tốt việc bàn giao, giải phóng mặt bằng. Qua hệ thống truyền thanh xã, chính quyền tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa của dự án, huy động cán bộ đi từng nhà, phân tích cho người dân hiểu lợi ích thiết thực của dự án, đồng thuận nhận tiền, giao đất.

Tuy nhiên, xã đang gặp khó khăn khi giải quyết cho một số hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp của người thân, không đủ điều kiện để bố trí nền tái định cư, trong khi tiền bồi thường, hỗ trợ di dời lại không đủ mua lại nơi ở mới. Những trường hợp này, người dân kiến nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ mua nền tái định cư với giá ưu đãi, trả chậm.

Bí thư Huyện ủy Bến Lức Trần Hoàng Nhân cho biết: Thời gian qua, Bến Lức tập trung dồn toàn lực cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Huyện đã thành lập Tổ tuyên truyền do Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy làm trưởng ban; Tổ vận động do Trưởng ban Dân vận và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện tham mưu Ban chỉ đạo huyện trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; đồng thời, có chính sách biểu dương những cán bộ, đảng viên, người dân chấp hành tốt chủ trương về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Huyện cũng tổ chức tập huấn, trang bị tài liệu cho 200 người làm công tác tuyên truyền viên về quy trình các bước tiến hành kê biên, thu hồi đất.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị chức năng luôn bảo đảm thông tin công khai, minh bạch về dự án đầu tư, chế độ chính sách liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng và kịp thời giải quyết vướng mắc, phát sinh ngay trong tuần.

Huyện cũng phát động đợt thi đua cao điểm về bồi thường, giải phóng mặt bằng đến cuối năm làm cơ sở đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên; huy động bộ phận chuyên môn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện công việc kể cả ngày lễ, ngày nghỉ,...

Hiện tại, huyện Bến Lức đã giải phóng được hơn 82% diện tích đất bị ảnh hưởng thuộc đường vành đai 3, bảo đảm mặt bằng cho nhà thầu khởi công vào đầu quý III/2023. Đối với đường tỉnh 830E, huyện cũng giải phóng đạt hơn 75% diện tích đất bị ảnh hưởng, nhà thầu đã khởi công xây dựng vào ngày 21/4 vừa qua.

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc Trương Thanh Liêm, huyện có phương án nâng cao vai trò chủ động, quyết liệt của các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhất là bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong vùng dự án.

Trong thời gian qua, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm như khai thác quỹ đất “sạch” dọc đường tỉnh 826D, đường Tân Tập-Long Hậu (đoạn từ vành đai 4 đến đường tỉnh 830).

Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, sớm giao nền tái định cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng tiến độ nhà đầu tư đã cam kết.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được khẳng định: Các dự án trọng điểm như đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng để Long An và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam “cất cánh”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy đã nhiều lần đi kiểm tra, chỉ đạo các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, theo phương châm phải thực hiện nhanh nhất, sớm nhất có thể theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý II/2023, đầu quý III/2023 khởi công, nhằm đạt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông một cách đồng bộ và hiện đại, phục vụ yêu cầu phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như tỉnh Long An.