Tạo nguồn phát triển đảng trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước

Phát triển đảng trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò, sự đóng góp xã hội của doanh nghiệp, vừa khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các cấp ủy ở Hoài Nhơn (Bình Ðịnh) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với ngư dân, thúc đẩy hiệu quả chủ trương tạo nguồn, bồi dưỡng và kết nạp ngư dân vào Ðảng.
Các cấp ủy ở Hoài Nhơn (Bình Ðịnh) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với ngư dân, thúc đẩy hiệu quả chủ trương tạo nguồn, bồi dưỡng và kết nạp ngư dân vào Ðảng.

Xác định rõ quan điểm của Trung ương, với thực tế địa phương, Tỉnh ủy Bình Ðịnh đã triển khai các giải pháp phát triển tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp này. Nhiều cách làm sáng tạo cho kết quả bước đầu. Tuy nhiên, số lượng tổ chức đảng được thành lập chưa thật sự tương xứng tiềm năng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Yêu cầu tất yếu, khách quan

Thực hiện chủ trương của Ðảng về phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, những năm qua, Tỉnh ủy Bình Ðịnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khôi phục, phát triển kinh tế, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế ngoài nhà nước hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị. Tuy nhiên, số lượng đảng viên mới và chi bộ được thành lập vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chất lượng tổ chức đảng có nơi còn cầm chừng. Việc thu hút công nhân tham gia hoạt động đoàn thể, để tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp Ðảng vẫn luôn là đề bài khó.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hoài Nhơn, Bí thư Thị ủy Phạm Trương cho biết, các định hướng lớn của Thị ủy nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thu hút đầu tư phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng thị xã Hoài Nhơn đạt chuẩn đô thị loại III. Do đó, nhằm tạo nguồn bổ sung đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Thường vụ Thị ủy triển khai kế hoạch "Nâng cao chất lượng kết nạp và quản lý đội ngũ đảng viên nhiệm kỳ 2020-2025", phân chỉ tiêu cho từng tổ chức cơ sở đảng. Công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là chủ đề được bàn thảo kỹ, từng bước tạo chuyển biến từ nhận thức tới hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động. Các tổ chức cơ sở đảng rà soát đối tượng là đoàn viên ưu tú, công nhân, người lao động có thành tích tốt, gương mẫu trong các phong trào, để theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng nhận thức về Ðảng. Các cấp ủy thường xuyên gặp gỡ chủ doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó, giúp chủ doanh nghiệp nhận thấy mối quan hệ hài hòa về trách nhiệm và lợi ích giữa ba bên: Cấp ủy, chủ doanh nghiệp và người lao động, song song xây dựng, củng cố và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng. Từ năm 2021 đến nay, Thị ủy chỉ đạo Trung tâm Chính trị thị xã đến từng doanh nghiệp mở sáu lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật; đã kết nạp 19 công nhân lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp vào Ðảng; thành lập mới hai chi bộ cơ sở ở hai công ty tư nhân trên lĩnh vực xây dựng và chế biến thực phẩm, với 15 đảng viên.

Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, từ năm 2019, Bình Ðịnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân gồm 14 đồng chí, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Các cấp ủy, tổ chức đảng tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng kế hoạch thực hiện.

Theo Bí thư Ðảng ủy Khối Lê Văn Hồng, Ðảng bộ khu Kinh tế tỉnh là đơn vị được chọn làm điểm, bởi có đủ yếu tố ổn định sản xuất, kinh doanh và nguồn nhân lực. Các cơ quan tham mưu, giúp việc Ðảng ủy Khối bám sát tình hình, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể cho cấp ủy, công đoàn, đoàn thanh niên của khu kinh tế, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn. Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh đoàn ký các chương trình phối hợp nhằm thúc đẩy việc xây dựng tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp, làm cơ sở phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng.

Nhân tố quyết định

Lý giải nguyên nhân số lượng tổ chức đảng được thành lập mới trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn hạn chế, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định, lao động biến động thường xuyên, thu nhập của người lao động thấp. Nhưng yếu tố căn cốt và có tính quyết định vẫn là cách làm, là tâm huyết trách nhiệm của các cá nhân được giao nhiệm vụ, sự vào cuộc của cấp ủy, sự hợp tác của chủ doanh nghiệp. Hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể sẽ vẫn khó nếu chủ doanh nghiệp chưa thật sự thấu hiểu.

Trao đổi với Phó Tổng giám đốc, Phó Bí thư Chi bộ Công ty cổ phần Becamex Bình Ðịnh (Ðảng bộ Khu Kinh tế tỉnh) Hà Phúc Duy Sang, chúng tôi được biết, doanh nghiệp vừa có vốn nhà nước, vốn nước ngoài và vốn tư nhân, với gần 200 người lao động. Chi bộ công ty được thành lập tháng 11/2021 với bảy đảng viên. Nhân tố thuận lợi nhất là các lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp đều tham gia chi ủy. Bản thân anh từng là Bí thư Chi đoàn. Do đó, công tác đảng, đoàn thể luôn được quan tâm. Ðến nay, Chi bộ đã có 20 đảng viên, đều là người tham gia các tổ chức đảng, đoàn thể, là nhân tố tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực tế tại Công ty cổ phần Becamex Bình Ðịnh cho thấy, nhiều hoạt động đảng, đoàn thể gắn quyền lợi chính trị với nâng cao đời sống tinh thần, thu hút người lao động tích cực tham gia, qua đó giáo dục, bồi dưỡng các nhân tố tiêu biểu, tạo nguồn phát triển đảng. Ngoài các nội dung bắt buộc, tùy thời điểm, Chi bộ lồng ghép các thông tin thời sự, câu chuyện lịch sử, nhân vật tiêu biểu qua các thời kỳ cách mạng… vừa cập nhật tình hình kinh tế-xã hội, vừa tăng tính giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Có buổi họp chi bộ được thực hiện ngay tại công trường. Ðối với các đảng viên trẻ như Trần Lê Diễm Quyên (sinh năm 1996), hay các đảng viên ở khối sản xuất trực tiếp, họ cảm nhận được sự gần gũi, sẻ chia, tạo động lực chuyển hóa thành hiệu suất lao động, thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Ðảng bộ Chi nhánh Công ty cổ phần Bia Sài Gòn-Miền Trung tại Quy Nhơn, chúng tôi đã gặp những lãnh đạo doanh nghiệp năng động đồng thời là cán bộ cấp ủy tâm huyết. Họ luôn trân trọng truyền thống trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.

Là người đi cùng doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu, đến nay cũng gần 30 năm, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Hoàng Long đã qua những chặng đường phát triển và thay đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo đồng chí, sau khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, tổ chức đảng còn giữ được vai trò hay không phụ thuộc rất nhiều ở vai trò và hoạt động của cấp ủy. Tại Ðảng bộ Chi nhánh, vượt qua nhiều khó khăn, Ðảng bộ luôn giữ vững vị trí nòng cốt trong doanh nghiệp, có sáu chi bộ với 78 đảng viên (so tổng số gần 150 cán bộ, công nhân viên). Tổ chức công đoàn với 145 đoàn viên cũng là một đơn vị mạnh trong Công đoàn Khu kinh tế Bình Ðịnh. Ðoàn thanh niên Chi nhánh công ty với 50 đoàn viên luôn xứng đáng là đội hậu bị của tổ chức đảng, với nhiều người trẻ năng động, sáng tạo.

Hằng năm, phong trào thi đua phát huy sáng kiến luôn là điểm sáng trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong năm 2023, đã có hơn 20 sáng kiến, giải pháp được ứng dụng thực tế. Ðảng bộ luôn duy trì mối quan hệ cấp ủy-doanh nghiệp-người lao động từ đó thúc đẩy nhận thức về hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể. "Ðó là cả quá trình tác động tương hỗ, tạo môi trường để người lao động gắn kết và cống hiến. Ðảng bộ và Ban lãnh đạo doanh nghiệp luôn đồng hành để người lao động cảm nhận nơi làm việc cũng là một gia đình, tạo nội lực để Chi nhánh công ty luôn là một trong những đơn vị nộp ngân sách hàng đầu của tỉnh"-đồng chí Hoàng Long chia sẻ.

Linh hoạt giải pháp

Mở rộng nguồn kết nạp đảng viên, những năm qua, Thị ủy Hoài Nhơn đã thực hiện chủ trương tạo nguồn, bồi dưỡng và kết nạp đảng viên đối với ngư dân, công nhân trên địa bàn thị xã. Ðối với ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo, nếu không bảo đảm tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, thì ít nhất phải hoàn thành chương trình bậc tiểu học. Ðảng ủy xã, phường rà soát quần chúng là ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo đủ điều kiện, xác lập hồ sơ trình Ban Thường vụ Thị ủy xem xét, quyết định kết nạp đảng viên.

Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương cho biết, với hơn 3.500 lao động nghề biển, ngoài phát huy nghề truyền thống, tạo sinh kế, ngư dân còn tham gia bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Ðây là dư địa lớn để tổ chức đảng khơi dậy khát vọng cống hiến, phát huy vai trò của những ngư dân ưu tú. Thị ủy giao các đảng ủy xã, phường tiếp tục rà soát, khảo sát nguồn, chú trọng đến các ngư dân trong 668 tổ đoàn kết khai thác thủy sản. Cùng với phát triển về số lượng, phải chú trọng chất lượng và thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, quy trình, thủ tục kết nạp Ðảng.

Mới đây, Thị ủy Hoài Nhơn đã tổ chức lớp học cảm tình Ðảng cho 75 học viên là ngư dân thường xuyên bám biển, vươn khơi. Gặp gỡ hai học viên cao tuổi nhất, Bùi Thanh Mến, 53 tuổi và trẻ tuổi nhất, Nguyễn Thanh Thế, 18 tuổi, chúng tôi cảm nhận tình yêu quê hương, yêu biển, yêu nghề. Ở họ đều chung mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Ðảng, mang tinh thần của Ðảng và niềm tự hào về chủ quyền biển đảo để vững vàng ngoài khơi xa, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế trong đánh bắt xa bờ.

Tính đến giữa năm 2023, toàn tỉnh Bình Ðịnh đã có 255 tổ chức đảng được thành lập trong các đơn vị kinh tế tư nhân, với 5.403 đảng viên. Giai đoạn 2019-2022, đã kết nạp 879 đảng viên mới, trong đó có 37 đảng viên là người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tuy nhiên, so với 6.355 đơn vị kinh tế tư nhân đang hoạt động trên địa bàn, đó vẫn còn là con số hạn chế.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, Bình Ðịnh nuôi dưỡng khát vọng trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền trung và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế, có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị phát triển theo hướng thông minh, kết nối thuận tiện với các vùng, cả nước và quốc tế.

Ðứng trước cơ hội và thách thức, công tác phát triển đảng tại Bình Ðịnh tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn. Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh Hồ Quốc Dũng, phải làm thật tốt công tác phát triển đảng viên để thu hút những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực, trí tuệ vào Ðảng; tăng cường sức mạnh để xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiến hành công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ quần chúng vào Ðảng, coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm.