Tạo nguồn nguyên liệu thủy sản

Hầu hết các doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long phải hoạt động cầm chừng. Dự báo, việc tăng nguồn cung nguyên liệu chế biến trong thời gian ngắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu có thể kéo dài hết năm 2010, đặc biệt với một số loại thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra...

Nguyên nhân trước hết là do giá nguyên liệu thủy sản tăng cao trong thời gian gần đây khiến các hộ nuôi đẩy mạnh thu hoạch, không dự trữ nhiều. Thứ hai là do những biến động về giá cả nguyên liệu thủy sản nên nhiều người dân đã chuyển từ nuôi trồng thủy sản sang trồng cây ăn quả, trồng màu ổn định hơn khiến diện tích nuôi thủy sản tại nhiều địa phương đang có xu hướng giảm rõ rệt. Trong khi đó, công suất của các nhà máy chế biến thủy sản lại không ngừng được nâng cao, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Mặt khác, những năm trước đây, nhiều doanh nghiệp khi đến mùa thường trữ nguyên liệu nhằm ổn định sản xuất khi vào thời điểm trái vụ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nên không tính đến việc dự trữ, mà chỉ duy trì nguồn nguyên liệu ở mức vừa phải để đáp ứng những đơn hàng đã ký.

Tình trạng thiếu nguyên liệu thủy sản đang đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào tình thế không hoàn thành hợp đồng. Ðồng thời nhiều lao động không có việc làm. Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 cũng khó đạt được như kỳ vọng là 4,5 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD so với năm 2009.

Ðể khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng nên nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để bảo đảm nguồn hàng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, phải tính đến việc quy hoạch vùng nuôi một cách bền vững, không để tình trạng vùng nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mang tính quảng canh như hiện nay. Cần quy hoạch lại vùng nuôi tập trung quy mô lớn theo mô hình công nghiệp. Có thể quy tụ người nuôi vào hợp tác xã hay tổ hợp tác để dễ đầu tư về thủy lợi, giống, chăm sóc, thu hoạch... Trong trường hợp chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung thì các doanh nghiệp cần liên kết với các hộ nuôi có năng lực để hình thành vùng nuôi rộng hàng trăm héc-ta. Doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản phải cùng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật và thu mua sản phẩm theo giá thị trường, bảo đảm quan hệ cung- cầu hợp lý để cùng có lợi.