Tạo nguồn lực phát triển văn học, nghệ thuật (Tiếp theo kỳ trước)

Bài 2: Câu chuyện xã hội hóa

Để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật không thể chỉ trông chờ duy nhất vào “bầu sữa” Nhà nước mà rất cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần vào các hoạt động văn học, nghệ thuật. Thực tế này đòi hỏi sự nhập cuộc chủ động, tích cực của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mong muốn đóng góp, cống hiến cho nền văn hóa nước nhà.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, khi đề cập đến những giải pháp cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một vài yêu cầu về công tác quản lý nhà nước, đó là: “Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa”.

Những yêu cầu này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể nói, được dẫn chiếu từ một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề “xã hội hóa”. Cụ thể là Nghị quyết số 90-CP của Chính phủ, ngày 21/8/1997, về “Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa”. Đây chính là cơ sở để thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật, lĩnh vực vẫn luôn được xem là quan trọng, tinh tế và nhạy cảm bậc nhất của văn hóa.

Tính từ thời điểm Nghị quyết 90-CP được ban hành và đi vào thực tiễn đến nay, một phần tư thế kỷ trôi qua, việc thực hiện xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật, nhất là ở khâu “khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa” như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư đã được triển khai, mang lại những hiệu quả trên thực tế.

Trước hết, phải nhắc lại một thực tế: ngay sau khi chủ trương xã hội hóa được ban hành, đã xuất hiện và lan truyền một làn sóng lo lắng bất an tại nhiều đơn vị văn học, nghệ thuật công lập, cả Trung ương lẫn địa phương. Nhiều người vẫn hiểu xã hội hóa theo một nghĩa duy kinh tế cạn hẹp: Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý hành chính và tư tưởng đối với các đơn vị văn học, nghệ thuật, còn nguồn ngân sách công sẽ bị rút giảm đến tối đa, các nghệ sĩ sẽ phải tự bươn chải để thực hành nghệ thuật và để sống.

Cũng xuất hiện một cách hiểu khác: xã hội hóa đồng nghĩa với tư nhân hóa; tức là, hoạt động văn học, nghệ thuật từ nay sẽ được bung ra trong một nền kinh tế nhiều thành phần, ai muốn tham gia cũng được. Những cách hiểu như vậy không đúng với mục đích bản chất của việc xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật. Ở phương diện này, có thể tham khảo quan điểm khá đầy đủ của nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh trong bài viết “Về xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay”, đó là: “Xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật là đánh thức các tiềm năng của xã hội, nghĩa là không chỉ huy động sự đóng góp về kinh phí mà còn phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân, biến các hoạt động văn học, nghệ thuật trở thành công việc, niềm quan tâm và nuôi dưỡng của toàn xã hội” (Tạp chí Cộng sản, tháng 11/2019).

Theo cách hiểu như vậy thì xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật không hề đồng nghĩa với sự “bớt đi” nguồn lực nhà nước, mà thực chất là mở ra để mời gọi sự “thêm vào” đầy tính năng động, tích cực của các nguồn lực ngoài nhà nước, cả về kinh phí và tiềm năng sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Thực tế của một phần tư thế kỷ thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật, về cơ bản đã diễn ra như dự kiến của những người kiến tạo chủ trương. Hãy nhìn trước hết từ chính các đơn vị văn học, nghệ thuật công lập. Nhờ có chủ trương xã hội hóa như một sự “cởi trói” về cơ chế, nhiều đơn vị đã nhanh chóng từ mảnh ruộng phần trăm nhỏ bé mà Nhà nước giao cho để vươn ra bên ngoài, tìm kiếm các quan hệ, dẫn dụ các nguồn lực đa dạng đổ về mình, tạo thêm nhiều khối lượng công việc mới, mạnh mẽ và giàu hiệu quả.

Thí dụ, trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, chúng ta thấy có Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh... là những đơn vị đã rất biết cách mời gọi, khai thác nguồn lực từ các tổ chức, các quỹ văn hóa, các dự án hỗ trợ nghệ thuật nước ngoài, cả về tiền bạc và con người, để làm phong phú thêm và nâng cao hơn chất lượng các chương trình, kịch mục biểu diễn của mình. Thí dụ, trong lĩnh vực văn học-xuất bản, ta thấy những đơn vị xuất bản năng động như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng hay Nhà xuất bản Phụ Nữ... đã đẩy mạnh việc liên kết với các trung tâm văn hóa, các dự án quảng bá văn học nước ngoài, các sứ quán, các tập đoàn xuất bản quốc tế, để khai thác bản quyền dịch và in các tác phẩm văn học nước ngoài có giá trị nghệ thuật cao, hoặc các tác giả đang ăn khách trên thế giới.

Dĩ nhiên ở đây cần lưu ý một điểm: những đơn vị văn học, nghệ thuật công lập được nêu ra ở trên là những đơn vị biết cách lấy xã hội hóa làm bàn đạp để vượt lên mạnh mẽ, nhưng đó chỉ là số ít, số nhiều vẫn là những đơn vị làm việc theo chỉ tiêu, thiếu sức sáng tạo, không hiệu quả, không có những đóng góp thiết thực cho xã hội và cho sự phát triển chung của văn học, nghệ thuật. Trên ý nghĩa đó, có thể nói, xã hội hóa văn học, nghệ thuật chính là một phép thử đối với năng lực của các đơn vị văn học, nghệ thuật công lập.

Nhưng thành tựu nổi bật và đáng kể hơn cả của việc thực hiện xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật thời gian qua lại nằm ở những nhân tố mới, ngoài công lập: các sân khấu xã hội hóa, các hãng phim tư nhân, các công ty sách tư nhân, các công ty tổ chức biểu diễn ca múa nhạc, các hãng băng đĩa nhạc tư nhân, các công ty tư vấn thiết kế kiến trúc... Tiêu biểu như: trong lĩnh vực sân khấu, nếu ở phía bắc về cơ bản vẫn là “sàn diễn” của các đơn vị sân khấu công lập, thì ở phía nam, cột trụ và linh hồn thật sự của sân khấu chính là các sân khấu xã hội hóa, tức sân khấu tư nhân. Sân khấu IDECAF, Kịch Sài Gòn, Kịch Phú Nhuận... vận hành hoàn toàn bằng nguồn vốn của các tư nhân và bằng tiền mua vé vào rạp của công chúng đô thị, ấy mới đích xác là lựa chọn cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của khán giả miền nam. Họ làm sân khấu nghiêng về tính giải trí, quy mô nhỏ gọn, song cũng không thiếu những vở diễn quy mô lớn, đẫm đặc sự mê dụ của tính chất hàn lâm.

Trong lĩnh vực điện ảnh: kể từ nửa sau của chặng một phần tư thế kỷ thực hiện xã hội hóa văn học, nghệ thuật, tức từ khoảng năm 2010, về số lượng mỗi năm, phim do các hãng phim tư nhân sản xuất đã ngang bằng, rồi lấn lướt áp đảo phim do các hãng phim nhà nước sản xuất, và mấy năm gần đây, nói đến phim truyện điện ảnh Việt Nam tức là nói đến phim tư nhân. Tất nhiên phim tư nhân làm ra thì có cả hay lẫn dở, phim dở thì có khi trở thành thảm họa điện ảnh hài nhảm, nhưng hầu hết phim đoạt các giải thưởng điện ảnh trong nước hoặc giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế đều là phim của các hãng tư nhân.

Trong lĩnh vực văn học-xuất bản: các công ty sách tư nhân như Alpha Books, Nhã Nam, Đông A, Tao Đàn... bằng nguồn lực riêng có của mình, họ chủ động áp sát thị trường, chủ động khai thác bản quyền các sáng tác phẩm, dịch phẩm trong nước và nước ngoài, chủ động trong khâu biên tập, in ấn, phát hành, và ghi dấu ấn về sự phát triển ngoạn mục trên thị trường sách. Nghĩa là, các nhà xuất bản nhà nước, nếu không mạnh mẽ và tích cực thì chỉ còn thực hiện đúng một chức năng là cấp giấy phép xuất bản cho các công ty sách tư nhân.

Một lĩnh vực không thể không nhắc đến khi nói câu chuyện xã hội hóa văn học, nghệ thuật, là lĩnh vực mỹ thuật. Các doanh nghiệp, các tư nhân đã tham gia hết sức tích cực, có nhiều đóng góp lớn vào sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong những năm qua. Có thể lấy hai thí dụ. Thứ nhất: hoạt động của các phòng tranh (gallery). Đây chính là nhân tố giữ vai trò môi giới, kết nối giữa người sáng tác và công chúng mỹ thuật. Thị trường mỹ thuật được mở ra, phát triển sôi động, họa sĩ có thể bán được tranh, trước hết là nhờ các phòng tranh. Dĩ nhiên có không ít phòng tranh vì lợi nhuận đã tiếp tay cho nạn tranh giả, tranh chép, làm xấu đi hình ảnh của mỹ thuật Việt Nam.

Nhưng vẫn có đó những phòng tranh uy tín không chỉ là một địa chỉ buôn bán tranh bình thường, mà còn nỗ lực tìm kiếm, phát hiện, nâng đỡ, giới thiệu các họa sĩ giàu tiềm năng nhưng chưa được ai biết đến ra với công chúng trong nước và nước ngoài. Thứ hai: sự vào cuộc của các doanh nghiệp, thậm chí các tập đoàn kinh tế tư nhân trong các dự án nghệ thuật, có thể kể đến như dự án “Nghệ thuật trong rừng”, “Bảo tàng mỹ thuật ngoài trời”…

Nhưng chính ở lĩnh vực mỹ thuật, chúng ta thấy đã phát lộ một vấn đề trong câu chuyện xã hội hóa văn học, nghệ thuật, câu chuyện “khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa”, như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với những cá nhân, doanh nghiệp có các hoạt động ý nghĩa cho phát triển văn hóa đất nước, cho nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của toàn xã hội, thì họ có được hưởng một sự ưu đãi, một sự tạo điều kiện thuận lợi nào không để có thể tiếp tục đầu tư một cách mạnh mẽ và hiệu quả cho văn học, nghệ thuật? Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có một chính sách nào cụ thể, chi tiết cho hoạt động ấy. Chính vì thế, đây là một vấn đề thiếu, khi nhìn vào việc thực hiện xã hội hóa văn học, nghệ thuật ở Việt Nam suốt một phần tư thế kỷ qua.

Thực tế này cho thấy, để cụ thể hóa chủ trương “khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa” không chỉ đòi hỏi sự năng động của ngành văn hóa mà còn cần một sự khơi thông về chính sách và sự nhập cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mong muốn đóng góp, cống hiến cho nền văn hóa nước nhà.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 19/4/2022.

(Còn nữa)