Tạo nền tảng giúp giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất vươn lên

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ngoài nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ giáo viên thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng góp phần quan trọng thực hiện đổi mới thành công. Vì vậy, những năm qua, Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) được triển khai nhằm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giúp các trường vùng khó khăn vươn lên, đổi mới hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường trung học cơ sở Phú Lương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) đọc sách tại phòng thư viện được đầu tư mới.
Học sinh Trường trung học cơ sở Phú Lương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) đọc sách tại phòng thư viện được đầu tư mới.

Phòng học bộ môn Hóa Sinh, Trường THCS Phú Lương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) hiện đã được trang bị đầy đủ trang thiết bị tiên tiến, đáp ứng nhu cầu đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trước đây khi chưa có phòng học bộ môn này, trong giờ thực hành các giáo viên thường “dạy chay” tốn khá nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả không cao. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lương Dương Đức Thoan, sau khi được đầu tư mới bốn phòng học và hai phòng bộ môn theo chương trình Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất, các hoạt động giáo dục của trường ngày một hiệu quả, nhất là các hoạt động thí nghiệm, thực hành trở nên thực tế hơn, không còn khô khan, chỉ có lý thuyết. Các phòng học mới và phòng bộ môn đã giúp thầy và trò nhà trường nâng cao chất lượng dạy, học.

Trong khi đó, tại Trường THCS Phú Xuân (huyện Phú Vang), đã có khu nhà bốn phòng học kiên cố kiêm khu vực tránh lũ. Trước đây cứ đến mùa mưa, thầy và trò rất vất vả vì trường bị ngập sâu trong nước nhiều ngày, ảnh hưởng lớn đến trang thiết bị và công tác dạy học. Cô giáo Nguyễn Thị Tình, giáo viên Trường THCS Phú Xuân cho biết, đặc điểm địa hình của địa phương là thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa. Tòa nhà xây dựng theo Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất khá thoáng mát, rộng rãi vừa là phòng học, vừa phục vụ cho việc tránh lũ không chỉ của giáo viên, học sinh mà còn cho người dân trong vùng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm qua, địa phương được Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất đầu tư xây dựng 38 phòng học, năm phòng bộ môn và hai phòng thư viện tại tám trường THCS thuộc năm huyện, thị xã. Ngoài ra, dự án cũng cung cấp nhiều trang thiết bị cho các trường như bàn ghế, tủ, thiết bị dạy học, bảng chống lóa, máy in, màn hình đa chức năng... Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đều mới, bảo đảm quy chuẩn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các trường. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân cho biết, dự án đã hỗ trợ địa phương nhiều công trình, tổ chức các hoạt động dạy học trong nhà trường, mang lại niềm hạnh phúc cho các em học sinh, các thầy, cô giáo. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 5 năm tới, dự kiến có khoảng 30 nghìn học sinh mỗi năm học và cán bộ giáo viên tiếp tục được hưởng lợi từ công trình xây dựng và các trang thiết bị do dự án cung cấp.

Không chỉ ở tỉnh Thừa Thiên Huế, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, những năm qua ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh luôn được quan tâm đầu tư cho nên có những bước phát triển khá toàn diện. Trong đó, nhiều chương trình, dự án của các bộ, ngành, đơn vị cũng được triển khai góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh. Điển hình là Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất đã đầu tư cơ sở vật chất phòng học, phòng thí nghiệm, phòng nội trú, trang thiết bị hỗ trợ dạy học tại vùng sâu, vùng xa sáu huyện của tỉnh, đã đáp ứng được mục tiêu hỗ trợ cho giáo dục; giúp rút ngắn khoảng cách giáo dục vùng khó khăn với vùng phát triển của tỉnh.

Ông Phạm Xuân Luận, trợ lý giám sát, đánh giá Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất cho biết, mục tiêu của dự án nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục THCS cho học sinh ở những khu vực khó khăn; hỗ trợ thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh THCS đi học đúng độ tuổi. Đến nay, dự án đã hoàn thành xây dựng 747 phòng học, hỗ trợ cho 212 trường vùng khó khăn của 28 tỉnh. Việc xây dựng các phòng học bảo đảm đúng các chính sách về môi trường và an sinh xã hội. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng học sinh tại khu vực khó khăn, dân tộc thiểu số bỏ học nhiều do trường, lớp xa nhà, đi lại khó khăn vì địa hình cách trở, thời tiết khắc nghiệt dẫn đến không thể đi về trong ngày, dự án đã hoàn thành xây dựng 358 phòng bán trú, xây dựng 34 bếp ăn; 46 nhà vệ sinh chung, 50 nhà vệ sinh cho học sinh bán trú của 212 trường. Dự án cũng đầu tư thiết bị cho 86 thư viện xây mới và bổ sung cho 810 phòng thư viện hiện có; 125 phòng học bộ môn xây mới và khoảng 666 phòng học bộ môn hiện có. Dự án cũng trang bị thiết bị hỗ trợ công tác tập huấn thường xuyên giáo viên THCS cho khoảng 135 cơ sở giáo dục và khoảng 344 cụm trường… Các thiết bị phòng học trực tuyến, thí nghiệm, thư viện được cung cấp hiện đại và chất lượng cao, là sản phẩm của các nhà sản xuất có uy tín trên thị trường quốc tế. Việc hướng dẫn, tập huấn sử dụng, bảo hành, bảo dưỡng các trang thiết bị được thực hiện để bảo đảm sử dụng lâu dài.

Kết quả quá trình đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường THCS vùng khó khăn nhất đạt hiệu quả cao, giúp tăng cơ hội tiếp cận với giáo dục THCS và duy trì số lượng học sinh dân tộc thiểu số, trẻ em gái, trẻ em gặp khó khăn ở các trường THCS vùng trung du và miền núi phía bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, những nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ được đến trường. Theo dữ liệu thống kê năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi tăng mạnh ở tất cả các khu vực thuộc dự án. Với số phòng học, phòng bán trú đã được xây dựng, trang bị đầy đủ thiết bị, giúp các trường THCS thụ hưởng sử dụng hiệu quả cho 92.219 học sinh, trong đó có 7.652 em được ở bán trú. Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư hiện đại, phù hợp với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo và học sinh thích ứng nhanh với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đạt kết quả cao ■