Tạo lực đẩy thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

Nhiều tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, là cơ sở để thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đó còn là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh một đô thị lớn, không ngừng phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh và tạo lực đẩy để thành phố phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố sẽ thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong ảnh: Cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố tiếp nhận hồ sơ của người lao động.
Thành phố sẽ thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong ảnh: Cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố tiếp nhận hồ sơ của người lao động.

Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500 ha để thực hiện dự án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng thẩm quyền. Quy định nêu trong nghị quyết này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và theo nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của các huyện, quận, thành phố cũng như của tổ chức, cá nhân.

Nghị quyết cũng quy định, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa được xem xét dựa trên nhu cầu, sự cần thiết phải chuyển đổi; phải bảo đảm phù hợp với các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt; bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, điều kiện chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án bao gồm: Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thuộc trường hợp quy định của Nghị quyết; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, dự án đầu tư có trong danh mục kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật; có dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp theo quy định của pháp luật đầu tư; có phương án sử dụng tầng đất mặt và văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về trồng trọt đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước.

Liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Nghị quyết về ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT), trước mắt cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023-2030 cũng được thông qua.

Cụ thể, có năm dự án thuộc danh mục gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu rạch Vĩnh Bình, giáp ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); mở rộng trục đường bắc-nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Nghị quyết yêu cầu, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện bảo đảm các nội dung theo quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư và các quy định của pháp luật có liên quan đối với các dự án BOT; đồng thời, bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để đối ứng các dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thành phố, việc ban hành nghị quyết này sẽ thúc đẩy tiến trình cải tạo hệ thống giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối giao thông liên vùng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương đi lại và hoạt động kinh doanh vận tải.

Trên cơ sở cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố ban hành Nghị quyết về Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn. Nghị quyết được ban hành nhằm bảo đảm số lượng cán bộ, công chức hợp lý và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời; qua đó, giải quyết những hạn chế, nghịch lý hiện nay.

Thực tế cho thấy, thành phố có 78% trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số vượt quá tiêu chuẩn dân số quy định tại tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Đặc biệt, giai đoạn 2022-2026, bình quân một cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn tại Thành phố Hồ Chí Minh đang phục vụ 1.554 người dân, gấp ba lần so với số lượng người dân mà một cán bộ, công chức bình quân cả nước phục vụ.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố, ước dự toán tổng ngân sách cần bổ sung để bảo đảm giải quyết chế độ, chính sách hằng năm đối với số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tăng bổ sung theo Đề án là 495,123 tỷ đồng/năm.

Theo đó, để kịp thời cụ thể hóa quy định của Nghị quyết số 98/2023/QH15; đồng thời, thay thế Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố (đã hết hiệu lực thi hành), Hội đồng nhân dân thành phố thông qua chính sách chi thu nhập tăng thêm nhằm tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Từ đó, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, giảm thiểu tình trạng nghỉ việc, chảy máu chất xám và thiếu hụt nhân lực trong thời gian vừa qua. Trong đó, quy định mức chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm từ nguồn cải cách tiền lương được cân đối trong dự toán năm 2023. Từ năm 2024, thực hiện đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2013 của Quốc hội.

Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian thu phí bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Mức phí được dựa trên giá đất bình quân tại năm khu vực, các tuyến đường ở trung tâm cao hơn ngoại thành; trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng; các hoạt động khác áp dụng từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng. Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.