Tạo lực đẩy mới cho du lịch Thủ đô

Hai tháng đầu năm 2023, du lịch Hà Nội có nhiều khởi sắc với ba triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế. Song, để có thể đạt mục tiêu đón 22 triệu lượt khách của cả năm nay, trong đó có ba triệu lượt khách quốc tế, du lịch Hà Nội cần có những bước đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình "Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hà Nội 2023" tạo ấn tượng về một Hà Nội cổ kính, nhưng không kém phần sôi động, trẻ trung.
Chương trình "Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hà Nội 2023" tạo ấn tượng về một Hà Nội cổ kính, nhưng không kém phần sôi động, trẻ trung.

Cùng với xây dựng, đổi mới, tìm tòi các sản phẩm du lịch mới lạ, Hà Nội tăng tốc quảng bá, kích cầu, đẩy mạnh liên kết du lịch với các địa phương.

Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hà Nội 2023” đã đem đến công chúng những màn trình diễn nghệ thuật trẻ trung, sôi động với sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và công nghệ.

Trong đó, đáng chú ý là màn trình diễn của nhóm trống “bay” trên không trung, kết hợp với trình diễn ánh sáng hết sức ấn tượng, hay phần giới thiệu về Hà Nội mà mỗi một địa danh, một thắng cảnh, điểm đến là một khẩu hiệu du lịch, lời mời dưới dạng thơ, nhạc rap... “Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hà Nội 2023” là sự kiện khởi đầu cho chuỗi các sự kiện quảng bá du lịch Hà Nội trong năm nay.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Đặng Hương Giang cho biết, với gần ba triệu lượt khách đến Hà Nội trong hai tháng đầu năm, đang cho thấy tín hiệu khởi sắc mạnh mẽ của du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, với mục tiêu đề ra trong năm nay là đón khoảng 22 triệu lượt khách (tăng 17,6% so với năm 2022), trong đó có ba triệu lượt khách quốc tế (tăng 100% so với năm 2022), thì ngành du lịch Hà Nội cần có sự đổi mới, có chiến lược bài bản, sự chung tay, hợp lực của các đơn vị, doanh nghiệp.

Trên thực tế, hai tháng đầu năm 2023, sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội có một phần đóng góp không nhỏ của “mùa lễ hội”; cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cũng cho ra mắt, đổi mới nhiều sản phẩm du lịch như: Phố đi bộ kết hợp ẩm thực đảo Ngọc-Ngũ Xã (quận Ba Đình), không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất, chương trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 3-Lửa thanh xuân” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò”, tua đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long dành riêng cho khách nước ngoài...

Tuy nhiên, mùa lễ hội đang khép lại, đây là lúc ngành du lịch cần những “lực đẩy mới”. Ngay sau sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2023”, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 sẽ được tổ chức tại khu vực hồ Hoàn Kiếm với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch Hà Nội”. Điểm nhấn của chương trình chính so với những năm trước là sự “kết nối” giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong xây dựng sản phẩm.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: “Lễ hội Du lịch Hà Nội năm nay mang tính kết nối giữa các điểm du lịch Hà Nội với nhiều tỉnh, thành phố, từ đó thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội nhiều hơn, lưu trú dài hơn”.

Lễ hội không chỉ là dịp giới thiệu, bán sản phẩm mà còn là không gian để các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác tìm “tiếng nói chung”, từ đó, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới.

Đối với hoạt động quảng bá, năm 2023 sẽ là “năm của các sự kiện”, với khoảng 50 sự kiện lớn nhỏ. Tiếp sau sự kiện này, ngành du lịch Thủ đô sẽ tổ chức những sự kiện quan trọng khác như: Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023, Festival Thu Hà Nội, Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề, Lễ hội Áo dài Hà Nội 2023...

Cũng liên quan đến xúc tiến, quảng bá du lịch, ngành du lịch Thủ đô đang tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ. Hiện, Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn.

Nhờ ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian. Công nghệ cũng góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khi các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi, đồng thời chuẩn hóa các nội dung thuyết minh tự động bằng sáu ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đối với phát triển sản phẩm, mặc dù là trung tâm du lịch của cả nước, song theo các chuyên gia du lịch, Hà Nội vẫn thiếu sản phẩm độc, lạ, tính kết nối giữa các điểm đến còn lỏng lẻo, cho nên nhiều điểm du lịch chưa phát triển xứng tầm với tài nguyên.

Nhằm khắc phục hạn chế này, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ “đặt hàng” các chi hội trực thuộc Hiệp hội Du lịch xây dựng những sản phẩm độc, lạ, mang đặc trưng riêng của Hà Nội, như: Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa đảm nhận việc thiết kế sản phẩm quà tặng; Chi hội Đầu bếp quảng bá ẩm thực Hà Nội giới thiệu những món ăn hấp dẫn cho du khách quốc tế khi đến Hà Nội...

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, du lịch di sản, du lịch golf, du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện), khai thác tuyến du lịch ven sông Hồng... Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã làm việc với các huyện Gia Lâm, Quốc Oai để tìm giải pháp xây dựng những sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Với những đổi mới đó, du lịch Hà Nội sẽ sớm trình làng những sản phẩm mới, có chất lượng trong thời gian tới.