Theo đánh giá từ các chuyên gia, tuy mới qua hai mùa tổ chức, song Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng đã tạo dựng một không gian nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng. Đây là một trong những khởi đầu quan trọng nhằm tạo lập hệ sinh thái điện ảnh, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Có tổng số 63 phim tham dự các hạng mục, chương trình của Liên hoan phim, gồm: Các hạng mục phim châu Á (13 phim), phim Việt Nam (10 phim); các chương trình điện ảnh Việt Nam hôm nay (18 phim), tiêu điểm điện ảnh Pháp (8 phim), phim chọn lọc của đạo diễn Đặng Nhật Minh (7 phim), phim về Đà Nẵng (4 phim), phim tài liệu Varan (3 phim). Tổng cộng có 14 giải thưởng thuộc các hạng mục: Giải thưởng Phim châu Á dự thi do Ban Giám khảo Phim châu Á quyết định; Giải thưởng Phim Việt Nam dự thi do Ban Giám khảo Phim Việt Nam quyết định và một số giải thưởng khác.
Ở hạng mục Giải thưởng Phim châu Á dự thi: Kịch bản xuất sắc được trao cho phim “Những mảnh đời đáng giá”; giải Nam chính xuất sắc thuộc về diễn viên Wu Kang Ren trong phim “Nguyện ước vĩnh cửu”, Nữ chính xuất sắc được trao cho diễn viên Yuumi Kawai trong phim “Cuộc đời của Ann”. Ở hạng mục phim Việt Nam dự thi, giải Nam chính xuất sắc được trao cho diễn viên Thái Hòa trong phim “Con Nhót mót chồng”; giải Nữ chính xuất sắc vinh danh diễn viên Phương Anh Đào trong phim “Mai”; giải Đạo diễn xuất sắc thuộc về Trấn Thành trong phim “Mai”; giải Dàn diễn viên hay nhất được trao cho ê-kíp phim “Lật mặt 7: Một điều ước”.
Điểm nhấn của sự kiện, đó là giải Đạo diễn xuất sắc vinh danh Phạm Thiên Ân trong phim “Bên trong vỏ kén vàng” và giải thưởng cho Phim châu Á hay nhất thuộc về “Cu Li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Có thể nhận diện được dấu ấn phim độc lập với sự đóng góp của đội ngũ đạo diễn trẻ đã tạo nên những thành quả đáng ghi nhận. Hầu hết các phim nêu trên cũng đã đoạt một số giải thưởng ở các kỳ liên hoan phim tại nước ngoài.
Một điểm nhấn quan trọng khác tại sự kiện lần này chính là chuỗi hoạt động workshop “Ươm mầm tài năng” gồm các lớp học về diễn xuất cơ bản với giảng viên đến từ Hàn Quốc, diễn xuất nâng cao với các giảng viên đến từ Việt Nam, Nhật Bản đã tạo sức hút lớn với các bạn trẻ yêu thích điện ảnh. Chỉ riêng lớp diễn xuất cơ bản đã có khoảng 450 hồ sơ đăng ký tham dự, sau hai buổi casting tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn được khoảng 20 học viên; lớp diễn xuất nâng cao cũng thu hút lượng đăng ký rất lớn và tuyển 20 học viên thông qua hồ sơ.
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai Ngô Phương Lan cho biết, sự kiện đã lựa chọn, vinh danh được các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, giàu tính nhân văn, có khám phá mới mẻ, nghệ thuật thể hiện độc đáo. Sự kiện mang lại nhiều cơ hội cho giới làm nghề và có tính tương tác với nhiều lĩnh vực khác, trong đó có du lịch. Dù vậy, thách thức đặt ra là phải có sự chuyên nghiệp thật sự để duy trì liên tục các hoạt động nhằm tạo đà vững chắc, uy tín quốc tế và chuẩn bị cho kỳ tiếp theo.
Chia sẻ sau khi nhận giải Thành tựu điện ảnh, ngoài niềm vui, đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh đánh giá cao sự đóng góp của văn học cho điện ảnh: “Phim của tôi ảnh hưởng của văn học nhiều, nhất là ca dao, tục ngữ. Có người bảo tôi: Anh đã vào điện ảnh rồi thì hãy quên văn học đi. Tôi trả lời: Quên thế nào được, văn học là nền tảng đã chắp cánh cho điện ảnh của tôi, với tôi, văn học rất quan trọng. Nói chung, đạo diễn cần phải biết cả văn chương, nhạc, họa,… Không biết, không giỏi thì làm sao tác phẩm vừa bay bổng, vừa súc tích, vừa tự nhiên cho được”.
Tên tuổi của đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh gắn liền với nhiều bộ phim nổi tiếng: Bao giờ cho đến tháng mười, Thị xã trong tầm tay, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông 1946, Mùa ổi, Đừng đốt, Hoa nhài… Các tác phẩm điện ảnh của ông hầu như luôn có sự xuyên suốt, nhất quán: Tự viết kịch bản và đạo diễn. Mỗi tác phẩm đều thấm đượm một tinh thần văn hóa và đời sống của con người Việt Nam.
Ngoài điện ảnh, ít người biết rằng, ông còn sáng tác rất nhiều tác phẩm văn học. Bài thơ do nhân vật thầy giáo Khang đọc trong phim “Bao giờ cho đến tháng mười” do chính đạo diễn sáng tác: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão/ Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những mất mát hy sinh chịu đựng khổ đau/ Khi trời thu xanh mãi trên đầu”.