Ðổi mới phương thức quản lý
Có thể nói trong thời gian dài, do ngành thủy sản chưa quan tâm đúng mức, chưa có kinh nghiệm tổ chức quản lý nên rất nhiều sân nghêu bị tàn phá, có năm mất trắng, làm thiệt hại vài chục tỷ đồng.
Không thể để tình trạng "cha chung không ai khóc" kéo dài, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên quý giá này của địa phương, những năm gần đây ngành thủy sản Bến Tre đã đổi mới phương thức quản lý, tổ chức hợp tác xã (HTX), phát huy sức mạnh và tính ưu việt của quan hệ sản xuất mới, bước đầu khai thác tốt và hợp lý nguồn tài nguyên này đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững.
Trữ lượng và sản lượng nghêu khai thác được năm sau cao hơn năm trước, có năm đạt 55.000 tấn. Các HTX đang tiếp tục củng cố tổ chức, hoàn thiện phương thức quản lý mới đẩy mạnh sản xuất, đưa sản lượng nghêu khai thác hằng năm đạt mức bình quân bằng sản lượng nghêu đạt được năm cao nhất (55.000 tấn).
Ngành thủy sản Bến Tre đã xây dựng chiến lược phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội đối với loại đặc sản nghêu này. Năm 1997 Bến Tre đã phối hợp Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thú y thủy sản thực hiện chương trình kiểm soát thu hoạch loại nhuyễn thể này. Nhờ vậy, mặt hàng nghêu đã được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, châu Á, được thị trường chấp nhận. Hiện nay, mặt hàng nghêu được xuất khẩu khá ổn định, giá cao gấp năm lần so với trước đây (11.000 đồng/kg tại sân), nên xã viên rất phấn khởi.
Ngành thủy sản đã thực hiện xong đề tài nghiên cứu đặc tính sinh học của nghêu, sò ở các bãi triều ven biển, ban hành các văn bản quản lý các bãi nghêu bố mẹ tại các vùng cửa sông. Năm 2005, ngành thủy sản cũng đã bắt đầu thực hiện dự án bảo tồn nghêu bố mẹ, nhằm bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn nghêu giống tại địa phương.
Sở Thủy sản Bến Tre đã phối hợp Hội đồng quản lý hải sản Nhật Bản (MSC) xây dựng thương hiệu "Nghêu Bến Tre". Hiện nay, quá trình điều tra, khảo sát đã tiến hành qua nhiều giai đoạn đạt kết quả tốt. Hội đồng quản lý hải sản Nhật Bản đã cùng Sở Thủy sản Bến Tre vừa tổ chức hội thảo, định hướng các bước còn lại của lộ trình đi đến chứng nhận thương hiệu cho "Nghêu Bến Tre". Ðây là một trong những yêu cầu quan trọng để mặt hàng nghêu Bến Tre mở rộng ra thị trường thế giới trong tương lai gần.
Hiệu quả cao, kinh nghiệm quý từ những điển hình tiên tiến
Trong số 10 HTX nghêu của cả ba huyện ven biển, thì năm HTX ở huyện Thạnh Phú và ba HTX ở huyện Ba Tri tuy mới xây dựng sau, đang trong quá trình củng cố tổ chức, quản lý, nhưng đã đạt nhiều kết quả tốt, sản xuất phát triển, thu nhập của xã viên tăng hơn hẳn thời làm ăn cá thể, nhưng nổi trội lên như những điển hình tiên tiến đó là HTX Thủy sản Rạng Ðông của xã Thới Thuận và HTX Ðồng Tâm của xã Thừa Ðức, huyện Bình Ðại. Riêng HTX Rạng Ðông (Thới Thuận) có bãi nghêu rộng 900 ha trải dài 19 km ven biển.
Lâu nay, con nghêu chỉ là nguồn thực phẩm biển bà con tự do bắt làm thức ăn hằng ngày, hoặc bán với giá rẻ. Chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện quản lý, khai thác, bảo vệ. Những năm gần đây lãnh đạo huyện Bình Ðại và hai xã Thới Thuận và Thừa Ðức đã đề ra và thực hiện nhiều hình thức quản lý, khai thác thích hợp, vận động bà con tự nguyện vào HTX để cùng nhau phát huy sức mạnh của quan hệ sản xuất tập thể, khai thác ngày càng tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.
Năm 1997, Thới Thuận thành lập HTX Thủy sản Rạng Ðông. Từ đó bãi nghêu là tài sản chung của HTX. Nhưng, để quản lý được nghêu, Ban quản lý HTX phải dựa vào xã viên, do xã viên tự bảo vệ lấy nguồn lợi thiên nhiên ban tặng này. Ban quản lý đã liên tục tổ chức cho xã viên học tập, làm cho mọi người nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý, khai thác nghêu. Ngoài đội bảo vệ chuyên trách, HTX còn tổ chức các tổ, đội lao động ở các ấp đồng thời là tổ, đội bảo vệ bãi nghêu của tập thể.
Kết quả thật bất ngờ chẳng những đối với cán bộ, xã viên trong HTX và bà con chưa vào HTX tin tưởng vào cách làm ăn mới này của tập thể HTX. Doanh thu từ nghêu của HTX từ 774 triệu đồng năm 2000, tăng vọt lên 12 tỷ đồng năm 2004 và số thu của xã viên và cán bộ quản lý HTX cũng tăng nhanh tương ứng từ 213 triệu đồng lên 4,7 tỷ đồng/năm và từ 600.000 đồng lên 1,2 triệu đồng/tháng. Trong năm năm qua (2000-2004), HTX đã chia lãi cho xã viên với tổng số tiền là 17,5 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi năm chia lãi cho mỗi xã viên được 2,4 triệu đồng. HTX còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 500 lao động với mức thu nhập 3,4 triệu đồng/người/năm. Khi mới thành lập, HTX chỉ có 1.116 xã viên với vốn điều lệ 200 triệu đồng, nay tăng lên 1.414 xã viên với vốn điều lệ 2 tỷ đồng.
Hằng năm, từ nguồn lợi của HTX, HTX đã xây dựng năm căn nhà tình nghĩa, 22 căn nhà tình thương với tổng số gần 300 triệu đồng tặng các đối tượng chính sách, đồng thời tham gia xây dựng các công trình phúc lợi công cộng với số tiền 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ nhiệm HTX Rạng Ðông cho biết: HTX đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc năm 2000-2002 và một Bằng khen về hoàn thành tốt nhiệm vụ năm năm (2001-2005); Cờ thi đua xuất sắc 2004 của Liên minh HTX Việt Nam. Ngày 24-8-2005, HTX Rạng Ðông vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Nhà nước phong tặng về thành tích đã đạt được.
Chuyện con nghêu ở Thừa Ðức nghe cũng hấp dẫn không kém ở Thới Thuận. Việc quản lý, khai thác con nghêu ở đây cũng "ba chìm, bảy nổi" lắm lênh đênh, ông Trần Văn Kiển, Chủ nhiệm HTX thủy sản Ðồng Tâm cho biết: Trong suốt thời gian dài với khoảng hai năm đầu HTX cũng chưa đem lại gì nhiều cho xã viên, bởi tình trạng trộm nghêu vẫn còn diễn ra thường xuyên. HTX phải tiến hành đại hội xã viên lần thứ hai để bà con chọn người có tâm huyết, có năng lực vào Ban quản lý mới thay Ban quản lý cũ. HTX Ðồng Tâm còn cử người sang HTX thủy sản Rạng Ðông của Thới Thuận để học tập kinh nghiệm đồng thời mạnh dạn đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp đặc điểm tự nhiên và xã hội của địa phương mình. Công việc canh giữ con nghêu ở đây khá phức tạp. Hằng đêm, xã viên từng ấp luân phiên nhau giữ nghêu ở địa bàn mình. N
hững hộ có phương tiện như thuyền, lưới, cào thì đưa đến tuần tra dọc theo phần đất do HTX quản lý. Số tiền 20 triệu đồng do ông Chủ tịch UBND xã và năm triệu đồng do ông Chủ nhiệm HTX cho vay không lấy lãi chỉ để phục vụ ăn uống cho anh em bảo vệ. Còn tiền công của xã viên tham gia tuần tra cộng với phương tiện thì HTX ghi điền vào sổ, đến khi khai thác thì trả dần. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người nhận ra rằng nhân dân Thừa Ðức đồng tình với cách làm của HTX, cùng với HTX làm tốt việc quản lý, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Tình trạng trộm nghêu giảm hẳn, sản lượng nghêu khai thác tăng lên rõ rệt.
HTX đã trang bị dụng cụ khai thác nghêu theo các kích cỡ nhất định, bảo đảm số lượng con như HTX quy định trong mỗi lần khai thác thay thế cho việc xã viên phải tự mang theo dụng cụ với kích cỡ không thống nhất nên đã giúp cho Ban quản lý HTX nắm được sản lượng và giúp cho xã viên có thể tính được mức thu nhập của mình qua mỗi kỳ khai thác nghêu. Thùng và cách đong nghêu cho thương lái cũng được HTX quy định cụ thể là thùng gạt san bằng mặt chứ không đong vun cũng làm lợi khá nhiều cho HTX và cho xã viên.
Trước lúc khai thác, Ban quản lý mời các thương lái tham gia đấu giá nghêu, nên khắc phục được tình trạng tư thương ép giá...
Với cách làm trên, chỉ hai năm trong nửa nhiệm kỳ cuối của Ban quản lý, HTX đã có doanh thu 15,5 tỷ đồng. HTX còn góp phần giải quyết việc làm cho 27.500 lượt lao động của xã viên, nhưng do tất cả lao động này đều là xã viên HTX nên tính chung nguồn thu của hộ xã viên lên đến hơn 6 sáu triệu đồng/năm. Năm 2005 này, sản lượng nghêu thịt đạt hơn 1.000 tấn, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Kiển, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Ðồng Tâm cho biết thêm: Hiện tại, HTX đã đi vào hoạt động ổn định nên HTX không khai thác nghêu giống để bán mà chỉ khai thác bán nghêu thịt để bảo đảm sự ổn định và tăng sản lượng nghêu trong những năm tiếp theo.