Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về cơ chế, có biện pháp cụ thể việc bảo vệ trẻ em, tránh quy định chung chung, chồng chéo, không rõ trách nhiệm giữa các bộ, ngành, đơn vị liên quan; đồng thời, nghiên cứu khôi phục Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam để có cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về trẻ em, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, đáp ứng tốt yêu cầu thực trạng xã hội ngày nay
Trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội, trước hết, về kiến nghị quy định rõ và có biện pháp cụ thể việc bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em.
Đồng thời, Luật Trẻ em, các văn bản hướng dẫn pháp luật về trẻ em và pháp luật chuyên ngành đã quy định đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, tổ chức liên quan trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em.
Các em nhỏ dự chương trình trải nghiệm kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy tại Trường đại học Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em; điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được Chính phủ giao hoặc ủy quyền.
Quản lý nhà nước về trẻ em cũng bao gồm trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp. Luật Trẻ em quy định trách nhiệm của các bộ như: Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em. Vì vậy, công tác bảo vệ trẻ em là công tác phối hợp liên ngành, cần sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, tổ chức và chính quyền địa phương.
Qua triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, công tác quản lý nhà nước về trẻ em vẫn còn một số khoảng trống chưa quy định trách nhiệm chủ trì quản lý cho các cơ quan. Cụ thể như: trẻ em là con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài; vấn đề tảo hôn; trông, giữ và chăm sóc trẻ em ngoài gia đình, nhà trường sau giờ học; trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ.
Nhằm tăng cường trách nhiệm, phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các bộ, ngành, đơn vị liên quan đối với công tác bảo vệ trẻ em và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức liên quan xây dựng và ban hành bốn quy chế phối hợp liên ngành sau đây.
Một là, Quy chế số 2236/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-YT-CA ngày 16/6/2023 về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Hai là, Quy chế số 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT ngày 15/8/2022 về việc phối hợp trong tiếp nhận, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Ba là, Quy chế số 01/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-CA-NNPTNN-TLĐ-LMHTX-LĐTMCN ngày 25/1/2024 về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.
Bốn là, Quy chế số 1853/QCPH-BVHTTDL-BLĐTBXH ngày 3/5/2024 về thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em, đặc biệt về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em kịp thời và đồng bộ; triển khai hiệu quả các quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng trả lời cử tri về kiến nghị khôi phục Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam.
Cơ quan này nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị (Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 14/10/2024), trong đó có nhiệm vụ, giải pháp “kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em”. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện trách nhiệm Chính phủ giao, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trước đó, Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, nhấn mạnh tới việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật; bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển; được ưu tiên lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển quốc gia, ngành, địa phương. Nghiên cứu, tích hợp, xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển trẻ em mang tính tổng thể, toàn diện; đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan đến trẻ em. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu về trẻ em liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Riêng với Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030, mục tiêu tổng quát của Chương trình là kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.
Một trong những mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích của trẻ em. Đó là:
Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 550/100.000 trẻ em và 500/100.000 trẻ em vào năm 2030.
Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 16/100.000 trẻ em và 15/100.000 trẻ em vào năm 2030.
Hằng năm giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ.
Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.
Có 7 triệu ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn vào năm 2025 và 8 triệu ngôi nhà an toàn vào năm 2030. Cùng với đó, có 12.000 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn vào năm 2025 và 15.000 vào năm 2030; 400 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và 500 vào năm 2030.