Tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật

Trong bài viết "Chống lãng phí" đăng ngày 13/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nghiêm khắc chỉ rõ: "Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực".
0:00 / 0:00
0:00
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, công tác xây dựng pháp luật cần được đổi mới mạnh mẽ, nâng lên tầm cao mới, tạo động lực cho phát triển.

Bài 1: Thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ

Yêu cầu quan trọng hàng đầu đặt ra đối với các văn bản quy phạm pháp luật, đó là bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ để kiểm soát quyền lực, phòng ngừa ngăn chặn sự can thiệp của lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật vì từ đây có thể gây ra nguy cơ bất bình đẳng xã hội, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… làm cản trở tiến trình phát triển của đất nước.

Thực tế cho thấy, dù trong bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào thì sự xuất hiện của lợi ích nhóm cũng sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực, ngành nghề đó, là nguy cơ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, gây lãng phí cho xã hội. Nếu lợi ích nhóm cài cắm tinh vi trong các văn bản quy phạm pháp luật thì mức độ nguy hại còn lớn hơn bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến thể chế, kìm hãm sự phát triển của đất nước; gây bất bình đẳng trong việc thực thi pháp luật; khiến nguồn lực đất nước bị phân tán, năng lực cạnh tranh quốc gia suy giảm; thậm chí có thể đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Bởi lẽ hệ thống chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý, điều hành đất nước, song nếu hệ thống chính sách đó bị chi phối để bảo vệ lợi ích không chính đáng cho một nhóm thiểu số thì sẽ tác động rất lớn đến sự vận hành của kiến trúc thượng tầng, tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thời gian qua, với quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước, công tác xây dựng pháp luật đã đạt được những kết quả tích cực. Quy trình xây dựng pháp luật thực hiện nghiêm túc; các dự án luật, pháp lệnh được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tại các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản với nhiều hình thức phù hợp. Việc thảo luận của đại biểu Quốc hội và việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật được tiến hành nghiêm túc. Quy trình xin ý kiến Bộ Chính trị đối với các nội dung lớn, quan trọng của dự án luật tuân thủ chặt chẽ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội đã thông qua số lượng lớn các luật với chất lượng ngày càng nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xây dựng pháp luật vẫn còn những bất cập, hạn chế. Đã xuất hiện đây đó việc tìm cách cài cắm ý chí chủ quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo nên những lợi thế không chính đáng cho một nhóm đối tượng nào đó. Nguy cơ lợi ích nhóm đã có biểu hiện lũng đoạn chính sách bằng những cách thức tác động tinh vi đến cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ rõ: "Nhóm lợi ích thường tác động vào đội ngũ những người có học thuật để điều chỉnh tầm vĩ mô của văn bản pháp luật - đó là cái lớn. Còn cái nhỏ, họ hướng vào việc đem lại lợi ích cho một bộ phận nào đó. Các nhóm lợi ích cũng có khả năng "xuyên thủng" các văn bản pháp luật bằng những cách làm mà ở đó thiếu sự giám sát của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những đối tượng thụ hưởng các chính sách có trong pháp luật".

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận định, việc cài cắm lợi ích nhóm có thể diễn ra ở các công đoạn của hoạt động xây dựng pháp luật. Thí dụ ở công đoạn soạn thảo, các bộ, ngành được giao soạn thảo pháp luật có thể "gia tăng" vào cho bộ, ngành mình được nhiều quyền, có khi cả quyền đã được pháp luật giao cho các bộ, ngành khác. Nguy cơ từ sự can thiệp nhóm lợi ích trong xây dựng pháp luật là rất lớn.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ phân tích:"Một chính sách phát triển ngành có sự lồng ghép lợi ích cục bộ mà được thông qua có thể làm lợi rất lớn cho một bộ phận người trong ngành đó, nhưng cũng có thể làm cạn kiệt các nguồn lực của đất nước và xã hội. Một quyền năng không chính đáng được cài cắm vào trong luật có thể hợp pháp hóa sự nhũng nhiễu của một số người, nhưng cũng có thể làm cho đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp thêm khó khăn".

Thời gian qua, liên quan những lĩnh vực "nóng" như đất đai, đầu tư, đấu thầu, thuế, tài chính, ngân hàng… đã và đang phát sinh một số bất cập trong việc xây dựng, ban hành các chính sách pháp luật. Thí dụ như việc một số doanh nghiệp xin đất làm sân golf nhưng lại kinh doanh bất động sản, từ đây tạo điều kiện cho những nhóm lợi ích tiêu cực chiếm dụng đất đai một cách dễ dàng.

Theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện quy hoạch sân golf năm 2011cho thấy, trong số 90 dự án sân golf nằm trong quy hoạch, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf, còn 69 dự án kết hợp kinh doanh sân golf với bất động sản, du lịch... Tương tự, đối với các dự án đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), đã có trường hợp doanh nghiệp đầu tư làm vài ki-lô-mét đường, nhưng lại nhận được vài chục héc-ta đất ở những vị trí đắc địa, gây bức xúc dư luận.

Cá biệt có tình trạng người xây dựng chính sách móc nối, câu kết với các phần tử cơ hội, đối tượng chống phá để đưa vào những nội dung làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Bởi vậy, nếu không phát hiện kịp thời những biểu hiện tiêu cực để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả thì sẽ gây hậu quả rất lớn cho xã hội trên nhiều phương diện.

Tình trạng lợi ích nhóm tìm cách can thiệp vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật xuất hiện ở nhiều quốc gia. Tùy thuộc vào chế độ chính trị xã hội, quy trình lập pháp,… mỗi quốc gia sẽ có những cách thức xử lý khác nhau. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng pháp luật, thể hiện rất rõ qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị,...

Tiêu biểu như Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tại Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ nhiệm vụ phải kiểm soát quyền lực để phòng, chống lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật.

Ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW "Về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV", trong đó nhấn mạnh: "chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật".

Tại Quy định số 178-QĐ/TƯ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật do Bộ Chính trị ban hành ngày 27/6/2024 khẳng định: "Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Những hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức đoàn thể để xử lý cho phù hợp" (Khoản 1, Điều 15).

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí, phòng ngừa, ngăn chặn tác động của lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng pháp luật là cuộc đấu tranh cam go và hết sức phức tạp, nhưng vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, nhiệm vụ này cần phải được tiến hành đồng bộ với quyết tâm cao.

Theo đó, cần giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Song song đó, công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy trình, dễ tiếp cận, mang tính hệ thống và chặt chẽ; bảo đảm chất lượng của các dự án luật phù hợp thực tiễn, có tính khả thi trước khi trình lên Quốc hội. Phải chỉ rõ những biểu hiện góp phần nhận diện được lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng pháp luật để có biện pháp ngăn chặn.

Thiết lập một quy trình chặt chẽ, minh bạch, ràng buộc trách nhiệm rõ ràng đối với các thành phần tham gia quá trình xây dựng pháp luật, đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ xây dựng chính sách pháp luật, tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, sai phạm cần làm rõ và xử lý nghiêm.

Chú trọng làm tốt công tác báo cáo, thẩm định, thẩm tra các dự án luật khách quan, đa chiều, tránh tình trạng quấy quá, hình thức, vô tình tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm trà trộn, lũng đoạn. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, truyền thông báo chí cũng như người dân trong việc tham gia góp ý kiến, giám sát, phản biện đối với các văn bản quy phạm pháp luật, thiết lập "hàng rào" vững chắc giúp ngăn chặn, phòng ngừa, giảm sự can thiệp của các nhóm lợi ích, từ đó các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

(Còn nữa)