Tạo đồng thuận để phát triển

Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển, các cấp ủy huy động, tạo sự đồng thuận, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Các đơn vị và cá nhân đạt thành tích cao trong Liên hoan Dân vận khéo tỉnh Thái Bình năm 2023.
Các đơn vị và cá nhân đạt thành tích cao trong Liên hoan Dân vận khéo tỉnh Thái Bình năm 2023.

Nhờ đó, nhiều năm gần đây, kinh tế-xã hội của tỉnh đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối được triển khai đồng bộ; các dự án trọng điểm được triển khai xây dựng mở ra cơ hội mới, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Quá trình triển khai các dự án đầu tư ở tỉnh cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu "then chốt", "cửa mở", đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, đòi hỏi sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của nhân dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Giang trao đổi, để bảo đảm công tác GPMB hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, các địa phương phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ dân vận, cán bộ tham gia GPMB vừa nắm, hiểu quy định pháp luật; kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân ở lĩnh vực này.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong công tác GPMB. Các cấp ủy, chính quyền coi trọng, đổi mới phương pháp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân địa bàn triển khai dự án.

Theo đó, năm 2023, tất cả 8 huyện, thành phố, 145/260 xã, phường, thị trấn đã tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong đó có nội dung về GPMB.

Thực tế cho thấy, ngay từ đầu tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương, đơn vị chú trọng công tác dân vận và thực hiện xuyên suốt quá trình khi triển khai các dự án, đặc biệt giai đoạn GPMB. Tỉnh ủy triển khai nhiệm vụ GPMB đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh với bảy nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, hệ thống dân vận tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền quán triệt, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể chính trị và người đứng đầu.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội cùng ban dân vận các huyện ủy, thành ủy phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia GPMB. Năm 2023, toàn tỉnh xây dựng được 45 mô hình "Dân vận khéo" trong lĩnh vực công tác này.

Trong quá trình triển khai các dự án cụ thể trên địa bàn, hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia tiếp cận, nắm bắt ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án và kế hoạch thực hiện GPMB. Tích cực phối hợp cơ quan chức năng, chủ đầu tư dự án tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân; công khai, minh bạch các bước, các khâu trong GPMB.

Bí thư Huyện ủy Hưng Hà Trần Hữu Nam trao đổi, từ sự lãnh đạo chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện và các cơ quan chức năng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh, dứt điểm khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhân dân trong vùng dự án.

Với những chủ trương, giải pháp nêu trên, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 289 dự án GPMB nhận bồi thường, hỗ trợ được triển khai thực hiện; trong đó 100% số dự án có sự tham gia của khối dân vận cơ sở.

Hầu hết các dự án tại các huyện được bàn giao mặt bằng đúng hạn, không phải sử dụng đến các biện pháp cưỡng chế. Các dự án trọng điểm của tỉnh có tiến độ GPMB nhanh như: Khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy (trong 2 năm đã GPMB được 582 ha, đạt 98% tổng diện tích đất phải thu hồi); tuyến đường bộ ven biển và nhiều tuyến giao thông kết nối khác.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vũ Thanh Vân cho biết, một số huyện đã phát động và nhân rộng phong trào tự nguyện hiến đất làm đường phục vụ các dự án của địa phương, như các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Kiến Xương... Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 25 dự án làm đường được nhân dân tự nguyện hiến đất để cải tạo, nâng cấp, mở rộng với tổng số gần 4.400 hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức đồng thuận, hiến hơn 360.000m2 đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác với tổng giá trị gần 470 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được tỉnh triển khai môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, trở thành một điểm đến đầu tư mới hấp dẫn, đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Hiện Thái Bình vươn lên xếp vị trí 16/63 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa bàn gặp khó khăn trong công tác GPMB, nguyên nhân là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương, trách nhiệm, vai trò, sự vào cuộc của người đứng đầu chưa thật sự quyết liệt; việc nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng nhân dân để có biện pháp tuyên truyền, vận động có nơi, có việc chưa chủ động, kịp thời…

Khảo sát thực tế nhiều địa phương như Hưng Hà, Kiến Xương, Thái Thụy cho thấy công tác GPMB đạt hiệu quả do có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Công tác này phải được thực hiện với phương châm nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới, sáng tạo trong vận động quần chúng.

Với phương châm "Dân vận phải đi trước về sau", kiên trì trong vận động, thuyết phục, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định, chế độ, chính sách của Nhà nước. Coi trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở trong GPMB; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân vùng dự án.

Sau khi triển khai, thực hiện xong dự án, phải tiếp tục nắm tâm tư nguyện vọng, đời sống, sinh hoạt, việc làm, thu nhập của người dân, hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân…, phương châm là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội trước các mục tiêu phát triển.