Tạo động lực từ phát triển khoa học-công nghệ

Những kết quả mang lại từ việc ứng dụng khoa học-công nghệ thật sự là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Quan trọng hơn, các thành tựu này còn tạo ra tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu các giải pháp công nghệ 4.0 do Công ty TMA, Công viên phần mềm Quang Trung phát triển.
Giới thiệu các giải pháp công nghệ 4.0 do Công ty TMA, Công viên phần mềm Quang Trung phát triển.

Bài 1: Nghị quyết số 20-NQ/TW tạo bước đột phá

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội.

Những thành quả nêu trên từng bước đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ của khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung.

Nhận thức giữ vai trò then chốt

Trước khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tầm quan trọng và những đóng góp tích cực của khoa học-công nghệ trong phát triển chung của quận. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong các lĩnh vực như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các thủ tục hành chính, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng toàn diện trên lĩnh vực hành chính công theo tiêu chuẩn ISO 9001 đã tạo bước đột phá trong việc giải quyết các hồ sơ, giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp.

Sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Quận ủy Quận 1 đã tổ chức triển khai học tập, quán triệt nghị quyết đến các cấp ủy tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội trực thuộc quận. Đồng thời, xem Nghị quyết số 20-NQ/TW là khâu đột phá để Quận 1 tiếp tục ứng dụng khoa học-công nghệ vào tất cả các lĩnh vực để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 1 cho biết: Quận 1 luôn xác định phát triển khoa học-công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và hệ thống chính trị của quận.

Do đó, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học-công nghệ được quận đưa vào tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm, cũng như đưa vào trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 để phấn đấu thực hiện.

Từ nhận thức rõ và tăng cường vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, đến nay, Quận 1 là điển hình xây dựng mô hình đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng loạt giải pháp thông minh được quận triển khai bằng các phần mềm điện tử để quản lý hành chính công.

Đồng thời, quận triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả cao như: Phần mềm đăng ký tuyển sinh đầu cấp lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phần mềm khảo sát ý kiến người dân qua hệ thống thiết bị điện tử; xây dựng ứng dụng tư vấn thủ tục hành chính trực tuyến trên nền tảng di động “Quận 1 trực tuyến”; triển khai phần mềm “định danh công dân điện tử” sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hoạt động trên tất cả thiết bị máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Đáng chú ý, quận đã triển khai mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh được tích hợp cùng tám hệ thống thông minh bao gồm: Hệ thống camera an ninh thông minh; hệ thống phòng cháy, chữa cháy thông minh; hệ thống quản lý đô thị thông minh; hệ thống quản lý giáo dục thông minh; hệ thống y tế thông minh; hệ thống du lịch thông minh; hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng trên địa bàn quận.

Qua đó, người dân, tổ chức dễ dàng thực hiện các bước đăng ký thủ tục hành chính không giấy và tra cứu tình trạng hồ sơ bằng công cụ nhận diện khuôn mặt; nâng cao hiệu quả xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức; chất lượng phục vụ của chính quyền địa phương ngày càng thân thiện, tốt hơn.

Chuyển biến từ Nghị quyết số 20-NQ/TW

Nghị quyết số 20-NQ/TW đã tạo ra sức bật mới để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ và trở thành cái nôi cả nước về khoa học-công nghệ. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học-công nghệ có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực cho thành phố. Cụ thể, trước năm 2012, trình độ công nghệ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt mức trung bình chiếm 36%, trung bình tiên tiến chiếm 8%; đến giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ doanh nghiệp đạt mức trung bình chiếm 75%, trung bình tiên tiến chiếm 13%.

Trong đó, ngành điện tử và công nghệ thông tin luôn là ngành có điểm trình độ công nghệ cao nhất trong các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố. Tỷ trọng bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực, thực phẩm; hóa dược-cao-su) của thành phố có hàm lượng khoa học-công nghệ cao.

Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2011-2020, đạt trung bình 35,62%, trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Ngoài ra, giai đoạn 2012-2021, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước; tốc độ trung bình đổi mới công nghệ và thiết bị chung của thành phố giai đoạn 2016-2020 là 18,85%/năm (giai đoạn trước năm 2016 là 15%/năm).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua, thành phố đã ban hành và thực thi nhiều chính sách đa dạng và đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhờ đó, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của thành phố được đánh giá là đang đi đầu cả nước và đang hình thành mối liên kết với các cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và thế giới.

Thông qua các chính sách này cùng với cộng đồng khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố đã hình thành và bắt đầu hoạt động từ năm 2016 đến nay. “Trước năm 2015, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thành phố còn ở mức sơ khai; đến năm 2022, thành phố xếp hạng 111/1.000 và đã tiến gần đến top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất trên toàn cầu”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng cho biết.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhận định: Việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW đã tạo ra một giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Thành phố là đơn vị đi đầu cả nước về nhiều lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây chính là địa bàn, là nơi thử nghiệm chính sách khoa học-công nghệ để có những đột phá. Đối với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố chính là điển hình về sự năng động, sáng tạo, đáp ứng chính sách xã hội hóa về đầu tư khoa học và xem đây là mô hình cần nhân rộng tại các địa phương khác.

(Còn nữa)