Tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam

Kinh tế tư nhân từ lâu được đánh giá có vai trò, vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước kỳ vọng khu vực này sẽ ngày càng trở nên lớn mạnh, là trụ cột của nền kinh tế đất nước. Do đó, cả hệ thống chính trị luôn đồng hành, tạo dựng những nền tảng với sự hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp chủ động thích ứng, nắm bắt thời cơ, có động lực phát triển bền vững. Song để tạo thêm động lực phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam, cần tiếp tục sửa đổi một số cơ chế, chính sách cho phù hợp thực tế, nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để các doanh nghiệp có thể tự chủ, tự lực, tự cường, thật sự trở thành nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty cổ phần Daikin Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) lắp ráp máy điều hòa. (Ảnh: THANH HẢI)
Công nhân Công ty cổ phần Daikin Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) lắp ráp máy điều hòa. (Ảnh: THANH HẢI)

Bài 1: Đưa chính sách hỗ trợ tới gần doanh nghiệp

Trong hơn hai năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách “trợ lực” cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều chính sách mặc dù đã được triển khai từ rất sớm nhưng chưa tới, chưa đúng, chưa trúng đến các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc đứng trên bờ vực phá sản do vướng một số bất cập trong quá trình triển khai.

Vì vậy, rất cần phải có giải pháp kiểm tra thường xuyên quá trình thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc rà soát, đưa chính sách hỗ trợ tới gần hơn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Còn gặp nhiều trở ngại

Việc tổ chức nhiều hoạt động đối thoại với doanh nghiệp thường niên của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ, qua đó những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp đã được nhận diện. Cũng từ đây, nhiều nút thắt được tháo gỡ, quyết liệt xóa bỏ các rào cản đang “trói buộc” sự bứt phá của doanh nghiệp. Song hành đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được khẩn trương ban hành và triển khai như: hỗ trợ cấp bù 2% lãi suất các khoản vay, miễn, giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, hỗ trợ chi trả lương cho công nhân,... Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng đã được thông qua và đang thực hiện trong năm 2022 và 2023. Đây được xem là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm giúp phục hồi nhanh nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh về tình trạng khó nhận được hỗ trợ do thủ tục phức tạp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Đáng chú ý, mức độ giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay còn chậm khi tính đến hết tháng 8, với tổng dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng, thì số tiền hỗ trợ lãi vay mới chỉ chi được khoảng 13,5 tỷ đồng trên tổng số hơn 16 nghìn tỷ đồng được giao giải ngân trong năm nay.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, có tới 47% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, 4% phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp đã được thụ hưởng ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước mới chỉ dừng lại ở mức dưới 8%; 4,75% số doanh nghiệp tiếp cận được việc hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp. Theo chia sẻ của Giám đốc Công ty TNHH Megahome Nguyễn Xuân Thủy, khó khăn lớn nhất trong giai đoạn này là thiếu hụt nguồn vốn. Doanh nghiệp nào cũng chờ được vay vốn ưu đãi và hưởng chính sách hỗ trợ cấp bù 2% lãi suất, song thực tế không dễ tiếp cận. Thí dụ, nếu không phải là đối tác uy tín, không bị nợ xấu, có phương án kinh doanh khả thi và phải chứng minh mang lại lợi nhuận, có khả năng phục hồi thì mới được vay vốn ưu đãi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh. Nhưng việc chứng minh thế nào là có khả năng phục hồi lại chưa có quy định cụ thể cho nên phải chạy “vòng vèo nhiều cửa”, đáp ứng được đủ các điều kiện của ngân hàng rồi chờ đợi rà soát danh sách thẩm định cũng là cả một hành trình dài khiến không ít doanh nghiệp nhụt chí, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực còn hạn chế.

Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Nguyễn Văn Đệ cho biết, bên cạnh những khó khăn về vốn, doanh nghiệp vẫn đang gặp trở ngại ở một số lĩnh vực như: cấp phép đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính do còn phiền hà, khó khăn; mỗi địa phương đưa ra cách hiểu và thực hiện một kiểu khác nhau, khiến hiệu quả thực thi chính sách chưa cao. Nhiều địa phương đang có một bộ phận công chức và các cơ quan công quyền vì sợ trách nhiệm, lo cho sự an toàn của chính mình nên tỏ ra “thờ ơ, ì ạch”, không dám làm, không dám giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Đã có không ít doanh nghiệp phải trì hoãn kế hoạch kinh doanh vì “cứ làm là vướng” do sự bất cập, xung đột, không thống nhất trong cơ chế, thể chế và luật pháp khi phải “tuân thủ các quy định liên quan”. Cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng vì Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” của đại dịch Covid-19 đã có những quyết sách rất nhanh, kịp thời và đúng trọng tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; nhưng cũng rất sốt ruột và sót ruột vì những quyết sách này lúc về tới các địa phương lại chưa được triển khai có hiệu quả. Trải qua hơn 2 năm đại dịch, doanh nghiệp đang rất yếu nay lại gặp thêm “rào cản” càng khiến nhiều doanh nghiệp “chững” lại hoặc nản chí. Vì vậy, mong các địa phương hãy thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, vướng mắc ở đâu phải chỉ ra, để “tháo” ở đấy, cấp nào phải “tháo” thì theo đúng sự phân công của Đảng, Nhà nước để thực hiện, không được né tránh hay “đá bóng”. Đồng thời, Chính phủ cùng các địa phương cần có thêm nhiều hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, để lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tiếp thu những kiến nghị, phản hồi, từ đó có những hành động kịp thời, cụ thể và quyết liệt trong giải quyết khó khăn thực tế doanh nghiệp đang gặp phải, đặc biệt với vướng mắc về chính sách.

Nhiều doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực

Nhiều hiệp hội doanh nghiệp phản ánh ở một số ngành nghề, lĩnh vực trước đây được ghi nhận dẫn đầu trong việc cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh thì nay đang có xu hướng thắt chặt quản lý hơn. Điều này đã khiến cho các doanh nghiệp đang dè dặt hơn trong xây dựng kế hoạch kinh doanh thời gian tới, thậm chí buộc phải “đắp chiếu” các dự án đang triển khai. Dẫn tới thiệt hại về kinh tế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong một khảo sát của VCCI gần đây đã cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp khi có tới 92% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong năm 2021, có 66% số doanh nghiệp đối mặt với suy giảm doanh thu so với năm 2020; hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra như: Khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%),… Thống kê từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, có khoảng 75 nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể trong năm 2021. Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2022, con số này đã lên tới gần 73 nghìn doanh nghiệp, tăng khoảng 33% so cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vì những khó khăn đang gặp phải trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Đậu Anh Tuấn cho rằng, các chương trình hỗ trợ đã có phản ứng chính sách nhanh, nhưng thực hiện thì chậm và chưa đồng đều. Thí dụ, gói tín dụng cấp bù lãi suất 2% dù chính sách rất tốt và nguồn tiền cũng đang có sẵn, nhưng trên thực tế doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Khó ở đây là do room tín dụng (giới hạn cho vay) của nhiều ngân hàng thương mại còn rất ít, nên phần lớn doanh nghiệp phải chờ cho các hợp đồng tín dụng cũ chấm dứt thì “may ra” mới có cơ hội tiếp cận khoản vay mới. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải có tài sản bảo đảm, dù đây là điều kiện khó đáp ứng nhất khi doanh nghiệp vừa trải qua hơn hai năm khốn khó bởi dịch bệnh. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay lãi suất hiện đã tăng lên ở mức 6,6%-9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Khi lãi suất cho vay đã tăng thì việc ưu đãi lãi suất 2% của chính sách sẽ giảm đi tính hỗ trợ so với thời điểm được xây dựng. Ngoài ra, động lực để giải ngân gói vay này với các ngân hàng thương mại không lớn vì họ phải chịu rủi ro, làm rất nhiều thủ tục thẩm định theo quy trình nhằm bảo đảm an toàn tín dụng.

Do đó, nên xem hiệu quả của chương trình hỗ trợ lãi suất 2% không nhất thiết phải dựa trên căn cứ việc giải ngân được nhiều hay ít, quan trọng phải đúng, trúng đối tượng có thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Bởi bản chất đây là nguồn tiền ngân sách nhà nước cho nên cần bảo đảm sử dụng đúng mục đích, an toàn trong thu hồi nợ, lãi các khoản vay, tránh để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Cùng với đó, để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn trong cắt giảm điều kiện, chi phí kinh doanh. Cũng như có các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong điều kiện, thủ tục, khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước để những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi thật sự phát huy hiệu quả.

(Còn nữa)