Tạo động lực giúp Mỹ Đức thoát nghèo

Hệ thống giao thông chưa phát triển đã khiến Mỹ Đức rơi vào thế biệt lập với các địa phương khác của thành phố, cản trở phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là phát triển du lịch - một tiềm năng lớn. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, bên cạnh sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Đức, thành phố cần tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo động lực giúp huyện thoát nghèo.

Khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn (Mỹ Đức) vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng.
Khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn (Mỹ Đức) vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng.

Hồ Quan Sơn (xã Hợp Tiến) cách thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức hơn 4km, có vẻ đẹp hoang sơ, sơn thủy hữu tình. Hồ rộng hơn 850 ha, có gần 20 ngọn núi đá vôi bao quanh soi bóng xuống mặt hồ, cùng nhiều đảo nhỏ giữa mặt nước, phủ đầy cây cối. Không khí trong lành, mát mẻ. Đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim thú quý hiếm. Vào mùa mưa, thác nước từ trên các triền núi cao ngày đêm đổ xuống mặt hồ, tung bọt trắng xóa khiến cảnh sắc càng thêm ngoạn mục. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều hang động kỳ vĩ, các ngôi chùa cổ linh thiêng... Vì thế, hồ Quan Sơn được mệnh danh “Hạ Long trên cạn” của Hà Nội. Tuy nhiên, các dịch vụ du lịch còn rất nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì thế, lượng khách du lịch đến đây luôn vắng vẻ. Từ năm 2008, dự án cụm du lịch hồ Quan Sơn đã được triển khai, nhưng do quá trình hợp nhất Hà Tây- Hà Nội, chờ đợi quy hoạch chung Thủ đô và cơ chế đầu tư thay đổi, cho nên đến cuối năm 2015, dự án mới tái khởi động...

Cách đó không xa, khu vực hồ Tuy Lai, xã Tuy Lai, cũng có cảnh quan rất đẹp, với diện tích mặt hồ rộng hơn 900ha, hứa hẹn là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách Thủ đô, nhất là những người yêu thích hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời như câu cá, cắm trại. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, điểm du lịch này vẫn chưa được đánh thức. Hoạt động kinh doanh du lịch chưa được khai thác do bị biệt lập về giao thông.

Ngay cả việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích và danh thắng Hương Sơn, trong đó có lễ hội Chùa Hương cũng còn không ít hạn chế. Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn Vương Văn Hiến cho biết, mặc dù công tác tổ chức, quản lý lễ hội Chùa Hương năm nay có nhiều đổi mới, chất lượng phục vụ du khách được cải thiện, nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ du khách còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Lễ hội diễn ra rất dài ngày, nhưng chưa có các dịch vụ du lịch hấp dẫn thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế và các tỉnh trong nước lưu lại để khám phá quần thể di tích, danh thắng Hương Sơn. Công tác phân luồng, điều tiết phương tiện từ xa, tổ chức trông giữ ô-tô, xe máy chưa khoa học dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Tinh thần phục vụ của một bộ phận cán bộ, người dân còn thiếu văn minh, lịch sự.

Nhờ đất đai, thổ nhưỡng, hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, huyện Mỹ Đức có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch; có thế mạnh để phát triển nông nghiệp, là vành đai xanh cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho Thủ đô. Thời gian qua, huyện đã có nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cũng thừa nhận thực trạng phát triển du lịch, dịch vụ chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chưa có dự án lớn đầu tư phát triển du lịch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, chưa có các vùng sản xuất hàng hóa tập trung... Nguyên nhân chính là do hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông trên địa bàn Mỹ Đức còn kém. Mỹ Đức gần như biệt lập với các huyện bạn. Con đường chính kết nối từ trung tâm thành phố đến huyện là quốc lộ 21B, tuy nhỏ hẹp, nhưng có lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn, không bảo đảm an toàn giao thông. Ở phía đông, Mỹ Đức giáp với huyện Ứng Hòa nhưng bị sông Đáy ngăn cách, phía nam giáp với tỉnh Hà Nam, phía tây giáp với tỉnh Hòa Bình thì bị một dãy núi ngăn cách, còn phía bắc chỉ có một con đường tỉnh lộ 419 để liên kết với huyện Chương Mỹ. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực xã hội còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều yếu kém. Tâm lý trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước, thành phố của người dân còn nặng nề. Trình độ, năng lực đảng viên, cán bộ, công chức ở một số lĩnh vực chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, cho đến nay, Mỹ Đức là một trong những huyện khó khăn nhất của Thủ đô.

Vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Đức về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, hạ tầng giao thông còn yếu kém đã hạn chế hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội của huyện, nhất là phát triển du lịch. Để giúp huyện tháo gỡ khó khăn này, đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo các ban, ngành của thành phố và huyện Mỹ Đức tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông, như tuyến đường Đỗ Xá - Quan Sơn, để kết nối với các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa và cao tốc 1B; trục Miếu Môn - Lương Sơn, để kết nối toàn bộ các khu du lịch của huyện với huyện Chương Mỹ, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Láng-Hòa Lạc, sẽ giúp Mỹ Đức hòa mạng lưới chung của thành phố và cả nước, xóa được thế biệt lập về giao thông. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế đặc thù giúp Mỹ Đức có thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, huyện cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao. Phát triển cụm công nghiệp Phùng Xá, Đại Nghĩa. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cần đoàn kết, trau dồi, nâng cao trình độ, gắn với cải cách thủ tục hành chính. Khi khắc phục được các hạn chế này, Mỹ Đức sẽ tạo ra động lực phát triển, giúp huyện nhanh chóng thoát nghèo.

Có thể bạn quan tâm