Tạo động lực để Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển

Những kết quả bước đầu

Trong thời gian xây dựng, phát triển và định hình một KKTM, điểm lại, Quảng Nam cũng đã thu được những "quả ngọt" đầu mùa từ KKTM Chu Lai. Sự hình thành và đi vào hoạt động của Cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai-Trường Hải, Nhà máy gạch men KEDA và hàng chục dự án khác đang đi vào hoạt động đã tạo nên những nét chấm phá đầy triển vọng cho quá trình phát triển KT-XH của Quảng Nam.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Lê Phước Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban quản lý KKTM Chu Lai cho biết: Mặc dù, trong năm 2008, tình hình kinh tế trong nước và thế giới có những biến động phức tạp, nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư đến Chu Lai tìm cơ hội làm ăn. Bằng chứng là trong năm qua, Ban quản lý KKTM Chu Lai đã cấp phép đầu tư cho 10 dự án, với tổng vốn đăng ký 172 triệu USD. Và trong năm qua, đã có sáu dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đăng ký 139,6 triệu USD.  Ðồng thời với nhiều dự án đang triển khai xây dựng có tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 50 triệu USD. Như vậy, sau một thời gian tiến hành rà soát, thu hồi giấy phép 40 dự án không khả thi, đến nay, KKTM Chu Lai có 48 dự án, với tổng vốn đầu tư 824,3 triệu USD. Ðáng chú ý, có 28 dự án đã đi vào hoạt động, tổng vốn đăng ký 355,7 triệu USD và có 12 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn 187,6 triệu USD... Theo số liệu tổng hợp, năm 2008, tổng vốn đầu tư xã hội vào KKTM Chu Lai hơn 1.007 tỷ đồng (chiếm 14% tổng vốn đầu tư xã hội của tỉnh); trong đó, chủ yếu vốn của các doanh nghiệp đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng hạ tầng phát triển sản xuất...

Trở lại Chu Lai vào những ngày cuối tháng 3, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay của vùng đất này. Hàng nghìn hộ dân đã di dời nhà ở vào các khu tái định cư: Tam Hiệp, Chợ Trạm... để nhường đất cho các nhà máy. Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Văn Khương cho biết, bước đầu xây dựng KKTM Chu Lai có hơn 14.000 hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng. Trong đó, có gần 1.500 hộ nằm trong diện giải tỏa nhà ở. Ðến nay, phần lớn các hộ đã được bố trí đất tái định cư. Hầu hết các hộ dân đều xây dựng được nhà ở kiên cố, khang trang; có điều kiện lo cho con ăn học và có tiền gửi tiết kiệm. Nhất là số lao động trẻ đã được nhận vào làm việc tại các nhà máy... Ðiều đáng nói là từ khi các dự án đi vào hoạt động đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu cho ngân sách Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển chung toàn tỉnh.

Hầu hết các chỉ tiêu KT-XH tại KKTM Chu Lai đều tăng hơn so với năm 2007. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất công nghiệp: 662 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2007, chiếm 13,9% so với cả tỉnh; tổng giá trị xuất khẩu đạt 15,6 triệu USD, tăng 32,4% so với thực hiện năm 2007. Tổng số thu ngân sách gần 533 tỷ đồng (chiếm khoảng 32% so với tổng thu ngân sách toàn tỉnh), tăng 50,6% so với thực hiện năm 2007, trong đó thu thuế xuất nhập khẩu 417,7 tỷ đồng, tăng 37%. Ðến cuối năm 2008, các doanh nghiệp tại KKTM Chu Lai đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 lao động...

vướng mắc và thách thức

Dù đạt được những kết quả như vậy, nhưng quá trình phát triển của KKTM Chu Lai đang có dấu hiệu chậm hơn so với nhiều khu kinh tế ở các tỉnh miền trung. Sự chậm trễ đó có nguyên nhân do cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, việc ưu đãi đầu tư cho KKTM Chu Lai không còn hấp dẫn như thời kỳ đầu mới thành lập, ngay Quy chế Khu thương mại tự do đã ban hành nhưng chưa thật sự hấp dẫn nên khó thu hút các nhà đầu tư lớn. Mặt khác, do giá cả biến động lớn và nhất là do suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản. Hệ thống cơ sở hạ tầng trong mấy năm gần đây, tuy có được đầu tư xây dựng, nhưng nhìn chung chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Ngay Cảng Kỳ Hà là "ngòi nổ" của Chu Lai, nhưng đến nay, cũng chỉ là một cảng nhỏ, mới đón được tàu có sức chở đến 5.000 tấn. Những tàu có tải trọng lớn chưa vào được, vì vậy hàng hóa và nguyên liệu phải qua cảng Ðà Nẵng làm cho chi phí tăng cao. Hoặc như Sân bay Chu Lai, hiện chỉ có một tuyến bay: Chu Lai - TP Hồ Chí Minh, mỗi tuần bốn chuyến và khai thác bằng loại máy bay nhỏ, nhưng cũng chỉ "lấp" được 70% số ghế. Cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao không đáp ứng. Ðến nay, tại KKTM Chu Lai và cả Quảng Nam chưa có trường đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động; các dịch vụ tiện ích chưa đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư; nguồn điện vẫn còn chập chờn...

Qua trao đổi ý kiến với các nhà đầu tư, chúng tôi được biết, thời gian qua, hầu hết các dự án đều gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Công tác quản lý hiện trạng ở nhiều nơi chưa tốt. Tình trạng xây dựng, cơi nới nhà trái phép phổ biến; thậm chí người dân còn xây mộ úp lên trên mộ đất để chờ đền bù.

Phó Tổng Giám đốc Công ty ô-tô du lịch Chu Lai-Trường Hải Thái Duy Hùng, bộc bạch, khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải khi triển khai dự án là việc giải phóng mặt bằng. Ðây là công việc tốn quá nhiều thời gian, nhiều nhà đầu tư khác cũng có chung nhận xét như vậy. Kế đó, công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng và quản lý hiện trạng còn nhiều bất cập; giá cả biến động nhưng việc điều chỉnh chính sách chậm, thiếu vốn đầu tư. Có nhiều dự án giải tỏa nhưng không bố trí đất tái định cư kịp thời làm cho người dân gặp khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Trương Văn Ngươn cho biết, Tam Hiệp là địa bàn có hai khu công nghiệp, với nhiều dự án lớn. Tổng số hộ bị giải tỏa trắng lên đến 1.000 hộ, việc bố trí nơi ở và ổn định cuộc sống cho người dân hết sức nan giải. Giải tỏa mặt bằng, bố trí đất ở cho người dân như thế nào hợp lý đã khó. Nhưng đến khi có mặt bằng, nhà đầu tư không triển khai dự án theo tiến độ để xảy ra tình trạng quy hoạch treo, dự án treo gây bất bình trong nhân dân địa phương... Nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong những năm qua đã ít nhưng lại dàn trải, kém hiệu quả. Việc quyết toán vốn đầu tư thực hiện còn chậm và mất nhiều thời gian; cải cách thủ tục hành chính tại Ban quản lý KKTM Chu Lai còn một số tồn tại như: thời gian giải quyết các thủ tục hải quan, phòng cháy, chữa cháy chưa được kịp thời. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền cơ sở nhưng năng lực cán bộ cơ sở còn yếu và thiếu nhiệt tình...

Cần có những giải pháp đồng bộ

Ðể từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho KKTM Chu Lai phát triển nhanh và bền vững, trong hai năm trở lại đây, Ban quản lý KKTM Chu Lai đã rà soát tất cả các dự án  đã đăng ký, cấp phép đầu tư, trên cơ sở đó phân loại đánh giá từng nhóm dự án, qua đó sẽ loại bỏ những dự án đã đăng ký nhưng không triển khai thực hiện. Sau hơn hai năm thực hiện, tỉnh đã cho rút giấy phép hơn 100 dự án không có khả năng triển khai cũng như các dự án quy mô nhỏ không phù hợp.

Ban quản lý  KKTM Chu Lai còn tăng cường công tác quản lý; giám sát hiệu quả đầu tư, tiến hành công tác giám sát chặt chẽ, kịp thời ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các nhà máy sản xuất; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư thuộc thẩm quyền của Ban quản lý thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Ngoài việc tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm tra năng lực tài chính, thẩm định tư cách pháp nhân của chủ đầu tư, tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện ký quỹ tài chính bằng tiền mặt để buộc các nhà đầu tư thực  hiện theo cam kết, nếu không sẽ bị mất số tiền ký quỹ.

Tỉnh đang tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển KKTM Chu Lai đến năm 2020, theo đó sẽ ưu tiên phát triển ngành dịch vụ, du lịch, kiên quyết từ chối các dự án phát triển công nghiệp nặng, những dự án  có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Sắp xếp lại các dự án đầu tư để giải quyết những khó khăn về thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kiên quyết thu hồi vốn các công trình đã tạm ứng vốn thi công nhưng không thực hiện. Tỉnh ban hành nhiều chính sách giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người thuộc diện di dời giải phóng mặt bằng, nhất là những hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp; thành lập Quỹ đầu tư phát triển Chu Lai để tăng nguồn vốn đầu tư hạ tầng.

Ðối với đội ngũ cán bộ, Ban quản lý đang tập trung  sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn; củng cố và tăng cường lực lượng lãnh đạo và cán bộ có chuyên môn cho các đơn vị trực thuộc; thực hiện kế hoạch đào tạo ngoại ngữ và trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức. Trước mắt trong năm 2009, Ban quản lý KKTM Chu Lai sẽ phối hợp các cơ sở giáo dục, dạy nghề trong và ngoài nước để mở các lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đồng thời khuyến khích để các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp nguồn nhân lực có năng lực trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển của KKTM.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung mọi nguồn lực để xây dựng  hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, các tuyến đường giao thông phục vụ các dự án đang triển khai tại KKTM. Cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho các nhà đầu tư cũng là việc hết sức quan trọng tỉnh đang  tập trung thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ðức Hải cho biết: Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai một loạt các giải pháp nhằm tạo ra bước phát triển đột phá cho KTTM Chu Lai. Về tổ chức, ngoài việc củng cố lại Ban chỉ đạo, tỉnh cho phép Ban quản lý KKTM Chu Lai và các cơ quan chức năng của tỉnh tuyển chọn, đào tạo và có chế độ chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ để họ có điều kiện làm việc tốt hơn. Trước mắt, Ban quản lý KKTM Chu Lai và các ban, ngành, liên quan trong tỉnh đang tập trung vào công tác quy hoạch, đề ra hướng đi thích hợp cho từng giai đoạn. Trong đó, coi trọng yếu tố phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Ðồng thời đổi mới việc xúc tiến, thu hút đầu tư; tập trung khắc phục tồn tại trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; quyết toán vốn đầu tư, ổn định bộ máy tổ chức; đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng và tái định cư...

PHAN TẤN NGUYÊN
Phóng viên Báo Nhân Dân
thường trú tại Quảng Nam