PGS, TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trong quá trình phát triển trường đã khẳng định được vị thế là một cơ sở đào tạo đầu ngành, cung cấp các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh và ứng dụng công nghệ thông tin, cho các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Trong quá trình phát triển và đi đến thành công có những đóng góp to lớn của các cá nhân, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Đáng chú ý, mô hình hợp tác đào tạo gắn kết thực tiễn giữa nhà trường với doanh nghiệp, mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo gắn với các bài toán thực tiễn tại địa phương, đã đem lại hiệu quả cao trong giai đoạn vừa qua, góp phần đào tạo ra những con người đổi mới sáng tạo có năng lực dẫn dắt và lãnh đạo tổ chức.
Các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc. Sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức trong quá trình đào tạo, tạo cơ hội cho sinh viên, học viên có thể hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết và bước chân vào thế giới việc làm một cách chủ động.
Tọa đàm tăng cường gắn với thực tiễn hội nhập quốc tế |
Tại hội nghị và tọa đàm đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, sinh viên, cựu sinh viên đã thảo luận các vấn đề tăng cường đào tạo gắn kết với thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho người học sau khi tốt nghiệp có khả “thực chiến” khi tham gia thị trường lao động; trang bị thêm những kỹ năng công nghệ để sinh viên thích nghi với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong kỷ nguyên số; thúc đẩy trao đổi sinh viên trong và ngoài nước để sinh viên có những cơ hội trải nghiệm học tập ở các môi trường khác nhau; tạo môi trường khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, phát huy sáng tạo…
Tại tọa đàm, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và đại lý thuế D&P Việt Nam Nguyễn Thị Dung nêu thực trạng, đa số các doanh nghiệp đều “khát” nguồn nhân lực trẻ, tuy nhiên, đáng buồn là hiện vẫn còn nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng không tìm được việc làm ổn định. Vì vậy, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, hội nhập kinh tế, sinh viên cần tham gia “thực chiến” tại các doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tiếp cận các mô hình kinh doanh, ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn để phát triển bản thân, nâng cao chất lượng lao động cho doanh nghiệp. Do đó, bà Nguyễn Thị Dung đề xuất, chương trình học của các trường đại học phải gắn kết chặt chẽ hơn với thực tiễn; các môn học phải được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động; tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên (như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian); tổ chức cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp sớm hơn; nhà trường phải tạo điều kiện cho sinh viên thử sức với các dự án khởi nghiệp…
Đại diện doanh nghiệp phát biểu về gắn kết đào tạo với thực tiễn |
Cũng tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị các cơ sở đào tạo cần phải đào tạo ra những sản phẩm mà xã hội và thị trường cần. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 chỉ ra, nhiều nơi đào tạo chưa có lộ trình, kể cả đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng chưa rõ mục tiêu. Do đó, theo ông Tuấn, cần coi sinh viên đầu vào như một khách hàng và coi sinh viên đầu ra là một sản phẩm đặc biệt. Các nhà trường cần thay đổi giáo trình đào tạo, tư duy đào tạo và giáo viên cũng phải thay đổi, mới đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập…