Tạo “cú huých”cho sản xuất thuốc trong nước phát triển

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, phát động cuộc vận động Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam là những giải pháp cơ bản thời gian qua của Bộ Y tế nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược trong nước. Kết quả đạt được đã nâng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước nhưng vẫn còn không ít băn khoăn của doanh nghiệp về tỷ lệ sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế…

Sản xuất thuốc tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Gia Nguyễn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Sản xuất thuốc tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Gia Nguyễn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Sau bốn năm thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco Trần Túc Mã cho biết, doanh thu từ hệ thống nhà thuốc của đơn vị tăng trưởng tốt. Cụ thể, thuốc Boganic năm 2015 tăng trưởng hơn 50% so với năm 2014; thuốc Ampelop năm 2015 tăng trưởng hơn 20% so với năm 2014… Traphaco là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành dược với doanh thu chín tháng đầu năm 2016 là 1.500 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước). Trên đà tăng trưởng đó, công ty đầu tư xây dựng một nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP- EU (Thực hành sản xuất thuốc tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) với tổng vốn đầu tư 480 tỷ đồng, sẽ đưa vào sử dụng trong quý I - 2017. Kết quả tăng trưởng đáng kể nêu trên là nhờ doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới để tăng năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời nhờ sự “cộng hưởng” của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Năm sản phẩm chủ lực của đơn vị đã được tặng Giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” (một hoạt động của đề án) đã tạo thêm sự tin tưởng của người dân đối với các sản phẩm của Traphaco.

Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế được triển khai từ năm 2012 nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), với nhiều hình thức tuyên truyền, nhiều cơ chế, chính sách được sửa đổi, đến nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng thuốc về giá trị tiền. Cả nước có 163 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP - WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Các nhà sản xuất dược phẩm trong nước đang tạo bước tiến mới, có khuynh hướng đầu tư chiều sâu về khoa học và công nghệ, chất lượng cho nhà máy và sản phẩm. Đáng chú ý, nhận thức của người tiêu dùng, người bệnh, cán bộ y tế về thuốc trong nước có sự chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của sở y tế 61 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện tăng từ 61,5% năm 2010 lên 67,89% năm 2015; tuyến tỉnh tăng từ 33,9% năm 2010 lên 35% năm 2015. Một số bệnh viện có số lượng mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng nhiều như Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất. Tỷ lệ tăng dù chưa như mong muốn nhưng bước đầu đã thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên dùng thuốc trong nước.

Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam" được coi là “cú huých” đối với các nhà sản xuất thuốc trong nước. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam Trần Đức Chính, trước đây, ngành dược chưa có khái niệm về thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP), không có nhà máy nào đạt tiêu chuẩn này nhưng từ khi triển khai Đề án thì các nhà máy sản xuất thuốc đã đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO). Chất lượng thuốc cũng được doanh nghiệp chú trọng, chứng minh qua việc tiến hành thử tương đương điều trị, tương đương sinh học. Dù là thuốc sản xuất trong nước nhưng chất lượng đạt tiêu chuẩn GMP- WHO, hoặc GMP - EU. Đó là bước phát triển ngoạn mục của công nghiệp dược trong nước. Phó Viện trưởng Kiểm nghiệm thuốc trung ương Nguyễn Đăng Lâm khẳng định, qua công tác lấy mẫu thuốc, kiểm nghiệm, xác định chất lượng thuốc và nguyên, phụ liệu làm thuốc ở tất cả các cơ sở, từ khâu sản xuất, xuất, nhập khẩu, bảo quản đến lưu thông, phân phối thuốc trong phạm vi cả nước những năm qua, có thể khẳng định, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước ít vi phạm hơn thuốc ngoại. Hơn 80% số mẫu lấy kiểm tra chất lượng là thuốc nội, chỉ có gần 20% số mẫu lấy kiểm tra chất lượng là thuốc nhập khẩu, nhưng tỷ lệ không đạt chất lượng của thuốc nhập khẩu lại cao hơn thuốc sản xuất trong nước.

Có thể nói, chưa lúc nào hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc trong nước có hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện như hiện nay. Từ Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP đều quy định ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, như: hồ sơ mời thầu không được chào thầu thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu điều trị và khả năng cung cấp; nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước từ 25% trở lên. Gần đây, Luật Dược (sửa đổi) (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) đã có hẳn một chương riêng (Chương II) thể hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách phát triển thuốc sản xuất trong nước, chẳng hạn như: đối với thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế… ưu tiên mua thuốc generic, sinh phẩm tương tự đầu tiên sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước… Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách nêu trên, mới đây, Thông tư 10/2016/TT-BYT đã ban hành danh mục 146 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Con số 146 thuốc tuy còn "khiêm tốn" về số lượng so với hơn một nghìn thuốc trên thị trường nhưng lại là cơ hội lớn cho thuốc nội khi đây là những thuốc thiết yếu, thuộc danh mục thuốc đấu thầu, dùng nhiều, có mặt ở tất cả các nhóm điều trị. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp băn khoăn khi theo quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BYT thì 146 thuốc sản xuất trong nước kể trên vẫn phải cạnh tranh với thuốc nhập khẩu ở nhóm mời thầu khác, nhất là trong bối cảnh một số bác sĩ kê đơn vẫn “sính” thuốc ngoại.

Tuy cửa đã “hé mở” cho thuốc nội nhưng khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc là tỷ lệ trúng thầu vào các cơ sở điều trị còn thấp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đấu thầu còn nặng về “đấu giá”, cho nên không có cơ hội cho thuốc tốt trúng thầu vào các cơ sở y tế dù thuốc rất có uy tín ở thị trường tự do. Đại diện Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, trong khi các sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” bán tốt tại các hiệu thuốc, thì tại cơ sở điều trị không tăng, thậm chí còn giảm, như doanh thu thuốc Hoạt huyết dưỡng não giảm trung bình trong các năm 2014, 2015 gần 60%, Boganic giảm hơn 50%... Nguyên nhân do chi phí đầu tư chất lượng khiến giá thành của các sản phẩm cao, trong khi Luật Đấu thầu còn nặng về giá và chưa có cơ chế đấu thầu riêng những sản phẩm chất lượng tốt. Mặc dù Bộ Y tế đã khuyến khích các sản phẩm đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt”, bằng cách ưu tiên điểm kỹ thuật nhưng điểm vẫn thấp, gây thiệt thòi trong đấu thầu so với các doanh nghiệp không chú trọng tạo sản phẩm chất lượng.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, Bộ Y tế cần có phương án phù hợp, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” trong điều trị tại các cơ sở y tế. Một doanh nghiệp kinh doanh dược cho biết, theo dõi kết quả trúng thầu của các công ty dược trong nước, có nhà máy lớn thấy rằng, có những kết quả đấu thầu sản phẩm trúng ít và giá trị tiền thấp chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, trong khi thuốc nhập ngoại chiếm phần nhiều. Nhằm tạo “cú huých” cho thuốc sản xuất trong nước được sử dụng rộng rãi, nhiều hơn ở các tuyến điều trị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam Trần Đức Chính kiến nghị, cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm túc các quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã có các nhà máy đạt chuẩn, có thuốc tương đương sinh học cần tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để thay đổi tập quán người dùng; người kê đơn. Thời gian qua, một số sản phẩm có tác dụng điều trị tốt, giá phù hợp nhưng việc quảng bá sản phẩm chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ trương dùng thuốc sản xuất trong nước cần sự vào cuộc của cơ quan truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội. Như một quyết tâm từ cơ quan quản lý, Cục trưởng Quản lý Dược Trương Quốc Cường cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các cơ sở y tế hoàn toàn có thể cải thiện trong thời gian tới bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền và tăng chất lượng thuốc, tăng số lượng thuốc phải thử tương đương sinh học.

Những giải pháp mang tính tổng lực nêu trên đều cần đưa đến kết quả là tăng giá trị tiền thuốc trong nước tại các bệnh viện. Từ mức đạt 50% nhu cầu sử dụng hiện nay, thuốc sản xuất trong nước phải đạt mục tiêu đến năm 2020 bảo đảm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm như Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 10-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Khi những con số đó trở thành hiện thực, một mặt giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, mặt khác nâng dần vị thế của ngành công nghiệp dược trong nước.

Tại cuộc làm việc với Bộ Y tế kiểm tra về kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” ngày 29-10 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo T.Ư cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đánh giá Bộ Y tế là đơn vị triển khai tốt nhất cuộc vận động, vừa ban hành cơ chế, chính sách, vừa có các giải pháp đồng bộ. Thời gian tới, Bộ Y tế cần khuyến khích việc thi đua để các địa phương thực hiện tốt Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”; có giải pháp tăng giá trị sử dụng thuốc trong nước tại các bệnh viện tuyến cuối; xây dựng phác đồ điều trị, sử dụng thuốc phù hợp tại các bệnh viện; có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước...