Tạo cú huých cho con đường thiên lý

Ðường cao tốc bắc-nam phía đông là tuyến huyết mạch, trục giao thông xương sống của cả nước. Việc hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác đồng bộ con đường thiên lý dọc theo chiều dài đất nước này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong kết nối, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Ðường cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 đang thi công nước rút, phấn đấu hoàn thành cuối năm nay.
Ðường cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 đang thi công nước rút, phấn đấu hoàn thành cuối năm nay.

Bài 1: Khó khăn cản tiến độ

Trong quá trình triển khai 11 dự án thành phần giai đoạn 2017-2020 của "đại dự án" đường cao tốc bắc-nam vừa qua, đã phát sinh nhiều khó khăn khách quan, ảnh hưởng quá trình thi công, trong đó nặng nề nhất là "bão giá" và khan hiếm vật liệu xây dựng, nhiên liệu,... Nếu những vấn đề đó không được các cơ quan quản lý xem xét, tháo gỡ kịp thời nhằm hỗ trợ đơn vị thi công, nguy cơ 12 dự án thành phần giai đoạn 2 tới đây sẽ bị đe dọa tiến độ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025 theo mục tiêu đề ra.

Hiện nay, nhiều dự án thành phần giai đoạn 1 đang bước vào giai đoạn nước rút, đòi hỏi nhà thầu phải huy động nguồn lực tài chính lớn phục vụ dự án. Nhiều nhà thầu đã gặp khó khăn trong nguồn lực để bảo đảm thi công thời gian qua, rất cần được các cơ quan quản lý nghiên cứu, cập nhật chỉ số giá, định mức phù hợp thực tiễn, tạo cơ sở cho nhà thầu nâng cao năng lực thi công, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Thiếu hụt nguồn cung vật liệu

Trong những ngày cuối tháng 8 này, dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 đang triển khai 68 mũi thi công tại 5 gói thầu; trong đó có 30 mũi thi công đường, 34 mũi thi công cầu và cấu kiện, 4 mũi thi công hầm, tổng sản lượng thi công đạt gần 4.900 tỷ đồng, tương đương khoảng 70% giá trị xây lắp. Giám đốc điều hành dự án (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải) Lương Văn Long cho biết, hiện tại dự án đã hoàn thành xử lý nền đất yếu, khối lượng đắp nền đường đạt khoảng 94% thiết kế. Dự án có hai công trình hầm (tổng chiều dài 0,93km), hiện hầm Tam Ðiệp đã cơ bản hoàn thành (đang hoàn thiện hệ thống chiếu sáng), còn lại hầm Thung Thi, cũng đã được nối thông, đang triển khai đúc bê-tông vỏ hầm, tổng sản lượng các hầm đạt khoảng 82,5% hợp đồng. Hầm Thung Thi dài 680m, rộng hơn 14m, là một trong những hầm dài nhất trên tuyến cao tốc bắc-nam và cũng là hầm có khẩu độ lớn nhất Việt Nam hiện tại. Ông Hoàng Ðình Thịnh, Phó Giám đốc Ban điều hành hầm Thung Thi (thuộc Tập đoàn Ðèo Cả) cho hay, quá trình đúc vỏ hầm, đơn vị thi công cần khối lượng lớn bê-tông trong khi giá xi-măng neo ở mức rất cao. Bên cạnh phần hầm chuẩn bị hoàn thành, phần đường dẫn cũng bị thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp. "Chúng tôi cần khoảng 20.000 m3 đất đắp cho phần đường, do nguồn cung ứng khó khăn từ các chủ mỏ, nhà thầu phải tìm kiếm nguồn vật liệu từ nơi xa hơn, chi phí vận chuyển bị đội lên cao", ông Hoàng Ðình Thịnh chia sẻ. Ở hạng mục cầu Núi Ðọ thuộc đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45, tuy sản lượng thi công đạt hơn 80%, nhanh hơn hai tháng so cam kết trong hợp đồng, song Phó Giám đốc Ban điều hành Vinaconex-Trung Nam E&C Lê Văn Quốc vẫn không dứt nỗi lo khi giá vật liệu liên tục biến động trong suốt gần hai năm vừa qua. Theo tính toán sơ bộ, riêng hạng mục cầu Núi Ðọ, nhà thầu lỗ khoảng 50 tỷ đồng. Các loại nguyên vật liệu tăng giá đột biến khiến nhà thầu lao đao. Dự án càng về cuối, càng cần dòng tiền lớn để tăng sản lượng, trong khi giá cả vật liệu tăng cao như hiện nay, nguy cơ thiếu hụt dòng tiền luôn cận kề.

Bên cạnh dự án Mai Sơn-quốc lộ 45, đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn cũng gặp phải tình trạng tương tự khi nguồn vật liệu đất đắp thiếu hụt. Theo Giám đốc quản lý dự án đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn (Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Ngọc Quỳnh, khối lượng đất đắp cho dự án cần khoảng 2 triệu m3, trong khi nhiều mỏ đất trên địa bàn đã hết hạn giấy phép, phải đóng cửa khiến nhà thầu không tiếp cận được nguồn vật liệu, việc huy động xe vận chuyển khó khăn do lực lượng chức năng siết chặt kiểm soát tải trọng xe,... Dự án khi bỏ thầu, giá đất đắp là 38 nghìn đồng/m3, nhưng hiện đã tăng lên 48 nghìn đồng/m3 mua tại mỏ (chưa có chi phí vận chuyển). "Chúng tôi đang cố gắng duy trì thi công đất đắp, dự án có hơn 10km phải xử lý nền đất yếu, cần gia tải, chờ lún từ 7 đến 10 tháng, nếu không triển khai sớm sẽ chậm tiến độ", ông Nguyễn Ngọc Quỳnh chia sẻ.

Tạo cú huých cho con đường thiên lý ảnh 1

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đưa vào khai thác, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bất cập về chỉ số giá

Ðối với gói thầu xây lắp thuộc dự án hạ tầng giao thông đường bộ, trong giá thành xây dựng, tỷ trọng chi phí vật liệu chiếm khoảng 50-65%, một số gói thầu hơn 65%. Các yếu tố khác như xăng, dầu cũng có tác động trực tiếp đến cước vận chuyển, công máy xây dựng. Sự biến động liên tục của giá xăng dầu những tháng đầu năm 2022 đã gây rất nhiều khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, do biến động giá vật liệu, nhiên liệu, giá thành xây dựng của gói thầu xây lắp tăng khoảng 15-20%, trong khi đó, giá trị bù giá theo chỉ số giá do địa phương công bố được khoảng từ 8-12%. Ðại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho biết, các gói thầu thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 được đầu tư theo hình thức đầu tư công, mặc dù hợp đồng có quy định việc điều chỉnh giá, tuy nhiên do địa phương công bố chỉ số giá chưa kịp thời, chưa sát thực tế thị trường, nhiều địa phương chưa có chỉ số giá phù hợp đặc tính của đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ, gây nhiều khó khăn cho nhà thầu. Một số nơi triển khai các dự án lớn, chủ đầu tư và nhà thầu ký hợp đồng theo đơn giá cố định, chiếu theo quy định thì không được điều chỉnh giá, trong bối cảnh giá tăng vượt xa dự kiến, đã gây ra tình trạng nếu nhà thầu tiếp tục làm sẽ lỗ nặng, nên đành làm cầm chừng, khiến tiến độ chậm, ảnh hưởng tới việc đưa công trình vào khai thác sử dụng, giảm hiệu quả đầu tư dự án,... Hệ thống định mức cũng thiếu cập nhật theo công nghệ mới, thiếu các hệ số an toàn, thiếu định mức bảo dưỡng bảo trì đà giáo, thiết bị, dẫn đến khi thi công, nhà thầu phải tự bỏ chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị. Cùng với đó, đơn giá nhân công, ca máy công bố chậm, chưa cập nhật theo đơn giá thị trường và thực tiễn trên công trường. Varsi cũng phân tích, nhiều hạng mục, công việc chưa được xây dựng định mức hoặc đã được xây dựng trước đó nhưng quy định mới của Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng lại không cho phép vận dụng. Thí dụ, các bộ định mức về lắp đặt neo trong hầm, đắp nền đường bằng đá hỗn hợp, sản xuất đá dăm từ đá tận dụng đào hầm,... tuy trước đó Bộ Xây dựng đã chấp thuận áp dụng tại dự án hầm Ðèo Cả, hầm cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nhưng vẫn chưa được ban hành chính thức.

Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu ý kiến, cùng với các dự án đang triển khai, không ít doanh nghiệp xây dựng còn phải chịu sức ép lớn về tài chính vì nợ đọng công trình cũ, đặc biệt vào khoảng 20-25% giá trị thi công giai đoạn cuối dự án. Có nhiều công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng cả 10 năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, tháng tháng vất vả trả lãi suất. Nhiều nhà thầu tham gia dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông đang từng ngày đôn đáo chạy vạy nguồn tài chính để trang trải chi phí thi công, trong khi nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng chạm ngưỡng hạn mức. Ðại diện Tập đoàn Ðịnh An, một đơn vị thi công nhiều gói thầu trên tuyến cao tốc bắc-nam cho hay, thực tế tại công trường, các doanh nghiệp từ thầu chính, thầu phụ đến nhà cung cấp vật liệu đều rất khó khăn, đơn vị nào càng làm nhiều, càng lỗ nhiều. Tập đoàn Ðịnh An tham gia thi công các dự án thành phần như Mai Sơn-quốc lộ 45, quốc lộ 45-Nghi Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Mỹ Thuận-Cần Thơ,… đều cố gắng bám sát tiến độ nhưng cần giải pháp hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trong sáu tháng cuối năm 2022 mới có khả năng trụ lại được. Nhiều loại vật liệu biến động giá liên tục trong thời gian ngắn, trong khi hầu hết các địa phương ban hành thông báo giá, chỉ số giá theo quý nên có độ trễ lớn và không phản ánh đúng mức độ biến động của thị trường. Một số thông báo giá của địa phương chỉ có giá chung cho vật liệu cơ bản như đất, cát, sỏi; thiếu vật liệu theo tiêu chuẩn xây dựng công trình giao thông, nhất là vật liệu sử dụng làm đường cao tốc có yêu cầu kỹ thuật cao như đất đắp nền phải đạt yêu cầu về chỉ số dẻo, cát đáp ứng chỉ tiêu hệ số thấm, cỡ hạt, đá với các chỉ tiêu về cường độ, độ dính bám nhựa, độ thoi dẹt,... Thông báo giá, chỉ số giá vật liệu của địa phương xây dựng chung trên cơ sở bình quân cho nhiều lĩnh vực nên giá thường thấp hơn so yêu cầu của công trình giao thông.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðèo Cả Ngọ Trường Nam nhận định: Ðường cao tốc bắc-nam phía đông là dự án trọng điểm quốc gia, bảo đảm tiến độ thi công như vừa qua trong bối cảnh dịch bệnh và giá cả thay đổi khan hiếm vật liệu là nỗ lực vượt bậc của nhà thầu, tuy nhiên lại chưa được các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, có cơ chế hỗ trợ kịp thời. Khi triển khai dự án đường cao tốc bắc-nam quy mô lớn, các doanh nghiệp xây lắp giao thông đều kỳ vọng thông qua dự án sẽ tăng năng lực thiết bị, nhân lực lớn mạnh hơn, song giai đoạn 1 đã cho thấy rất nhiều nhà thầu rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Ðây là thực tiễn rất cần được các cơ quan chức năng nhìn nhận đúng để xử lý, tháo gỡ kịp thời trong giai đoạn 2 sắp tới ■