Xây dựng điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Điện ảnh chia sẻ trong buổi tọa đàm: “Khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) được ban hành thì khái niệm về điện ảnh sẽ thay đổi. Điện ảnh khi đó vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế. Khi điện ảnh được coi là ngành kinh tế có sự đóng góp lớn thì sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm”. Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cũng trên nền tảng đó, dòng phim thương mại có cơ hội phát triển. Thí dụ như phim truyền hình Việt Nam, tỷ lệ phim Việt Nam khi đó so với phim nhập khẩu chênh lệch nhiều. Nhận thấy điều đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã quyết tâm đưa phim Việt vào giờ vàng, vừa để cân bằng tỷ lệ vàng, vừa là hỗ trợ phim truyền hình trong nước. Khi áp tỷ lệ đó, người làm phim buộc phải sản xuất phim nhiều hơn, thay đổi nội dung hấp dẫn hơn. Khi nhà quản lý có nhiều chính sách, môi trường tốt cho phim Việt phát triển, phim Việt những năm gần đây đã có sự tiến bộ và dần được khán giả ghi nhận.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam nhận xét: “Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ công nghệ số, ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, ngành điện ảnh Việt Nam có thêm cơ hội thứ 2 để phát triển. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, đã có những giai đoạn chúng ta muốn thúc đẩy công nghiệp điện ảnh, tuy nhiên chưa khả quan lắm. Nhìn ra các nước như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, điện ảnh của chúng ta có những hạn chế. Chúng ta có tiềm năng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam từ dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (VOD).
Ông Nguyễn Quang Đồng phân tích, nền kinh tế sáng tạo, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam chưa phát triển mạnh là bởi chân đế phục vụ cho ngành này hạn chế. Về mặt chính sách, chúng ta đang quan tâm nhiều đến mảng phim nghệ thuật, phim điện ảnh. Tất nhiên khát vọng của mọi nền điện ảnh đều hướng đến sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, song rủi ro chính là các giải thưởng danh giá, có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, để đạt được các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, chúng ta cần chân đế phải vững chắc, đó là phim thương mại. Mô hình hiện tại của chúng ta đang bị ngược. Phải đảo ngược bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho hệ sinh thái dịch vụ điện ảnh, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ năng con người. Phải quay về thúc đẩy cho mảng con người và dịch vụ điện ảnh.
Nếu nhìn hệ sinh thái ấy như khu rừng thì những cây cổ thụ kia là những sản phẩm, chúng ta phải đạt được đỉnh cao là các giải thưởng. Nhưng muốn làm được việc ấy phải nuôi dưỡng hệ sinh thái, tầng bên dưới, không thể tự nhiên có cây cổ thụ được.
Cần “cởi trói” cho điện ảnh
Các chuyên gia cho rằng, có những vấn đề quy định trong Luật hiện hành còn quá cứng nhắc, cần tháo gỡ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ, để phát triển các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ điện ảnh, các quy định hiện tại đang chặt chẽ quá, có nhiều thủ tục hành chính quá, cần phải bỏ. Ông đưa ra thí dụ, điều 14 liên quan đến cung cấp các dịch vụ phim nước ngoài, hiện tại yêu cầu dịch vụ này có cấp phép, với các quy định khá chặt, như: Doanh nghiệp tham gia một khâu phải có kịch bản bằng tiếng Việt. Trong khi hiện nay trên các nền tảng VOD, chẳng hạn như Netflix, nhiều, doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm phụ đề, làm hình ảnh, visual art. Nếu bắt doanh nghiệp phải có kịch bản bằng tiếng Việt, phải nộp hồ sơ, phải xin phép, điều này không có ý nghĩa vì họ chỉ làm 1 khâu, còn phim hoàn chỉnh muốn chiếu ở thị trường Việt Nam thì phải phân loại phim và ký xét duyệt từ khi phát hành. Vậy, doanh nghiệp lúc đầu có cần nộp kịch bản hay không?
Những quy định như ở Điều 14, khi trao đổi thảo luận với doanh nghiệp họ đã phản ứng rất nhiều, vì nộp hồ sơ sẽ khiến doanh nghiệp phải chờ đợi, bỏ lỡ nhiều cơ hội, bởi không phải họ sản xuất một phim hoàn chỉnh mà có thể làm âm thanh, ánh sáng, phụ đề và nhiều khâu hậu kỳ. Nếu doanh nghiệp được giải phóng khỏi các thủ tục hành chính sẽ phát triển mạnh, có thể hiểu đó là phát triển chân đế cho khu rừng.
Hay những quy định liên quan có thể cởi trói cho doanh nghiệp, đó là phổ biến phim trên mạng. Khoản 3, Điều 22, yêu cầu tỷ lệ bắt buộc phim Việt trên nền tảng. Ông Nguyễn Quang Đồng phân tích: “Nếu các nền tảng Netflix không đủ phim Việt thì phải xử lý như thế nào? Chúng tôi có làm việc nhiều với hãng phim nước ngoài. Cách đây 3 năm, khi Nexflix bắt đầu vào thị trường Việt Nam, họ đã mong muốn phim Việt Nam có chỗ đứng trên Nexflix. Từ phim đầu tiên là “Hai Phượng”, nay trên Nexflix tỷ lệ phim Việt cũng đã khá nhiều. Các doanh nghiệp rất muốn tỷ lệ, nội dung phim nhiều hơn, song nếu bắt buộc tỷ lệ phải là bao nhiêu lại rất khó cho doanh nghiệp. Vì vậy, không nên có quy định bắt buộc trong vấn đề này”.
Bà Lê Thị Phương Thảo (Thảo Lê Entertainment), một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác làm phim với nước ngoài và tham gia các LHP, hội chợ phim quốc tế chia sẻ: “Chúng ta có đủ hành lang, cơ chế, có nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều câu chuyện hay, món ăn đường phố hấp dẫn và xứng đáng để làm những phim có tiếng vang trên quốc tế mà tại sao chưa làm được. Tại sao sao các doanh nghiệp làm phim vẫn đang phải cố gắng “sống sót” trong khi các đồng nghiệp của chúng ta ở trong khu vực đã vươn tầm quốc tế?”
Bà Lê Thị Phương Thảo phân tích, nhiều đoàn làm phim Hollywood muốn quay phim ở Việt Nam thay vì Thái Lan, Philippines, nhưng khâu giấy phép quá khó, chờ đợi giấy phép và thủ tục có khi kéo dài tới 1 năm. “Họ không thể chờ đợi được, cho nên thay vì Việt Nam, họ sang Thái, Cam và mình mất cơ hội”, bà nói.
Theo bà Lê Thị Phương Thảo, cần tháo gỡ thủ tục thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các nhà làm phim quốc tế vào. Nếu làm tốt, văn hóa có thể tạo ra những cơ hội rất lớn. Chúng ta nên tìm cách cho phép các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam, nhưng cần cho họ biết những gì được làm và không được làm. Bà Phương Thảo cũng cho rằng, hiện nay có khoảng cách giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà làm chính sách. Vì thế, cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể. Ban làm chính sách cần mời các doanh nhân làm điện ảnh, truyền hình vào làm cố vấn cho mình, để điều chỉnh những chính sách có lợi, vừa bảo vệ văn hóa, thể chế, nhưng vẫn hợp tác được với nước ngoài.
Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục:
Hiện nay có sự thống nhất cao về quan điểm xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), từ cơ quan soạn thảo đến cơ quan thẩm tra, trong đó tập trung 4 định hướng lớn.
Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành điện ảnh theo hướng vừa là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác (du lịch, vui chơi, giải trí, truyền thông…).
Thứ hai, các quy định, chính sách pháp luật bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân.
Thứ ba, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.
Thứ tư, Luật ban hành phải phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu hướng thế giới; đồng bộ về pháp luật, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống; chính sách đưa ra phải đánh giá kỹ lưỡng, gắn với nguồn lực thực hiện. Chỉ Luật Điện ảnh không tự mình thúc đẩy điện ảnh phát triển mạnh mẽ, mà còn có nhiều luật cộng hưởng. Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Phí và lệ phí, Luật An ninh mạng... tác động lớn phát triển công nghiệp điện ảnh, do đó, cần bảo đảm đồng bộ để có tính khả thi.